Tưởng rằng sẽ không còn có ngày trở về đoàn tụ với gia đình sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng với mưu trí của mình, cô gái người dân tộc Cơtu không chỉ tự giải thoát được bản thân mà còn gài bẫy đưa bọn buôn người sa lưới pháp luật.
Kinh hoàng những ngày trên đất khách
Đã có chồng và một con nhưng do cuộc sống nghèo khó nên cô gái dân tộc Cờ Tu Ka Phu Don (SN 1986, thôn Pà Dồn, Cà Dy, Nam Giang, Quảng Nam) quyết định lên thành phố làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Cuối tháng 5/2013, Don cùng với một người em trong thôn là Zơ Răm Thị Thụy (Sn 1995) bắt xe lên TP Đà nẵng tìm việc. Sau 3 ngày lang thang khắp nơi mà vẫn không tìm được chỗ làm thì cô nhận được điện thoại của một cô gái tên Thảo (Thảo là bạn cùng huyện với Don) nói rằng có việc ở Hà Nội làm lương mỗi tháng 6 triệu và muốn rủ Don và Thụy cùng đi. Đang buồn chán vì không có việc gì làm và định trở về quê bỗng tự nhiên có việc lương cao nên hai cô không một chút nghi ngờ mà gật đầu đồng ý ngay.
“Lúc đó Thảo gọi cho em hỏi hai đứa đang ở đâu nhưng vì mới xuống thành phố nên em không biết chỗ nào cả phải nhờ một người dân gần đó nói địa chỉ qua điện thoại cho Thảo để tới đón. Lúc gọi Thảo bảo là đang ở quê nhưng chỉ 20 phút sau thì chúng em thấy Thảo xuất hiện. Em hỏi sao mà về nhanh thế thì Thảo không nói gì rồi bảo hai đứa về thu xếp đồ đạc đi luôn không thì họ nhận người khác là mất việc”. Don kể lại.
Sau khi Don và Thụy về phòng thu xếp đồ đạc xong xuôi thì Thảo gọi taxi tới đón cả ba người. Đi được một đoạn tới một quán nhỏ ven đường, Thảo bảo xe dừng lại rồi tất cả chuyển sang đi xe khách. Chuyến đi kéo dài gần 1 ngày đêm, cả Don và Thụy đều mệt mỏi rồi ngủ thiếp đi cứ ngỡ là mình được đưa ra Hà Nội hào nhoáng với tấp nập xe cộ đi lại. Đến khi tỉnh dậy thì thấy mình đang đi trên một con đường đất. “Lúc đó em thắc mắc vì sao Hà Nội mà lại như thế này thì Thảo bảo rằng xin việc ở Hà Nôi quê nên cũng có đường giống chỗ mình. Sau đó em không nói gì nữa và ngủ tiếp vì quá mệt” - Don kể lại.
Đến sáng hôm sau tỉnh dậy, Don hốt hoảng khi thấy hai bên đường treo đầy những biển báo, quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc mà không biết chuyện gì đang xảy ra. Một lát sau, Thảo bảo xe dừng lại rồi gọi Don và Thụy xuống xe. Tại đây, tất cả ngồi chờ một lúc thì có 2 người (Nông Thị Bé và chồng là Ly Xue Lieng) chạy xe hơn tới đón cả 3 lên xe. Sau này Don và Thụy mới biết rằng mình đã bị bán sang Trung Quốc với giá 30 ngàn nhân dân tệ/người.
“Sau khi bị bán sang Trung Quốc, họ nhốt hai đứa em ở một căn nhà hoang rồi bắt chúng em bán dâm nhưng bọn em không chịu. Qua 3 ngày bị nhốt, lợi dụng sơ hở khi chúng buông lỏng canh phòng chúng em chạy trốn được một quãng đường dài. Do không biết đường sá ở đây nên cứ chạy mãi chỉ mong sao bắt gặp được một đồn công an nào đó để nhờ họ cứu giúp.
Đến khi quá mệt bọn em ngồi nghỉ ở gần một bờ ruộng thì hoảng hồn khi thấy xe của Bé và chồng bà ta đã ở phía sau lưng. Rồi họ kéo bọn em lên xe đưa về nhà của một người đàn bà Trung Quốc. Tại đây, chúng đánh đập bọn em nhiều lần vì tội bỏ trốn, có khi bị đánh đến ngất xỉu. Em không còn sức, khi gượng dậy tưởng mình đã bị đánh chết chỉ khi thấy bóng dáng của người phụ nữ Trung Quốc thì mới biết mình còn sống. Sau đó họ nhốt hai đứa em vào hai phòng rồi khóa trái của lại không cho ra ngoài. Trước khi nhốt chúng lấy dao hăm dọa nếu còn có ý định bỏ trốn thêm lần nữa thì sẽ giết luôn không tha. Những ngày đó, em tuyệt vọng lắm, chỉ biết khóc vì nhớ nhà, nhớ con, cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ bị chon vùi trên đất khách quê người” - Don xúc động kể lại.
Don kể lại sự việc |
Những ngày sau đó, Don và Thụy không còn bị bắt bán dâm nữa mà trở thành món hàng để cho những người đàn ông Trung Quốc xem mặt chọn vợ. Mỗi ngày, hai cô phải đứng ra cho người khác nhìn ngắm từ trên xuống dưới như một loại hàng hóa. Có khi còn có cả bố mẹ “khách hàng” đến tận nơi chọn con dâu tương lai. Thụy lọt vào tầm ngắm của một gia đình người Trung Quốc gần đó và bị đem về nhà chồng. Don may mắn hơn chưa bị bắt đi nhưng tiếp tục ở lại để hết người này đến người khác soi xét.
