(ĐSPL) – Bà bầu khi mang thai sức đề kháng suy giảm, vì thế dễ mắc bệnh. Có những bệnh vô cùng nguy hiểm đối với bà bầu. Vì thế khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý đến những bệnh dưới đây để có cách khắc phục.
Bệnh tiểu đường thai kỳ
Theo Gia đình & Xã hội, khi người mẹ ăn quá nhiều trong thai kỳ, đặc biệt là chế độ ăn nhiều đường và tinh bột thì nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ là rất cao. Điều này rất nguy hiểm không chỉ với mẹ bầu mà cả với thai nhi, vì khi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì đứa trẻ có thể bị hạ đường huyết ngay sau khi sinh.
Nếu chẳng may đã bị tiểu đường thai kỳ, hãy thay đổi chế độ ăn ngay lập tức để cơ thể bạn dần trở về trang thái cân bằng. Chế độ ăn dành cho những thai phụ bị tiêu đường gồm có nhiều rau xanh, các loại thịt chứa nhiều protein, các loại hạt và hoa quả ít đường. Bạn đặc biệt chú ý cần phải tránh xa các loại thực phẩm chứa nhiều đường như kem, bánh kẹo, mía, nước dừa, và chế độ ăn nhiều tinh bột.
Bệnh cao huyết áp thai kỳ
Nếu trong thai kỳ của mình, huyết áp của bạn đo được luôn ở trên mức 140/90mmHg, hoặc huyết áp tâm thu tăng lên 30mmHg, huyết áp tâm trương trên mức 15mmHg thì bạn được đánh giá là mắc bệnh cao huyết áp thai kỳ.
Tuy nhiên, việc cao huyết áp trong thai kỳ thường nhẹ và không gây ra nhiều trở ngại về sức khỏe. Điều bạn cần đặc biệt quan tâm là nếu bạn đã bị cao huyết áp trước khi mang thai hoặc ngay từ trước tuần 20 của thai kỳ thì bạn sẽ được đánh giá là bị bệnh cao huyết áp kinh niên. Bệnh này có thể khiến em bé hạn chế phát triển trong tử cung, gây ra nguy cơ tiền sản giật hoặc thai chết lưu.
Những người thừa cân thường dễ bị cao huyết áp hơn so với những người có cân nặng bình thường.
Nếu bị chuẩn đoán là cao huyết áp, bạn cần tuân thủ theo đúng liệu trình và phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Ứ mật thai kỳ
Chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, BS. Hoàng Lan cho biết, khi các men tiêu hóa, mật được tích tụ trong gan của bà mẹ mang thai thẩm thấu vào máu có thể dẫn đến chứng ứ mật thai kì. Tình trạng này có thể ảnh hưởng 1-2/1.000 phụ nữ mang thai và xu hướng do di truyền. Axit mật được tạo thành trong gan rồi theo các ống gan đi vào túi mật. Túi mật giúp dự trữ axit mật và bẻ gãy các chất béo cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Trong thai kỳ, lượng nội tiết tố tăng cao làm ảnh hưởng đến dòng chảy mật khiến mật trong gan tràn vào máu. Thay vì được đưa về ruột, axit mật đọng lại ở dưới da. Cảm giác ngứa da là biểu hiện dễ nhận biết nhất của căn bệnh này.
Phòng tránh: Cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ sản khoa và dinh dưỡng về chế độ ăn trong thai kỳ để đảm bảo sự tăng cân vừa phải, đồng thời theo dõi sát sự tăng trưởng của thai nhi. Các trường hợp có mỡ máu tăng, tiền căn gia đình có ứ mật trong gan, bệnh lý gan có sẵn, thì phải hết sức lưu ý.
Nguy cơ tiền sản giật
Báo Khám phá cho biết, tiền sản giật - sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5 - 8% thai kỳ. Nguyên nhân của tiền sản giật hiện chưa được hiểu rõ.
Diễn tiến của tiền sản giật là đi vào sản giật, đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tử vong mẹ và con. Biến chứng Hội chứng HELL bao gồm tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu lan tỏa, phù phổi cấp, nhau bong non, suy thận cấp, xuất huyết não…
Nguy cơ dẫn đến tiền sản giật
- Mang đa thai.
- Mang thai con đầu lòng.
- Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi).
- Có tiền sử tăng huyết áp trước đó (tăng huyết áp vô căn).
- Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý thận trước đó.
- Thai kì trước đây bị tiền sản giật.
- Tiền sản giật có vẻ liên quan đến di truyền và có tiền sử gia đình.
- Bà bầu thiếu dinh dưỡng.
- Bệnh lý răng miệng cũng được cho là có liên quan.
- Thừa cân hoặc béo phì trong thai kì.
Huyết áp thấp khi mang thai
Huyết áp thấp làm cho cơ thể thai phụ mệt mỏi, chán ăn, mất nước...
Điều trị
Các bác sĩ khuyến cáo, những bà Bầu bị huyết áp thấp không nên sử dụng thuốc mà chỉ khắc phục bằng các biện phát ăn uống, nghỉ ngơi như sau:
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước hơn bình thường vì nó làm tăng thể tích máu, khắc phục được huyết áp thấp.
- Ăn mặn: Ngược lại với bệnh cao huyết áp, những người bị huyết áp thấp nên cố gắng ăn nhiều muối hơn. Uống nước khoáng cũng có lợi cho người mắc bệnh này, nhất là nước khóang có chứa nhiều muối natri.
- Ngủ trưa sau ăn: Mất ngủ cũng làm cho thai phụ bị tụt huyết áp, vì thế, hãy ngủ đủ mỗi ngày ít nhất 8 tiếng. Sau bữa trưa, bạn nên ngủ một thời gian để đảm bảo lượng máu cung cấp lên não.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ: Thay vì chỉ ăn ba bữa chính, bà Bầu bị huyết áp thấp nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Trong chế độ ăn uống thường ngày, cần bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa những thành phần như protein, vitamin C, các loại vitamin nhóm B… và chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo…
- Không đứng dậy đột ngột: Việc này có thể bất ngờ làm hạ huyết áp, dẫn tới hiện tượng choáng váng, thậm chí ngất xỉu. Trước khi đứng dậy, bạn nên vươn vai rồi từ từ đứng lên. Việc vươn vai giúp co giãn cơ, máu lưu thông tốt hơn, làm cho cơ thể thai phụ có thời gian thích nghi với sự thay đổi của tư thế mới.
MỸ AN (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]CS5IabcqTq[/mecloud]