Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội, Bộ GTVT nêu lý do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tiếp chậm tiến độ và nói rõ trách nhiệm của Tổng thầu Trung Quốc cũng như các bên liên quan.
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông chậm tiến độ,vẫn chưa thể đưa vào khai thác vì nhiều lý do. Ảnh: VietNamNet |
Bộ GTVT vừa có văn bản số 7323 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri TP.Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV về một số dự án đường sắt đô thị tại địa phương này.
Trong đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008.
Trong đó dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.
Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Báo Tiền Phong đưa tin, Bộ GTVT cho biết, với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án này chậm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết công năng nên phải điều chỉnh, bổ sung; chờ giải ngân vốn vay kéo dài; Tổng thầu EPC (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) thiếu kinh nghiệm làm tổng thầu, kinh nghiệm thiết kế, chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, nhưng chế tài xử lý chưa đầy đủ.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do chậm giải phóng mặt bằng; ngoài ra quy định giữa Việt Nam và Trung Quốc khác nhau; Quy định hợp đồng EPC của Việt Nam chưa đầy đủ...
Báo Công Lý cũng đưa tin, dù Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Ngoài việc chỉ ra trách nhiệm của tổng thầu, Bộ GTVT cũng nhận trách nhiệm về mình; chỉ ra thêm trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, UBND Hà Nội (chậm giải phóng mặt bằng).
"Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC”, Công Lý trích dẫn văn bản của Bộ GTVT.
Bạch Hiền (t/h)