Sau nhiều thập kỷ, cuộc chiến gia tộc họ Ho sở hữu sòng bạc giàu nức tiếng ở Macau vẫn chưa có hồi kết khi mới đây, các con của Stanley Ho với người vợ thứ 2 đã lập liên minh để nắm quyền kiểm soát đế chế sòng bạc.
Tại Macau, kinh đô bài bạc lớn lớn nhất thế giới, không có nhiều đế chế kinh doanh gia đình quyền lực như gia tộc của Stanley Ho.
"Thủ phủ" casino Macau của Trung Quốc nay đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh lớn từ Las Vegas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Ông trùm sòng bạc 97 tuổi Stanley Ho có tổng cộng 17 con với 4 người vợ. Ông xây dựng sòng bạc đầu tiên tại Macau vào năm 1962 và trở thành tỷ phú nhờ 40 năm độc quyền ngành công nghiệp này. Vào những năm 1960, doanh nhân Hồng Kông Stanley Ho nổi tiếng là nhân vật quyền lực. Ông cùng với một nhóm doanh nhân đã giành được giấy phép đầu tiên để mở sòng bạc tại Macau - cách Hồng Kông chỉ một chuyến phà.
Trong số những đối tác của ông là Henry Fok. Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa và người dân ngày một giàu hơn, những người với túi tiền đầy bắt đầu đổ sang Macau để đánh bạc.
Đế chế của Stanley Ho đã thống trị gần như hoàn toàn kinh tế Macau trong nhiều thập kỷ và gia đình ông có tầm ảnh hưởng lớn tại đây. Ông trở thành một trong những người giàu nhất tại Hồng Kông.
Những casino xa hoa ở "Las Vegas Macau". Ảnh: Bloomberg |
Ông Stanley Ho đã về hưu và nhường lại ghế lãnh đạo đế chế casino SJM Holdings cho con gái Daisy Ho từ hơn 10 tháng trước. Tuy nhiên, cuộc chiến gia tộc kéo dài cả thập kỷ để tranh giành đế chế sòng bạc tỷ USD của vị tỷ phú 97 tuổi vẫn chưa đi đến hồi kết.
Mới đây, một liên minh mới trong cuộc đấu này vừa xuất hiện và Pansy, chị cả hiện tại trong gia đình "vua sòng bạc" Macau có vẻ như sắp trở thành người chiến thắng sau cùng.
Bà Pansy Ho thông báo đã liên kết với một số anh chị em cùng quỹ Henry Fok và sẽ nắm giữ 53% cổ phần của STDM, công ty mẹ của SJM Holdings, doanh nghiệp vận hành các casino của gia đình tỷ phú Stanley Ho.
Ông Stanley khi còn khoẻ mạnh. Ảnh: Bloomberg |
Angela - vợ thứ tư của ông trùm sòng bài này từng là giáo viên khiêu vũ, là đồng chủ tịch của SJM và cũng là tỷ phú với nhiều bất động sản, theo Bloomberg Billionaires Index. Bà cũng giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền Macau. Đến nay, gia đình này chưa có công bố nào liên quan tới vai trò của bà Angela tại công ty trong vài năm tới.
"Các bên liên quan khác, đặc biệt là Angela Leong, cũng có rất nhiều quyền lợi và có ảnh hưởng tại Macau", Vitaly Umansky, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co., nhận định. "Quan ngại lớn nhất của tôi là liệu tình huống này có dẫn tới cuộc chiến nội bộ và khiến mọi thứ bị trì hoãn và hoạt động kinh doanh của công ty không được hiệu quả đúng kỳ vọng?".
Angela Leong - vợ tư của Stanley Ho. Ảnh: Straits Times |
Daisy Ho, con gái thứ của Stanley Ho và vợ hai đã cố gắng dập tắt những đồn đoán như vậy bằng việc tuyên bố hội đồng quản trị sẽ cùng hợp tác với nhau. "Dù liên minh này là cổ đông kiểm soát SJM, không ai có toàn quyền đưa ra quyết định", Daisy - hiện cũng là đồng chủ tịch tại SJM nói.
Việc tập trung quyền lực ở một nhánh của gia đình và được hỗ trợ bởi một đế chế lớn khác của Trung Quốc, có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của SJM khi công ty này gia hạn giấy phép để tiếp tục hoạt động tại Macau - nơi có ngành công nghiệp cờ bạc với doanh thu 38 tỷ USD một năm. Theo các nhà phân tích, liên minh mới có thể sẽ giúp ích cho triển vọng kinh doanh của SJM và có thể sẽ giúp công ty này gia hạn được giấy phép hoạt động.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra hoài nghi về việc cuộc chiến tranh giành gia sản của các con của ông trùm Stanley Ho chưa có dấu hiệu chấm dứt và khó có thể đưa đế chế của gia tộc trở lại thời kỳ hoàng kim.
Vũ Đậu (T/h)