+Aa-
    Zalo

    Nhập điện TQ giá cao: Tại sao chúng ta cứ chịu thua thiệt mãi?!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Các nhà máy phát điện nhỏ trong nước đang bị thua thiệt khi bị ép bán điện cho Tập đoạn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ bằng 1/2 so với giá EVN "nhập" từ Trung Quốc.

    (ĐSPL) - Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai bức xúc, các nhà máy phát điện nhỏ trong nước đang bị thua thiệt khi bị ép bán điện cho Tập đoạn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ bằng 1/2 so với giá EVN "nhập" từ Trung Quốc.

    Nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay đang "sống dở, chết dở" vì xây nhà máy, vứt cũng chẳng được, bán điện thì thua thiệt đủ bề... Trước lời than vãn của các doanh nghiệp phát điện nhỏ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là hậu quả đã được cảnh báo trước của sự độc quyền trong ngành điện.

    Kiến nghị đến cùng...

    Từ rất lâu, EVN không chỉ khiến người dân bức xúc về việc tăng giá, cắt điện vô tội vạ mà còn gây ra bao nỗi bức xúc cho các DN phát điện nhỏ nội địa. Đã không ít lần, các nhà máy nhiệt điện trong nước thể hiện sự phẫn nộ trong cách mua bán điện của "ông Tổng" ngành điện. Tuy nhiên, ỷ thế độc quyền, EVN bỏ ngoài tai tất cả các ý kiến của các DN.

    Ngày 24/11, trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, cách mua bán điện của EVN đang thể hiện sự bất công và không hợp lý. "Cho đến thời điểm hiện tại, EVN vẫn mua điện của Trung Quốc với giá cao từ 1.500-1.600 đồng/kW, trong khi đó, họ ra sức ép giá các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước với cái giá 800-900 đồng/kW. Các nhà máy thủy điện trong nước đang sống dở, chết dở vì lợi nhuận thấp", ông Cừ dẫn chứng.

    Cũng theo vị này, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 30 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, với quy mô dưới 30MW mỗi nhà máy, đã và đang đi vào hoạt động. Hầu hết, các nhà máy là của tư nhân. Tuy nhiên, rất nhiều nhà máy thủy điện công suất 5MW, 7MW, thậm chí chỉ có 2MW không đủ điều kiện tham gia thị trường điện cạnh tranh nên buộc phải bán cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc thuộc EVN. Đây chính là nguyên nhân khiến họ bị "ông Tổng" ngành điện ép giá.

    Nói như vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai: "Với việc chịu lãi suất ngân hàng cao (19\%/năm) lại bị mua điện giá thấp, phải chịu phí dịch vụ môi trường rừng và thuế tài nguyên nước vào giá bán điện, đồng nghĩa với việc các DN phát điện nhỏ đang bị "ép". Chúng tôi đã có rất nhiều công văn gửi lên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để điều chỉnh mức giá mua bán điện nhưng chưa nhận được câu trả lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đến khi nào có câu trả lời mới dừng lại".

    (bgiay)EVN Nhập khẩu điện Trung Quốc giá cao: Tại sao chúng ta cứ

    EVN mua điện Trung Quốc giá cao nhưng lại "ép giá" điện các doanh nghiệp nhỏ trong nước.

    Trước đây, tập đoàn Hưng Hải, một chủ đầu tư thủy điện nhỏ từng kêu than về chính sách mua điện của EVN. Theo lãnh đạo của tập đoàn này, những năm 2006-2008, nhiều nhà máy thủy điện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN có giá bán chỉ được 600-700 đồng/kWh, cố định thời hạn hợp đồng hàng chục năm. Kể từ tháng 7/2008, Bộ Công Thương có quyết định ban hành biểu giá chi phí tránh được cho thủy điện nhỏ nên giá bán của các nhà máy này được tăng lên trung bình là 916 đồng/kWh, vào giờ cao điểm mùa khô, giá bán được tăng lên 954,52 đồng/kWh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có một nhà máy thủy điện nhỏ nào bán cho EVN được mức giá bình quân này.

    Theo tập đoàn Hưng Hải, vào mùa thấp điểm (mùa mưa), giá bán cho EVN chỉ được khoảng 500 - 550 đồng/kWh, trong khi 65-70\% sản lượng của thủy điện nhỏ tập trung ở quãng thời gian này. Với một cơ cấu như vậy, giá bình quân thủy điện bán cho EVN luôn rẻ như bèo.

    Vì sao phải chịu thua thiệt khi mua bán điện với Trung Quốc?

