+Aa-
    Zalo

    Xưa bất hiếu là đại tội, nay nhẹ thì xử phạt hành chính

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời xưa, hành vi bất hiếu được xếp vào một trong "thập ác", là tội lỗi khó dung thứ. Ngày nay, những hành vi như vậy đôi khi chỉ bị phạt vài trăm nghìn.

    Thời xưa, hành vi bất hiếu được xếp vào một trong "thập ác", là tội lỗi khó dung thứ. Ngày nay, những hành vi như vậy đôi khi chỉ bị phạt vài trăm nghìn. Phải chăng quan niệm về chữ Hiếu đã khác?

    Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay vốn trọng chữ Hiếu, trong những bộ luật lớn của tổ tiên như Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ XV), Bộ luật Gia Long (thế kỷ XIX)... đều có những quy định rất khắt khe về việc phải giữ gìn đạo hiếu. Con cái chỉ cần cãi lời, mắng mỏ ông bà, cha mẹ hay chăm sóc không chu đáo là đã phải chịu xử lý hình sự. Kẻ bị xử tội phải chịu các hình phạt đồ hình (sai đày, làm công việc nặng nhọc), khao đinh (phục vụ cho binh lính ở chiến trường)... trước khi đi còn bị đánh 80 trượng thị chúng.

    Những cổ luật dần đi vào trong tâm thức của người Việt và trở thành phong tục, tập quán thể hiện trong lời ăn tiếng nói, cách sống. Mỗi hành vi thể hiện sự bất hiếu ở bất cứ mức độ nào đều gây công phẫn trong dư luận, bị lên án kịch liệt.

    Thực tế hiện nay, những hành vi mang dấu hiệu của sự bất hiếu có dấu hiệu gia tăng, từ những chuyện nhỏ như lớn tiếng, cãi lại cha mẹ, ông bà. Cho đến đỉnh điểm trong thời gian gần đây, nhiều vụ hành hung, ngược đãi đấng sinh thành bị phơi bày khiến công luận vô cùng bức xúc.

    Cách đây hơn 1 năm, cụ Dương Thị Kim Châu (81 tuổi, phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM), sau khi can ngăn con cháu cãi nhau bị chính con gái và cháu ruột đánh. Khi cụ ngã xuống, 2 kẻ nghịch tử vẫn tiếp tục dùng chân đạp liên tục lên người, lên mặt khiến toàn thân cụ tím tái.

    "Lúc bị đánh, tôi ứa nước mắt, không phải vì nỗi đau trên thể xác mà vì đau lòng, không bao giờ tôi nghĩ bị chính con đẻ, cháu ruột của mình đánh. Cứ nghĩ do chúng nóng giận nhất thời mà không kiểm soát được, không ngờ sau khi được can ngăn chúng lại tiếp tục thoá mạ, thách thức tôi. Lòng tôi đau như cắt, có ai lại muốn con cháu mình đi tù, nhưng không thể dạy bảo nổi 2 đứa nghịch tử nên đành để pháp luật xử lý." - Bà Châu buồn bã chia sẻ.

    Bà Châu cầm trên tay những bức hình về thương tích của mình. Ảnh: Tri Thức Trẻ

    Cũng trong khoảng đầu năm 2016, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ người mẹ khiếm thị Nguyễn Thị Thơm (Bình Thạch, TP.HCM) bị đứa con nuôi từ khi 6 tháng tuổi đánh đến chết đi sống lại. Năm 1981, phát hiện Nguyễn Thiên Ân bị bỏ rơi, bà Thơm đem về nuôi coi như con đẻ, sống với bà Thơm, vốn là một nhà giáo, Ân không những không ngoan ngoãn mà còn chơi bời lêu lổng nhiễm đủ thứ thói hư tật xấu. 

    Trong một cơn phê thuốc, Ân dùng ổ khoá đánh nhiều nhát vào bà Thơm khiến bà phải vào viện điều trị nhiều tuần. Sau khi ra viện, đôi mắt bà đã vĩnh viễn bị hỏng, biết con ở tù, bà phải nhờ người làm cơm và dắt vào thăm con.

    Với đứa con không dứt ruột đẻ ra nhưng bà Thơm vẫn dành tình yêu thương đến lạ, bị đánh đến thương tật 67%, bà vẫn xin toà thả tự do cho con. Dù biết khi đứa con nuôi ngỗ nghịch trở lại sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, bà vẫn quả quyết với trái tim yêu thương bao la của một người mẹ: "Tôi thương con vì nó bị bỏ rơi từ nhỏ, đời nó đã phải chịu nhiều bất hạnh, nó đánh tôi trong lúc bị bệnh, mê man không nhớ gì cả, sau này gặp tôi nó đã khóc và xin lỗi".

    Bà Thơm với đôi mắt không còn ánh sáng phải nhờ sự dìu dắt của người thân và luật sư. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

    Có lẽ không chỉ với bà Thơm mà đôí với bất cứ người mẹ nào trên cuộc đời này, cho dù con mình có làm bất cứ điều sai trái gì, chỉ cần nói một tiếng xin lỗi là sẽ được tha thứ. Tấm lòng bao la của người mẹ vẫn khóc nấc lên khi toà tuyên án đối với bị cáo Ân :"Con ơi! Mẹ thương con..." 

    Gần đây nhất là vụ "nghịch tử" Trần Xuân Chương (Thanh Miện, Hải Dương), ngày 23/9, vì nghi ngờ mẹ có bạn trai, Chương to tiếng quát mắng và dùng chiếc quạt cây đánh chính người mẹ đẻ của mình đến nứt hộp sọ.

    Tàn nhẫn hơn, sau khi gây án, tên này còn đặt bà C (mẹ Chương) lên giường và để mặc ở đó đến ngày hôm sau. Không biết đêm hôm đó, nằm trên giường, bà C đã phải trải qua những cảm xúc đau đớn đến thế nào? Bà phải đặt cho mình biết bao câu hỏi, biết bao hình ảnh ngày xưa từ lúc mang nặng đẻ đau, đến câu hát ầu ơ ru con ngủ, đến những mồ hôi nước mắt đã chảy xuống… Trong lúc ấy kẻ nghịch tử vẫn ngủ ngon sau khi đánh mẹ, nỗi đau ấy ắt hẳn đau hơn cái đau thể xác rất nhiều.

    Theo quan điểm hình sự của pháp luật nước ta thời điểm hiện tại không quy định “bất hiếu” là một tội danh độc lập, có khung hình phạt riêng. Đối với những người có hành vi ngược đãi, đày đoạ ông bà, cha mẹ, pháp luật chủ yếu hướng tới giáo dục nhằm giúp họ có sự thay đổi. Theo điều 104 Bộ luật Hình sự, những hành vi hành hung đối với ông bà, cha mẹ có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Nhưng tại điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nêu rõ, nếu ông bà, cha mẹ bị đánh không yêu cầu thì không được truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Về nghĩa vụ của con cái đối với ông bà, cha mẹ được nêu trong Luật Hôn nhân và Gia đình, con cái có nghĩa vụ phải yêu quý, kính trọng, biết ơn đối với cha, mẹ, phải chăm sóc cha, mẹ lúc già yếu ốm đau. Nghiêm cấm hành vi xúc phạm, ngược đãi, hành hạ… đối với ông bà, cha mẹ. Nếu vi phạm những nghĩa vụ nói trên mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử phạt từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng.

    Thanh Phong


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xua-bat-hieu-la-dai-toi-nay-nhe-thi-xu-phat-hanh-chinh-a203143.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan