(ĐSPL) - Festival Huế là sự kiện văn hóa lớn nhất của Thừa Thiên – Huế nhưng lại mang tầm vóc quốc gia và thế giới. Đó cũng là “chiếc gương soi” khổng lồ để Huế tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa. Nhờ đó, sau 8 kỳ Festival Huế, TP. Huế đã được trao danh hiệu “Thành phố Văn hóa của ASEAN” nhiệm kỳ 2014 - 2015, và là thành phố đầu tiên của Việt Nam đảm đương nhiệm vụ này.
Một kỳ Festival “hoành tráng” hơn các kỳ trước
Sau khi Festival Huế 2014 chính thức khai mạc, nhiều hoạt động lễ hội và chương trình hưởng ứng đã đồng loạt diễn ra, tạo nên một âm sắc nhộn nhịp khắp phố phường và làng quê Huế. Mở màn sớm nhất là các chương trình hưởng ứng và văn hóa nghệ thuật cộng đồng như Giải vô địch quần vợt đồng đội quốc gia năm 2014, Hội thảo Công nghiệp Du thuyền Việt Nam, Liên hoan múa Quốc tế 2014, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2014… Bên cạnh đó, những hoạt động hưởng ứng diễn ra trước dịp khai mạc Festival Huế 2014 vẫn được tiếp tục đã cộng dồn “âm hưởng”, biến Huế trở thành một thành phố của lễ hội ngay từ sáng sớm tinh mơ.
Liên hoan múa Quốc tế 2014 là liên hoan múa quốc tế đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức và được đánh giá là đã thành công. |
Chương trình quảng diễn nghệ thuật mang màu sắc châu Á – Mỹ Latin cũng đã được diễn ra trên các tuyến đường TP Huế với sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Mặt khác, với “điểm nhấn” là kỳ Festival đầu tiên tôn vinh nghệ thuật ca Huế, chương trình nghệ thuật “Ngày hội Âm sắc Hương Bình” đã “tô điểm” thêm sự hoành tráng cho Festival Huế 2014. Tại các địa điểm biểu diễn trong TP Huế và các huyện của Thừa Thiên – Huế cũng diễn ra những chương trình biểu diễn cộng đồng của các đoàn nghệ thuật của Việt Nam, Nga, Nauy, Colombia, Mỹ, Sri Lanka, Mông Cổ, Ấn Độ, Slovakia, Chile, Peru, Myanmar, Campuchia, Phần Lan, Hàn Quốc, Argentina…
Tiếp theo các chương trình “OFF” (không vé và dành cho cộng đồng) sôi động và hấp dẫn nói trên, là các chương trình “IN” (bán vé) với chất lượng nghệ thuật cao. Đầu tiên phải kể đến là chương trình “Lễ hội áo dài”. Đây là một trong những lễ hội chính của Festival Huế 2014, có quy mô nhất từ trước đến nay. Ngòa ra, tại Hoàng Thành Huế cũng diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu từ kỹ lưỡng như Đêm Phương Đông, Đêm Hoàng Cung, “Âm sắc Việt”, “Chút thiên thu còn mãi” Trịnh Công Sơn và Nhạc hội điện tử Quốc tế tại Cung An Định.
Có thể nói, sự đa dạng về các chương trình, lễ hội trong Festival Huế 2014 đã khiến du khách và nhân dân Huế phải nhọc lòng lựa chọn vì tính chất lôi cuốn, hấp dẫn đều… như nhau.
Học được gì sau Festival Huế 2014?
Festival Huế 2014 kết thúc trong sự ấn tượng của bạn bè quốc tế cũng như du khách, người dân xứ Huế về nhưng nét văn hóa mang tính cổ kính, đậm chất của “mảnh đất thần kinh”. Những màn biểu diễn hoành tráng, những trò chơi thú vị với sự tham gia của người Huế với tính cách “sâu lắng lạ” trong lễ hội Bia đã mang tới những nét khác biệt riêng Huế.
Lần đầu tiên, trong khuôn khổ Festival Huế có Chương trình “Âm sắc Hương Bình” tôn vinh ca Huế. |
Kép lại Festival Huế 2014, “mảnh đất thần kinh” không chỉ mang văn hóa đến với du khách mà còn là cơ hội để giao lưu học tập với bạn bè quốc tế. Phát biểu trong đêm khai mạc Liên hoan Múa quốc tế lần đầu tiên được Việt Nam đăng cai, Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thế thao & Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Múa quốc tế 2014 cho biết, Liên hoan múa Quốc tế 2014 là nơi hội tụ các 8 đoàn văn hóa nước ngoài và 16 đoàn nghệ thuật trong nước. Đây là dịp để các nghệ sĩ trong nước có dịp giao lưu học tập và cũng là dịp để công chúng có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật múa quốc tế.
