+Aa-
    Zalo

    Nhức nhối vấn nạn buôn người sang Trung Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông tin từ phòng cảnh sát hình sự, Công an Tp. Hà Nội, trong 5 năm qua, số vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm hơn 81% trên tổng số vụ mua bán người phát hiện được.

    Thông tin từ phòng cảnh sát hình sự, Công an Tp. Hà Nội, trong 5 năm qua, số vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm hơn 81% trên tổng số vụ mua bán người phát hiện được.

    Ngay trong những tháng đầu năm 2017, Công an Tây Ninh phối hợp cùng Bộ Công an bắt giữ Nguyễn Hoàng Hùng (32 tuổi, ngụ Hưng Phú, Cái Răng, TP Cần Thơ), Nguyễn Thị Điền (40 tuổi, ngụ Hồng Ngự, Đồng Tháp); Đặng Thị Gái (67 tuổi) và Phạm Thị Kim Cúc (58 tuổi, cùng ngụ Tân Phong, Tân Biên, Tây Ninh) về tội mua bán người.

    Nhóm của Hùng bị bắt giữ khi đang làm thủ tục đưa 3 cô gái Việt Nam gồm: H.N (31 tuổi); M.L (32 tuổi) và A.N (20 tuổi), cùng ngụ ở Tây Ninh ra sân bay Tân Sơn Nhất để đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông làm vợ.

    Qua quá trình điều tra các đối tượng khai nhận, nhóm bắt đầu hoạt động từ khoảng giữa tháng 5/2015. Trong đó, Hùng và Điền có nhiệm vụ móc nối với các đối tượng ở các tỉnh phía Bắc để họ đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán làm vợ, mỗi trường hợp Điền được họ trả từ 10 đến 20 triệu đồng.

    Các đối tượng trong vụ buôn người ở Tây Ninh. Ảnh: Dân Trí


    Với chiêu trò tìm những người phụ nữ mong “đổi đời”, đối tượng Gái giả làm thầy bói và giới thiệu “con mồi” đến cho Điền và Cúc, với mỗi người giới thiệu được, Gái được chia số tiền từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng. Tính đến thời điểm bị bắt, đường dây này đã bán tổng cộng 6 người phụ nữ sang Trung Quốc.

    Tháng 7/2017, Công an Tây Ninh phối hợp cùng cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an, Công an TPHCM bắt quả tang Nguyễn Thị Kiều Oanh (39 tuổi, ngụ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) đang làm thủ tục đưa 2 cô gái T.T.D.M (24 tuổi) và N.T.Đ (32 tuổi, cùng ngụ ở Tây Ninh) đi xe khách ra Hà Nội. Sau khi đến Hà Nội sẽ trung chuyển sang các tuyến xe khác để đưa quaTrung Quốc bán cho đàn ông nước này.

    Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến đầu 2017, Oanh cùng 2 đối tượng, Nguyễn Thị Thanh Hoa (22 tuổi, ngụ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) và Nguyễn Thị Thanh Hương (38 tuổi, ngụ xã Thành Long, Châu Thành) đã bán 7 phụ nữ ở tỉnh Tây Ninh và Đồng Tháp sang Trung Quốc, cơ quan công an đã giải cứu 4 người. Đối với mỗi trường hợp bán được Oanh thu lợi 40 đến 50 triệu đồng.

    Gần đây nhất, sáng 26/9, Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử hai đối tượng Hoàng Thị Loan (40 tuổi, ở Lạng Giang, Bắc Giang) và Nguyễn Thị Hương (32 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) về tội Mua bán người và Mua bán trẻ em.

    Cũng với chiêu bài dụ dỗ những người phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng hay làm việc với mức lương hấp dẫn, nhóm của Loan và Hương đã bán được 6 người phụ nữ sang Trung Quốc trong đó có 1 em nhỏ.

    Một người phụ nữ từng bị lừa bán sang Trung Quốc kể về quãng thời gian nghiệt của cuộc đời mình. Ảnh: Báo Gia đình Việt Nam.


    Tin vào những lời “đường mật” hứa hẹn tương lai tươi sáng, có công việc thu nhập tốt, kiếm được chồng giàu nhiều phụ nữ đã sa chân vào cạm bẫy để rồi sống trong những tháng ngày đen tối.

    N.A (23 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hoá) vẫn không thể quên được những ký ức kinh hoàng khi bị bán sang Trung Quốc. Năm 2013, N.A gặp Đào Thị Vân (cách đây khoảng 20 năm từng bị lừa bán sang Trung Quốc và hiện sống ở tỉnh Quảng Đông) về nước tiếp cận hai chị em. “Ngày về quê, bà ta đến gặp chúng tôi, ăn vận rất lịch sự, tỏ ra là người thành đạt nên chúng tôi không mấy nghi ngờ”, mẹ N.A nhớ lại.

    Đối tượng Vân rỉ tai N.A nói rằng có người bạn có công ty lớn bên Trung Quốc đang cần tuyển người nên hứa sẽ giúp chị em xuất cảnh làm công nhân với mức lương cao.

    Tin lời Vân, sau khi bàn bạc với gia đình, hai chị em N.A đồng ý, chập tối 17/7, bà Vân đón xe khách đưa hai chị em ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sau hơn 2 ngày di chuyển bằng nhiều loại phương tiện, cả nhóm đặt chân đến tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

    N.A kể hai chị em cô bị ném vào căn phòng kín, bị tịch thu điện thoại và mọi tư trang, tiền bạc cá nhân. “Lúc này, chúng tôi mới biết bị lừa vào đường dây buôn người xuyên quốc gia, hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc”.

    Những ngày tiếp theo, họ bị chủ nhà ép phải làm vợ những người đàn ông bản địa. “Mỗi khi có khách, bà chủ lại mở cửa để họ “xem” rồi trả giá. Hai chị em không nghe lời liền bị bà Vân và những người đàn ông canh giữ đánh đập, bỏ đói”, N.A nhớ lại. Đau đớn, tủi nhục nhưng hai chị em không có cách liên lạc báo tin cho gia đình.

    Hiện tượng mua bán phụ nữ và trẻ em không phải mới, thông tin trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa về những vụ việc liên quan. Nhưng tình trạng buôn bán người sang Trung Quốc vẫn có dấu hiệu leo thang. Phải chăng do sự đói nghèo túng quẫn, thiếu hiểu biết cũng những người phụ nữ nghèo vùng sâu vùng xa? Do sự quản lý, giáo dục yếu kém của các cơ quan chức năng, hay còn vì lý do gì khác?

    (tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhuc-nhoi-van-nan-buon-nguoi-sang-trung-quoc-a203243.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan