(ĐSPL) – Người dân ở những khu vực này dường như ngày nào cũng phải đánh cược với tử thần khi phải đu dây qua miệng “hà bá”.
1. Đu dây cáp tự chế qua sông, 1 người tử vong
Gần đây nhất, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) ngày 26/10.
Khi đó, vào khoảng 8 giờ sáng, ông N.C, trú tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đu dây cáp tự chế để qua sông Krông Ana đi hái cà phê. Khi “cầu cáp treo” đi được một đoạn, bất ngờ ròng rọc tuột móc khiến ông C. đang ở độ cao khoảng 10m rơi xuống mép sông gồ ghề, nhiều cây bụi.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: D.H |
Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân đã nhanh chóng đưa ông C. đi bệnh viện cấp cứu nhưng do bị thương nặng, nạn nhân đã tử vong.
Trước đó, cũng tại dòng sông này, ngày 15/8, trong lúc một mình đu dây cáp qua sông Krông Ana để đi làm rẫy, không may bánh ròng rọc chạy trên dây cáp bị trục trặc, dừng đột ngột khiến bà N.T.T (SN 1962), trú tại xã Hòa Lễ, mất thăng bằng rơi xuống mép sông. Hậu quả, bà T. bị chấn thương ở vai, cổ, bị chệch quai hàm, mẻ đốt sống... và bất tỉnh. Rất may bà được người dân phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.
Một phụ nữ ở thôn 6, xã Hòa Lễ nói: “Ngày nào cũng qua sông như thế này nhưng mỗi lần đu cáp là một lần nín thở để lấy can đảm”. Ảnh Tuổi trẻ. |
2. Học sinh đu dây để kéo bè qua sông
Tin tức trên báo điện tử VnExpress cho biết, mỗi ngày, hơn 200 học sinh ở xã Sơn Bao, huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi) phải đu dây kéo bè, ghe vượt sông sâu chảy xiết đến trường.
Được biết, dọc theo quãng sông dài ở hai thôn Nước Rinh và thôn Tang, xã Sơn Bao, có ba bến đò đu dây kéo bè, ghe qua sông. Những thân tre dài chừng 15m được ghép lại bằng dây dừa thành một chiếc bè rộng khoảng 4m. Mỗi lúc qua sông, dân làng cùng học sinh lại chen chúc, bì bõm trong dòng nước xiết.
Học sinh trường THCS Sơn Bao chen chúc đu dây kéo ghe vượt dòng sông chảy xiết đến trường. Ảnh: T.T. |
Theo người dân nơi đây, cả phụ huynh và giáo viên đều lo ngại nguy cơ mất an toàn tính mạng học sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Phèng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bao cho biết: "Do nước sông thường chảy xiết nên người dân địa phương nghĩ cách đóng cọc gỗ, tre hai bên bờ rồi nối dây để kéo bè, ghe qua sông. Ngân sách có hạn nên hàng năm xã chỉ hỗ trợ vài triệu đồng cho người đu dây kéo bè đưa người dân, học sinh qua sông. Chính quyền địa phương thường nhắc nhở người dân khi mưa lớn, lũ dâng cao thì không được kéo bè hoặc chèo ghe qua sông để tránh nguy hiểm tính mạng”.
3. Người Hà Nội cũng đu dây qua sông
Theo tin tức trên báo Dân trí, chuyện thật như đùa này lại là thực tế xảy ra tại một thôn ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Bài viết hồi tháng 8/2014 cho biết, nhiều người dân tại xã này phải đu mình trên một đoạn dây cáp để sang sông mỗi ngày trong tình trạng không áo phao và thiết bị bảo hộ, bất chấp những nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Ảnh Dân trí. |
Được biết, tình trạng này đã tồn tại được khoảng hơn 1 năm. Cả thôn Bãi - xã Đại Mạch có khoảng 3 cáp treo tương tự đều do người dân bỏ tiền ra tự thiết kế và lắp đặt với mỗi chiếc trị giá khoảng 20 triệu.
Chiếc cáp được người dân chế bắc ngang sông, chạy bằng động cơ của xe máy cũ. Để giữ cho những chiếc dây cáp được chắc chắn, người dân buộc vào các thân cây hai bên bờ sông. Muốn sang bờ, họ phải ngồi vào một chiếc giỏ gỗ rộng chừng 0.5m, Phía trên có 2 bánh xe để dễ dàng di chuyển trên dây cáp. Người dân chỉ mất chưa đầy 2 phút để đi từ bờ bên này sang bên kia.
Xem video:
Người Hà Nội cũng đu dây qua sông