Nhiều người trẻ Hàn Quốc không muốn hẹn hò vì cảm thấy tốn kém hoặc vì có những nguy cơ rắc rối hay thậm chí là nguy hiểm.
Sinh viên Kim Joon-hyup đi hẹn hò vì "bài tập" ở trường. Ảnh: CNN |
Kim Joon-hyup gần đây đã đi hẹn hò đầu tiên sau 3 năm nhưng chàng sinh viên 24 tuổi không tìm bạn gái mà là để hoàn thành bài tập.
Từ việc chọn đúng đối tác cho đến việc đối phó với những cuộc chia tay, khóa học "Giới tính và Văn hóa" tại Đại học Sejong ở Seoul, Hàn Quốc đang dạy cho sinh viên những khía cạnh khác nhau của việc hẹn hò, tình yêu và tình dục. Lớp học này đặc biệt phổ biến với “bài tập hẹn hò” mà trong đó sinh viên được ghép đôi với các bạn cập ngẫu nhiên để ở bên nhau trong 4 giờ đồng hồ.
"Có một số lượng lớn sinh viên đến để thực hiện nhiệm vụ hẹn hò", giảng viên Bae Jeong-weon chia sẻ. "Có những người chưa bao giờ hẹn hò trước đây, và có một số người muốn tạo cơ hội bằng cách hẹn hò như thế này".
Những lớp học như vậy có thể là cần thiết cho xã hội Hàn Quốc hiện nay. Vào năm 2018, phần lớn người Hàn Quốc trong độ tuổi 20-44 là người độc thân, trong đó, chỉ có 26% đàn ông chưa kết hôn và 32% phụ nữ chưa kết hôn ở độ tuổi đó có quan hệ yêu đương, theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA). Trong số những người không hẹn hò, 51% nam giới và 64% phụ nữ cho biết họ tự lựa chọn sống độc thân.
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc từ chối các mối quan hệ lãng mạn do phải đối diện với những khó khăn kinh tế và các vấn đề xã hội.
Căng thẳng về mặt kinh tế
Tỷ lệ thất nghiệp chung của Hàn Quốc vào năm 2018 đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm, đạt tới 3,8%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao hơn nhiều, ở mức 10,8% đối với những người từ 15 đến 29 tuổi. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 của công ty tuyển dụng JobKorea, chỉ một trong 10 sinh viên do tốt nghiệp đã tìm được việc làm toàn thời gian.
Trong khi phải vật lộn để tìm việc làm, nhiều thanh niên Hàn Quốc nói rằng họ thiếu thời gian, tiền bạc hoặc thậm chí là cảm xúc để đi hẹn hò. Dữ liệu của KIHSA cho thấy, khả năng có mối quan hệ tăng lên đối với cả nam giới có việc làm (31%) và nữ giới (34%) so với nam giới thất nghiệp (18%) và phụ nữ (27%).
Do tính chất cạnh tranh cao của thị trường việc làm, nhiều người trẻ dành thời gian rảnh ở các trường luyện thi để kiếm thêm chứng chỉ hoặc kỹ năng chuyên môn có thể giúp họ đạt lợi thế trong các cuộc phỏng vấn. Kim Joon-hyup, sinh viên của Đại học Sejong chỉ là một trong những người như vậy. Ngoài việc học đại học toàn thời gian, mỗi tối trong tuần, cậu sẽ đến trường cách nhà 30 phút để học thiết kế game.
"Tôi không có nhiều thời gian", Kim nói. "Ngay cả khi tôi gặp ai đó, tôi cũng cảm thấy tiếc vì không có thời gian đầu tư vào họ”.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc cảm thấy việc hẹn hò quá tốn kém, nhất là khi phải đối diện với áp lực kinh tế. Ảnh: CNN |
Sinh viên tốt nghiệp gần đây Lee Young-seob, 26 tuổi, lo ngại rằng việc hẹn hò sẽ dẫn đến sự xao lãng khỏi quá trình tìm việc: "Sự nghiệp là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nếu tôi hẹn hò với ai đó trong khi tôi tìm việc, tôi sẽ lo lắng và không thể cam kết với mối quan hệ này".
Hẹn hò cũng có thể sẽ rất tốn kém. Công ty mai mối Duo ước tính chi phí trung bình mỗi ngày là 63,495 won (khoảng 55 USD). Những người làm công việc lương tối thiểu kiếm được 8.350 won (7,22 USD) một giờ sẽ phải làm việc 7,6 giờ để trả tiền cho một ngày hẹn hò.
Trong một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Embrain, 81% số người được hỏi cho biết chi phí hẹn hò là một nguồn gây căng thẳng trong các mối quan hệ. Một nửa số người được hỏi nói rằng ngay cả khi họ gặp một người họ thích, họ sẽ không bắt đầu hẹn hò nếu tình hình kinh tế không tốt.
"Bởi vì thật khó để có một công việc, không có tiền để dự phòng", cậu Kim - người đang làm việc bán thời gian vào cuối tuần tại một chuồng ngựa cho biết. "Khi bạn có một người bạn thích, bạn muốn đầu tư mọi thứ vào người đó, nhưng hiện tại, thật khó để có thể gặp bất cứ ai”.
Giảng viên Bae thì nói rằng bà hy vọng sẽ thay đổi thực trạng thông qua các bài tập hẹn hò, trong đó sinh viên bị hạn chế chi tiêu dưới 10.000 won (9 USD) mỗi ngày. "Nhiều sinh viên nghĩ rằng phải mất tiền để hẹn hò nhưng khi họ thực sự thực hiện nhiệm vụ này, họ nhận ra rằng nếu có suy nghĩ sáng tạo thì vẫn còn nhiều cách để có thời gian vui vẻ mà không tốn quá nhiều tiền”, bà Bae nhận định.
Nỗi sợ không được đảm bảo an toàn
Sinh viên và những người độc thân khác ở Hàn Quốc lo ngại bạo lực, đe doạ, quay lén khi hẹn hò. Ảnh: CNN |
Tiền không phải là vấn đề duy nhất đối với sinh viên trong khóa học của giảng viên Bae. Họ thường trích dẫn những câu chuyện thời sự về tội phạm tình dục, sự tò mò và phân biệt giới tính - tất cả đều trở thành những vấn đề xã hội ở Hàn Quốc.
Có 32.000 trường hợp bạo lực tình dục được báo cáo cho cảnh sát vào năm 2017, so với 16.000 trường hợp trong năm 2008, theo dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia. Trong số này, bạo lực với đối tác đã tăng vọt. Giữa năm 2016 và 2018, số trường hợp một người bị tấn công bởi bạn trai/bạn gái đã tăng từ 9.000 đến gần 19.000.
Sinh viên đại học Lee Ji-su, 21 tuổi cho biết cô không hẹn hò khi biết rằng một người bạn của mình bị bạn trai hành hung sau khi chia tay anh ta. Lee cho biết người bạn đã rất sợ hãi vì người đàn ông liên tục xuất hiện tại nhà cô ngay cả sau khi mối quan hệ của họ kết thúc.
"Sau khi thấy bạn tôi trải qua bạo lực như vậy, tôi nhận ra rằng tôi phải cẩn thận hơn trong việc lựa chọn bạn đời, nhưng không dễ để tìm được người đàn ông đáng tin cậy", Lee nói. "Nó khiến tôi tự hỏi liệu hẹn hò có quan trọng trong cuộc sống của tôi không nếu tôi phải dành quá nhiều thời gian để tìm kiếm những người đàn ông mà tôi có thể tin tưởng".
Ngay cả đối với những phụ nữ có bạn trai không bạo lực, vẫn còn một vấn đề tiềm ẩn khác: quay lén bất hợp pháp. Hơn 6.400 trường hợp đã được báo cảnh sát trong năm 2017. Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, 65% các trường hợp được báo cáo cho Trung tâm Hỗ trợ Tội phạm Tình dục vào năm 2018 có liên quan đến việc quay phim bất hợp pháp.
Trong những tháng gần đây, một vụ bê bối lớn liên quan đến một số ngôi sao Kpop nổi tiếng đã cho thấy hành vi này lan rộng như thế nào. Ca sĩ Jung Joon-young đã bị bắt vào tháng 3 vì những cáo buộc quay phim phụ nữ khi quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý của họ và chia sẻ video trực tuyến.
Hiểu về sự khác biệt
Hàn Quốc từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa “đàn ông trên hết”. Những tác động của nó trở nên nghiêm trọng hơn bởi sự thiếu giáo dục giới tính cho nam giới - ngoài việc xem phim khiêu dâm. "Sinh viên học về tình dục thông qua phim khiêu dâm hơn là thông qua giáo dục giới tính", bà Bae nói. "Những gì họ (thường) học được là tình dục, bạo lực và phụ nữ chỉ là đối tượng tình dục. Vì vậy, thường thì kiến thức về quan hệ giới tính của họ bị bóp méo”.
Các trường học ở Hàn Quốc được yêu cầu cung cấp ít nhất 15 giờ giáo dục giới tính mỗi năm bắt đầu từ khi học sinh 6 tuổi, một quan chức của Bộ Giáo dục nói với CNN. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy điều này là không đủ. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, 67% số người được hỏi cho biết giáo dục giới tính mà họ nhận được ở trường là không hữu ích.
"Nhiều người bạn của tôi đã học về tình dục thông qua phim khiêu dâm. Họ xem phim và nghĩ rằng 'Đó là cách tôi phải làm điều đó' hoặc 'Nếu tôi làm điều đó, cô ấy sẽ cảm thấy tốt'", sinh viên Kim Joon-hyup nói. "Vì vậy, khi họ có trải nghiệm tình dục đầu tiên, quan điểm đó có thể dẫn đến việc phạm sai lầm".
Nhằm giúp sửa chữa những quan niệm không đúng, lớp học của Bae cung cấp những thông tin cần thiết về quan hệ tình dục.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)