    Trao đổi với PV, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, nhiều năm qua, chúng ta đã phải mua một lượng điện thương phẩm lớn từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước. Có thời điểm, Việt Nam phải mua về gần 4,7 tỉ kWh, chiếm hơn 4\% tổng sản lượng điện thành phẩm của Việt Nam. Rõ ràng, trong điều kiện của những năm trước, khi nguồn cung điện trong nước còn hạn chế thì việc mua điện Trung Quốc là giải pháp cần thiết để giải bài toán cân đối cung cầu điện.

    Nhưng thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa. Chính vì vậy, việc EVN mua với giá chỉ bằng 1/2 giá mua điện của Trung Quốc kèm theo các điều kiện rất khắt khe khiến DN trong nước gặp khó. Trong khi đó EVN lại rất hào phóng khi mua một lượng lớn điện thương phẩm từ Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, làm méo mó thị trường điện, vốn là thị trường độc quyền lâu nay ở Việt Nam.

    GS. Đào nhấn mạnh: "Tôi được biết, dù hợp đồng mua bán điện của EVN với Trung Quốc có cam kết về số lượng, bao tiêu với số lượng cụ thể nếu không mua sẽ bị phạt. Thậm chí, ngay khi thừa điện ở Việt Nam thì vẫn phải nhập từ Trung Quốc với giá điện ngày càng tăng. Tại sao, chúng ta cứ phải chịu mãi sự thua thiệt. Điều này gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy nhiệt điện trong nước".

    Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng khẳng định, việc mua điện từ Trung Quốc trong nhiều năm nay cũng giúp Việt Nam có thêm nguồn cung năng lượng trong những thời điểm nguồn cung cấp trong nước còn hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng điện áp mua từ Trung Quốc không ổn định, hay xảy ra các sự cố, trong khi giá điện lại cao. Bên cạnh đó, hiện nay đã có những năm như 2012, chúng ta đã dư thừa sản lượng và công suất nhưng vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá 6,08 UScent/kWh tương đương 1.300 đồng/kWh. Trong khi đó, một số lớn nhà máy nhiệt điện trong nước chỉ phát 70-80\% công suất và các nhà máy thủy điện công suất dưới 30MW giá rẻ nhưng không được mua. Việc chúng ta tiếp tục mua điện từ Trung Quốc như hiện nay gây khó khăn, trở ngại cho phát huy năng lực nội địa đối với các nhà đầu tư điện trong nước.

    Ngày 25/11, trao đổi với PV, một cán bộ của EVN (đề nghị không cung cấp tên-PV) thừa nhận, đúng là năm 2012 tổng sản lượng điện mà Việt Nam mua từ Trung Quốc đã đạt mức 4,995 tỉ kWh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia năm 2013, EVN chỉ còn mua 3,21 tỉ kWh, chiếm 2,45\% tổng sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam. Cũng theo báo cáo của trung tâm này, từ đầu năm 2014 tới nay, lượng điện mua của Trung Quốc dao động bình quân trong mức từ 1-2\% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước.

    Trả lời về việc các nhà máy nhiệt điện nhỏ cho rằng EVN "hào phóng" mua điện của Trung Quốc với giá cao, vị này cho biết, hợp đồng mua bán điện đã được ký vào tháng 10/2005 với giá điện Việt Nam mua là 4,5 UScent/kWh. Tuy nhiên, do tỷ giá giữa Việt Nam đồng và Nhân dân tệ thay đổi nên giá điện mua từ Trung Quốc đã được điều chỉnh lên mức 5,1 UScent/kWh vào ngày 1/1/2009 và lên mức 6,08 UScent/kWh trong năm 2012.

    Lý do không chính đáng?

    Trả lời câu hỏi về việc tại sao EVN mua điện của các nhà máy thủy điện nhỏ với giá thấp, một cán bộ của EVN giải thích, vào thời điểm này, giá điện EVN mua của thủy điện rẻ nhất so với nhà máy điện chạy bằng khí và than. Bên cạnh đó, nguồn cung của thủy điện vừa và nhỏ lại không ổn định do phụ thuộc vào nguồn nước, trong khi đó đa số thủy điện nhỏ và vừa của nước ta không có hồ chứa nước. Họ không có khả năng cung cấp điện ổn định nên EVN làm hợp đồng với các thủy điện vừa và nhỏ sẽ có giá thấp hơn với các nhà máy nhiệt điện trong nước và điện của nước ngoài.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhap-dien-tq-gia-cao-tai-sao-chung-ta-cu-chiu-thua-thiet-mai-a71710.html
    EVN phải giảm biên chế

    EVN phải giảm biên chế

    Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành công thương đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    EVN phải giảm biên chế

    EVN phải giảm biên chế

    Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành công thương đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính