Hàng loạt các casino (sòng bạc) lớn nhỏ đang mọc lên, biến một số nước ở Đông Nam Á thành khu vực phục vụ mục đích rửa tiền cho các băng đảng ma tuý.
Hàng loạt sòng bạc ở Lào và Campuchia bị nghi ngờ là nơi rửa tiền cho tội phạm ma tuý. Ảnh: Getty |
Các nhà điều tra chống ma túy đang tìm kiếm dấu hiệu của hoạt động rửa tiền ở các sòng bạc khắp thành phố ven biển Sihanoukville, Campuchia - nơi đã trở thành cục nam châm thu hút những con bạc giàu có từ Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường methamphetamine (ma túy đá) bùng nổ tại một số nước ở Đông Nam Á.
Văn phòng Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) ước tính thị trường ma tuý đá của khu vực Đông Nam Á - trung tâm của ma túy tổng hợp trên thế giới – đạt khoảng 61,4 tỷ USD, cao hơn gấp đôi nền kinh tế Campuchia (24 tỷ USD).
"Các sòng bạc ở Sihanoukville hiện là điểm nóng cần xem xét, vì nó có tất cả các sàn giao dịch tiền tệ, và dịch vụ chuyển tiền ngay bên cạnh bàn đánh bạc", một nhà điều tra quốc tế nói với Nikkei Asian Review. "Tất cả con bạc đều là người Trung Quốc và họ chơi với những chồng tiền dày, toàn những tờ 100 USD".
Chỉ trong vài năm qua, thị trấn nghỉ mát vắng vẻ Sihanoukville của Campuchia đã thay đổi nhanh chóng thông qua các dự án phát triển do Trung Quốc đầu tư. Nhưng căn hộ, khách sạn và sòng bạc mới đã mang lại cho thị trấn diện mạo mới.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Lực lượng Tình báo Tài chính Quốc tế (FATF), một tổ chức liên chính phủ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đã đưa Campuchia vào "Danh sách Xám", khẳng định mối lo ngại về “thế giới không bị kiểm soát” trong các tụ điểm đánh bạc ở nước này. Động thái được thực hiện trong bối cảnh Campuchia chứng kiến sự gia tăng của hoạt động cờ bạc. UNODC ước tính rằng gần 150 trong số 234 sòng bạc trên khắp Đông Nam Á có trụ sở tại Campuchia.
Mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia thúc đẩy thương mại ma tuý đá đang lợi dụng biên giới lỏng lẻo của Campuchia và việc nền kinh tế bị "USD hóa" để tiến hành các hoạt động phạm pháp. Ở nước này, đồng USD được sử dụng trong mọi giao dịch, thậm chí được ưu tiên hơn so với đồng nội tệ riel.
"Những chiếc vali chứa đầy tiền mặt thường xuyên được mang qua biên giới Thái Lan-Campuchia..., nơi chúng dễ dàng được đổi sang USD", một nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với Nikkei. "Các sòng bạc không được kiểm soát là địa điểm lý tưởng để rửa loại tiền mặt này".
UNODC đã đưa ra vấn đề rất nhiều lần - mặc dù không chỉ đích danh tên một quốc gia nào: "Buôn bán ma tuý đá là hoạt động kinh doanh sinh lợi nhất cho các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực. Số tiền bất hợp pháp được rửa qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là mạng lưới sòng bạc đang phát triển".
Việc tập trung vào các sòng bạc ở Sihanoukville ngoài biên giới đất liền của Campuchia cho thấy sự chuyển hướng trọng tâm của các cơ quan điều tra. Trước đây, mục tiêu theo dõi điều tra của lực lượng chống ma túy quốc tế tập trung vào các casino, khách sạn, nhà hàng dọc biên giới trên khắp Đông Nam Á. Cụ thể, vùng Tam giác Vàng, gồm miền Đông Myanmar, miền Bắc Thái Lan và miền Tây Lào luôn ở trong “tầm ngắm”.
Thái Lan thu giữ gần 500 kg ma tuý đá bị nghi có nguồn gốc từ Myanmar. Ảnh: AP |
Sòng bạc Kings Romans ngổn ngang ở Lào, gần biên giới Thái Lan, đã bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì tội buôn bán ma túy và rửa tiền. Ông Zhao Wei, chủ tịch của Kings Romans Group, đã bác bỏ các cáo buộc là "không có căn cứ".
Trong khi đó, Cục Điều tra Đặc biệt của Thái Lan đã nhắm mục tiêu vào các tài sản thuộc sở hữu của Tập đoàn MBI (Malaysia) vì nghi ngờ rửa tiền cho mạng lưới buôn bán ma túy. Các nhà điều tra đã đột kích một khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn và thu giữ hơn 83 triệu baht (2,7 triệu USD) bằng ngoại tệ.
Sự phát triển của “mặt trận rửa tiền” là một bước tiến từ sự thành công của mạng lưới ma túy xuyên quốc gia tăng cường sản xuất ma tuý đá. Hoạt động cung cấp và buôn bán của các tổ chức tội phạm xuyên biên giới minh họa cho sức mạnh của việc kinh doanh ma túy, theo ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực của UNODC. "Thập kỷ qua đã chứng kiến sự gia tăng của ma tuý đá".
Sự gia tăng đột biến nguồn cung ma túy trên thị trường toàn cầu bất chấp việc lực lượng chống ma túy của các nước đang tăng cường triệt phá, được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu tại các thị trường nội địa, đồng thời cung cấp cho những thị trường quốc tế xoa hoa hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Thái Lan đã thu giữ hơn 515 triệu viên ma tuý đá trong năm 2018, với số tiền cực kỳ lớn.
Chuỗi cung ứng ma tuý đá thậm chí còn khiến Trung Quốc buộc phải khởi động và duy trì cuộc đàn áp đối với các phòng thí nghiệm ở các tỉnh phía Nam đất nước. Chiến dịch chống ma tuý đá ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm vào năm 2015, khi 526 phòng thí nghiệm chế tạo thuốc bị tháo dỡ, UNODC cho biết. "Chính phủ (Trung Quốc) báo cáo rằng số lượng phòng thí nghiệm đã giảm gần 60% trong giai đoạn 2015-2017".
Tuy nhiên, chiến dịch của Bắc Kinh đã khiến các trùm ma túy Trung Quốc chuyển những phòng thí nghiệm của họ qua biên giới tới bang Shan của Myanmar. Cơ sở mới thu hút các nhà hóa học Trung Quốc và Đài Loan được đào tạo có kỹ năng sản xuất thuốc. Trong sự trỗi dậy, nó cũng có nguồn cung cấp ổn định những hóa chất cần thiết từ Trung Quốc như ephedrine và pseudoephedrine.
Theo ông Phill Hynes, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro tại tổ chức tư vấn an ninh Intelligent Security Solutions trụ sở Hồng Kông, cuộc đàn áp của Trung Quốc đã buộc các mạng lưới ma túy hoạt động ở tỉnh Quảng Châu phải hoạt động ngầm, nhưng nó cũng "làm cho chúng trở nên tinh vi hơn".
Do đó, vùng Shan của Myanmar, một khu vực biên giới bất hợp pháp đã bị xâu xé bởi hàng thập kỷ xung đột sắc tộc và nơi các trùm ma túy, dân quân và quân đội nước này cạnh tranh bất ngờ nổi lên như một trung tâm toàn cầu để sản xuất ma túy đá.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Nikkei)