Được đầu tư nghìn tỷ đồng, thậm chí đã điều chỉnh Tổng mức đầu tư tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%, song đến nay tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn ngổn ngang, chưa đi vào hoạt động.
Đường sắt nghìn tỷ
Theo thông báo Kết quả kiểm toán số 869/TB-KTNN ngày 28/12/2018 thì Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh, Hà Đông (Dự án) đã tuân thủ quy hoạch, chủ trương, mục tiêu đầu tư.
Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã cơ bản chấp hành theo các quy định về cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước ban hành trong quá trình quản lý và triển khai thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, trong từng khâu triển khai thực hiện đầu tư, Dự án còn những tồn tại, sai sót, cụ thể:
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư: Bộ GTVT đã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án, điều chỉnh Tổng mức đầu tư (TMĐT) từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,58 tỷ đồng (tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%) tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư là thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 10, Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội và luật Đầu tư công.
Dự án đường sắt nghìn tỷ Cát Linh - Hà Đông vẫn lùi tiến độ. |
Cũng trong nội dung này, bộ GTVT được giao làm Chủ đầu tư, triển khai thực hiện Dự án, cục Đường sắt Việt Nam được bộ GTVT giao làm Chủ đầu tư từ khi phê duyệt Dự án đến tháng 7/2014 là chưa đúng quy định tại Điều 55. Điều 57, luật Đường sắt Việt Nam năm 2005.
Đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng lại không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc
Theo kết luận kiểm toán Nhà nước, Chủ đầu tư chưa trình hồ sơ Dự án đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt về phòng cháy chữa cháy là không đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Chủ đầu tư không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 16/2005/NĐ- CP của Chính phủ. Từ đó, bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu, làm cơ sở triển khai các bước thiết kế tiếp theo được quy định tại khoản 3, Điều 1, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính Phủ.
Tiếp đến, công tác lập Dự án chưa tính toán đến việc xử lý nền đất yếu khu vực được Depot dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện. Lưu lượng khách hàng do đơn vị tư vấn lập Dự án giả định tính toán, phân tích hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế xã hội tăng cao hơn nhiều so với số liệu dự báo của viện Chiến lược Giao thông vận tải. Khi phân tích tính kinh tế của Dự án, Chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận Dự án hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác.
Liên quan đến công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, kết quả kiểm toán chỉ ra: Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 là chưa thuyết minh rõ ràng công tác quét nhựa bitum chống thấm của hạng mục cống; không thể hiện bản vẽ chi tiết khối lượng dầm vượt. Thiết kế kỹ thuật chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh ở bước thiết kế bản vẽ thi công như: Điều chỉnh cọc đóng thành cọc khoan nhồi ở hạng mục Nhà điều hành trung tâm; điều chỉnh cọc ở hạng mục xử lý nền đất yếu tuyến ra vào.
“Bộ GTVT cho phép Ban quản lý Dự án Đường sắt giao Tổng thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn từ ngày 28/10/2015 đến ngày 18/8/2016 là chưa phù hợp thẩm quyền”, thông báo kết quả kiểm toán nêu rõ.
Xem xét trách nhiệm chủ đầu tư, tổng thầu
Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, trong đó mạch vữa lát gạch nền ga Cát Linh chưa đồng đều gây mất thẩm mỹ. Chủ đầu tư cũng không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định của Chính phủ.
Quá trình lập dự án chưa nghiên cứu, so sánh phương án kỹ thuật để lựa chọn, dẫn tới phải thay đổi như phương án nhà ga, xử lý nền đất yếu khu depot. Thời gian thực hiện dự án kéo dài gây trượt giá xây dựng, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư khi chưa xem xét yếu tố trượt giá có xu hướng giảm của 3 năm liền kề, bổ sung vào tổng mức đầu tư một số chi phí không đúng quy định (chi phí xây dựng tăng thêm 21,07 triệu USD, chi phí trả nợ gốc phần vay của hiệp định vay 250 triệu USD).
Chủ đầu tư cho phép Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt ký phụ lục hợp đồng số 11 điều chỉnh hình thức hợp đồng từ đơn giá và tỉ lệ phần trăm sang hình thức trọn gói khi một số hạng mục chi phí chỉ tạm tính, không có dự toán chi tiết, thương thảo bổ sung phí xây dựng tăng thêm 21,07 triệu, gây lãng phí vốn ngân sách Nhà nước.
Trước hàng loạt sai sót, tồn tại trên, KTNN đề nghị Ban QLDA đường sắt, bộ GTVT phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký. Cục Đường sắt VN phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trong tạm phê duyệt dự toán gói thầu EPC, thẩm định, phê duyệt dự toán còn nhiều sai sót, trình bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu giữa các nhà thầu Trung Quốc không đúng quy định.
KTNN cũng đề nghị bộ GTVT phải tăng cường kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, tư vấn đối với công tác hoàn thiện của tổng thầu nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật cho công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải xử lý về tài chính 874,5 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 91 tỷ đồng; xử lý khác 1.781,899 tỷ đồng.
ĐBQH Dương Minh Tuấn cho rằng chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ. |
Bài toán giao thông và câu hỏi trách nhiệm
Trao đổi với PV báo ĐS&PL xoay quanh kết luận của Kiểm toán Nhà nước, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay kết luận của Kiểm toán Nhà nước như vậy rất chuẩn, qua thực tiễn xem xét dự án có khả thi và hiệu quả hoạt động đến đâu.
“Có thể nói, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đầu tư rất lâu, nhiều người mong muốn dự án này sẽ giải toả được ách tắc giao thông của TP.Hà Nội. Cho nên, chủ quan trong khảo sát thiết kế, dự toán dự án chưa thật sự chính xác, không được như ý. Trách nhiệm của kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra như vậy thì chủ đầu tư sẽ có ý kiến về hiệu quả như thế nào, ra sao”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu.
Đánh giá về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đại biểu Hoà cho rằng: “Dự án này làm quá chậm trễ, thậm chí tới nay rất ì ạch, chưa biết hiệu quả hoạt động. Nhưng, tôi chưa thấy dự án này đi đến đâu. Nên, sau khi có kết luận như trên, vấn đề này trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị địa phương phải có giải trình rõ ràng. Nếu sai phạm ở đâu thì phải xử lý đến đó để làm gương, răn đe phòng ngừa cho những ai đó muốn, hoặc ý nghĩ chủ quan muốn thực hiện những dự án tốn kém của Nhà nước mà không mang lại hiệu quả”.
Cũng bày tỏ mong muốn của mình để dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhanh chóng đi vào hoạt động, đại biểu Hoà nhấn mạnh: “Dự án này đã hình thành, đã làm rồi. Nên điều quan trọng, cốt lõi là đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc các nhà thầu, làm sao đảm bảo hiệu quả, đưa vào hoạt động cho đúng theo lộ trình, thời gian mà đơn vị thi công đã hứa”.
Trao đổi với PV, ĐBQH Dương Minh Tuấn cho hay, có nhiều cử tri phản ánh với đại biểu Tuấn về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động là quá chậm. “Tôi cho rằng, trong thời gian tới, chủ đầu tư, đơn vị thi công cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa tuyến đường này đi vào hoạt động. Không để dai dẳng, kéo dài thời gian thi công sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt cũng như làm ách tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội”, đại biểu Tuấn bày tỏ.
Hoàng Bích
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 154