Theo Reuters, nhà máy điện lực Tokyo (Tepco) ngày 24/8 cho biết việc xả thải đã được bắt đầu vào 1h03 chiều (giờ địa phương, 11h03 giờ Việt Nam). Động thái được chính phủ Nhật Bản phê duyệt hai năm trước và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc bật đèn xanh vào tháng 7.
Việc xả thải là một bước quan trọng sau khi nhà máy Fukushima Daiichi bị trận sóng thần phá hủy vào năm 2011. Nhà điều hành nhà máy Điện lực Tokyo cho biết thêm, hiện chưa xác định được bất kỳ điều bất thường nào với máy bơm nước biển hoặc các cơ sở xung quanh.
Bộ Môi trường Nhật Bản thông báo quốc gia này sẽ theo dõi xung quanh khu vực xả thải và công bố kết quả hàng tuần, bắt đầu từ ngày 27/8.
Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại sau thảm họa kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản vào tháng 3/2011, khiến ba lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy.
Từ đó đến nay, Tepco đã phải xử lý hơn 1,3 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ dùng để làm mát lò phản ứng. Trước tình hình các bể chứa nước thải hạt nhân tại nhà máy Fukushima dự kiến đạt sức chứa tối đa vào đầu năm 2024, năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch xả dần nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển.
Tháng trước, IAEA đã chấp thuận kế hoạch này của Nhật Bản, cho biết nước thải phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy Fukushima đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng như ảnh hưởng của việc xả thải ra biển đối với con người và môi trường là “không đáng kể”.
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ xả dần nước thải hạt nhân ra biển theo từng đợt và kiểm tra thường xuyên. Trong vòng 17 ngày tới, đợt xả thải đầu tiên sẽ xả 7.800m3 nước thải hạt nhân - tương đương lượng nước trong ba bể bơi Olympic, ra biển.
Công ty Tepco dự kiến quá trình xả tổng cộng hơn 1,3 triệu tấn nước thải ra biển sẽ kéo dài khoảng 30 năm.
Việc xả nước thải của Nhật Bản cũng đã khiến các quốc gia khác trong khu vực lo lắng. Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown nói rằng mặc dù khoa học ủng hộ quyết định của Nhật Bản nhưng khu vực có thể không đồng ý về vấn đề "phức tạp" này.
Các nhóm đánh cá Nhật Bản, vốn bị tổn hại nhiều năm do lo ngại về phóng xạ, từ lâu đã phản đối kế hoạch này. Họ lo ngại điều đó sẽ dẫn đến sụt giảm doanh số bán hàng, bao gồm cả việc bị hạn chế xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã thực hiện xét nghiệm độc lập và kết luận nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và Seoul tôn trọng kết quả đánh giá của IAEA.
Tuy vậy, một số nhóm hoạt động đã tổ chức biểu tình tại Hàn Quốc, phản đối việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển. Ngày 24/8, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt ít nhất 16 người biểu tình xâm nhập tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul để phản đối kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, sản phẩm nghề cá từ Fukushima sẽ tiếp tục được duy trì cho tới khi cộng đồng bớt quan ngại về vấn đề này.
Về phía Trung Quốc cũng nhắc lại sự phản đối kịch liệt của mình đối với kế hoạch này và cho biết chính quyền Nhật Bản chưa chứng minh được rằng nước xả ra sẽ an toàn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: "Phía Nhật Bản không nên gây tổn hại thứ cấp cho người dân địa phương và thậm chí cả người dân trên thế giới vì lợi ích ích kỷ của chính mình”. Ngược lại, Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc vì "những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học".
Ngay sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân ra biển, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm hải sản từ Nhật Bản. Trong một thông báo, một quan chức Hải quan Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vô cùng quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ từ sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Như Quỳnh (T/h)