Du khách và người dân Huế đến xem triển lãm “Phú Xuân – Huế từ đô thị cổ đến hiện đại” tại Bảo tàng Văn hóa Huế với mong muốn thấy quá trình chuyển mình của đô thị Huế, thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa. |
Do đó, đúng như họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, một nghệ sĩ tham dự triển lãm “Về về lại” tại Festival Huế 2014 đã nhận xét: “Những lễ hội của Festival Huế sẽ khiến người dân Huế hiểu biết nhiều hơn về văn hóa. Đầu tiền là văn hóa của chính mình, sau đó sẽ là sự học tập những tinh hoa của các nền văn hóa khác”.
“Chẳng hạn, phải nghe các nghệ sĩ nước ngoài đánh guitar tại Festival Huế hay đến mức độ nào thì người Huế mới có thể biết được mình giỏi đánh guitar đến mực độ nào để mà học tập thêm”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ dẫn chứng.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, người dân Huế vẫn xem Festival Huế là một “thời cơ” để hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh nhưng những chương trình như Lễ hội Áo dài, Đêm Hoàng Cung, Đêm Phương Đông… vẫn nằm ngoài tầm với của những người dân nghèo vốn có nhu cầu tiếp nhận văn hóa nhiều nhất và thiếu các phương tiện giải trí nhiều nhất. Trong khi đó, nhiều vé mời các chương trình lễ hội đặc sắc lại được phát ra dành cho các cán bộ làm việc tại các cơ quan nhà nước, những người có đủ khả năng tài chính để mua vé (với giá 100 – 300 ngàn đồng/vé).
Bên cạnh đó, những hoạt động hưởng ứng và những lễ hội cộng đồng (không bán vé) thì diễn ra quá nhiều địa điểm khiến người dân Huế khó theo dõi khi không thể “chạy tới chạy lui” để xem. Chẳng hạn, qua quan sát của chúng tôi, khán giả muốn xem các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật tại Bia Quốc học Huế phải gửi xe ở tận phía bãi Cầu Tràng Tiền rồi đi bộ lên. Địa điểm này lại cách khá xa Công viên Tứ Tượng, Công viên Thương Bạc, những địa điểm diễn ra rất nhiều hoạt động nghệ thuật cùng thời điểm.
Bảo tàng Văn hóa Huế “khởi sắc” trong kỳ Festival Huế 2014 Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, Bảo tàng Văn hóa Huế đã tổ chức hàng loạt các chương trình nghệ thuật, trưng bày, triển lãm. Đó là triển lãm Mỹ thuật của họa sĩ 3 miền Bắc – Trung – Nam “Sắc màu lần thứ V”; trưng bày Kimono Nhật Bản; trưng bày Áo dài Việt của nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Lan Hương; trưng bày Gốm nghệ thuật Minh Long; triển lãm “Những cánh bay Việt Nam”; triển lãm “Phú Xuân – Huế từ đô thị cổ đến hiện đại”; triển lãm ảnh “Niềm vui của người lao động trên khắp đất nước Việt Nam”. Bên cạnh đó, ca Huế thính phòng cũng được biểu diễn tại Bảo tàng trong kỳ Festival Huế đầu tiên tôn vinh ca Huế. Ông Trần Đức Anh Sơn, tiến sĩ lịch sử chuyên ngành khảo cổ học, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, hiện là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, kiêm tổng biên tập tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đã ghi trong sổ lưu niệm của Bảo tàng Văn hóa Huế rằng: “Chúc mừng Bảo tàng Văn hóa Huế đã bắt đầu khởi động trưng bày về Huế. Hy vọng sẽ từ lịch sử sẽ tiến đến trưng bày về văn hóa Huế đúng như tên gọi của Bảo tàng. Hy vọng bảo tàng sẽ trưng bày và mở cửa thường xuyên hơn để Huế thực sự có thêm một địa điểm văn hóa dành cho du khách và cư dân địa phương”. Bảo tàng Văn hóa Huế là một bảo tàng mới được thành lập ở Huế, được UBND Tỉnh Thừa Thiên – Huế ký quyết định thành lập vào tháng ngày 9/7/2012 theo Quyết định số 1229/QĐ-UBND. |