Lập mưu đưa các đối tượng sa lưới
Biết mình không thể trốn thoát, Don bắt đầu lên kế hoạch tự giải thoát cho mình và đưa bọn buôn người vào bẫy. Khi sang đến Trung Quốc, toàn bộ số điện thoại trong máy của Don đều bị Nông Thị Bé xóa sạch. Khi nhớ rằng mình còn có 1 số máy trước đây dùng nhưng bây giờ đã cho đứa em ở quê nên Don gọi điện thì đứa em bắt máy. Trong cuôc điện thoại, Don kể lại toàn bộ sự việc rồi bảo với đứa em lên công an Huyện Nam Giang trình báo và xin số điện thoại của công an huyện gửi qua cho Don. Khi có được số điện thoại của 1 đồng chí công an huyện Nam Giang tên Thịnh, Don nhắn tin báo cáo sự việc và nhờ công an vào cuộc. Đồng thời lúc này ở Trung Quốc Don tỏ ra ngoan hiền và luôn nghe theo lời Nông Thị Bé, Don bảo với Bé rằng mình lấy chồng một mình ở đây rất buồn nên muốn về quê rủ thêm 2 cô bạn không nơi nương tựa cùng qua bên này xem như là giúp đỡ hai đứa và sang bên này có chị có em cho vui.
“Lúc đó em thấy bà ta không nói gì cả rồi cùng chồng trở về nhà để em ở lại ở nhà bà người Trung Quốc này. Đến sáng hôm sau khi em cùng với bà chủ nhà ra vườn hái hoa thì nhận được cuộc điện thoại của Bé bảo rằng muốn em về quê đưa hai cô gái đó sang đây. Chắc là bà ta đã hỏi lại em Thụy có phải ở quê có 2 cô gái không cha không mẹ không rồi mới gọi lại cho em. Trước khi nói chuyện này với bà ta em cũng đã có bàn với Thụy là nếu bà Bé có hỏi em thì em cứ trả lời như chị bảo”. Don nhớ lại.
Vui mừng vì có mối, Nông Thị Bé bảo Don về nhà chuẩn bị đồ đạc để sáng mai về Việt Nam sớm nhưng khi tới của khẩu thì bị công an Trung Quốc bắt lại. “Lúc đó họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc nên em không hiểu gì cả. Tới lượt mấy người công an Trung Quốc hỏi em thì họ phải nhờ một người phiên dịch. Họ hỏi em là ai và đang đi đâu thì em trả lời rằng mình là em họ của Nông Thị Bé ở Việt Nam qua chơi giờ đang trên đường trở về. Em nghĩ chắc gì mấy người công an này đã giúp mình nên em mới nói với họ như vậy. Nếu mà họ không giúp thì mình chỉ có nước chết với bà Bé mà thôi. Khi em trả lời như thế thì sẽ tăng thêm sự tin tưởng của Nông Thị Bé mà đưa em về lại Việt Nam” - Don kể.
Sau khi bị tạm giữ gần 1 tháng ở đồn công an này vì không có giấy tờ tùy thân cả 3 được thả về và quay trở về nhà Nông Thị Bé. Ở đây được 10 ngày, Don thúc dục Bé đưa cô trở về Việt Nam “lấy hàng” sớm. Bé cùng với Ly Xue Lieng đưa Don về đến Lạng Sơn rồi cả ba bắt xe xuống Hà Nội. Vì đã cảm thấy tin tưởng nên Bé muốn Don tự đi về Quảng Nam còn mình với chồng sẽ ở lại Hà Nội chờ Don đưa người ra nhưng Don không chịu và đề nghị cả 3 cùng về.
Đến bến xe Đà Nẵng, vợ chồng Nông Thị Bé thuê nhà nghỉ rồi đón taxi cho Don về Nam Giang lấy “hàng”. Như đã dự toán từ trước, Don giả vờ với Bé sẽ gọi điện để dụ 2 người bạn thân của mình giao cho Bé đưa sang Trung Quốc. Sau đó Don gọi điện cho 2 cô bạn thân là Zơ Răm Nguyệt (SN1989) và Bnước Sen (SN 1987) giả làm nạn nhân chuẩn bị cùng đi về Đà Nẵng với Don. Khi taxi chở Don về tới Nam Giang, Don không về nhà mà đến công an huyện báo cáo tình hình để cùng nhau phối hợp bắt giữ 2 đối tượng buôn người. Theo kế hoạch đã định trước, Don, Nguyệt và Sen cùng lên xe về lại Đà Nẵng, vợ chồng Bé đến nhận “hàng” thì bị lực lượng công an ập đến bắt giữ đưa về công an phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng làm việc. Lúc này hai vợ chồng kẻ buôn người vẫn không hiểu vì sao mình bị bắt. Mãi sau đó chúng mới nhận ra rằng mình đã bị cô gái dân tộc Cờ Tu này gài bẫy.
“Lúc biết em đã lừa bọn chúng thì tại cơ quan điều tra Nông Thị Bé trừng trừng nhìn em căm phẫn, em sợ quá mà không dám nhìn lại. Tới giờ em vẫn sợ rằng một ngày nào đó bà ta sẽ tìm và trả thù em nhưng em nghĩ nếu mình không làm như thế thì sẽ còn có rất nhiều người trở thành nạn nhân của chúng. Bởi vậy nên em phải đưa chúng ra cho pháp luật trừng trị” - Don chia sẻ.
Duy Khánh