Theo tạp chí Nhịp sống Thị trường, năm 2024 vàng có mức tăng giá mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ, với hơn 40 kỷ lục mới được xác lập chỉ trong một thời gian ngắn.
Trong năm qua, giá vàng đã theo kịp chỉ số S&P 500 với nhiều kỷ lục cao mới được ghi nhận. Mức tăng 28% của giá vàng tính đến thời điểm hiện tại là cao hơn một chút so với mức tăng của chứng khoán Phố Wall và đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các cổ phiếu niêm yết tại London như Hochschild Mining.
Giá vàng đã tăng từ 1.570 USD/ounce vào tháng 10/2022 lên mức cao nhất là 2.790 USD vào cuối tháng 10/2024. Lý do tăng vẫn như thông lệ, là nhu cầu phòng ngừa lạm phát và bất ổn địa chính trị.
Tuy nhiên sau đó, giá vàng đã giảm xuống còn 2.650 USD sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng thỏi.
Ông Jim Wyckoff - nhà phân tích cấp cao của Kitco nhận định, thị trường vàng đang rơi vào tình trạng dao động khó lường.
Đối với những nhà giao dịch tích cực, “độ nhiễu” từ thị trường đang là mối lo ngại lớn, gây ra những đợt giảm và tăng nhanh chóng trong ngày. Tuy nhiên, xu hướng này có thể thay đổi vào năm 2025, nhất là khi những yếu tố địa chính trị toàn cầu quan trọng được đẩy lên.
Hầu hết các tổ chức và chuyên gia quốc tế đều dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng sẽ đi ngang vào nửa đầu năm 2025 khi thị trường chờ đợi kết quả các cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương. Đến nửa cuối năm, khi xu hướng chính sách tiền tệ trở nên rõ ràng, giá vàng sẽ tăng trở lại. WGC nêu bật việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào và vai trò quan trọng của thị trường châu Á và sự ổn định địa chính trị trong việc định hình hiệu suất của vàng.
Trong khi đó, UBS Global Wealth Management cũng tin rằng vàng có khả năng lập kỷ lục cao mới vào năm 2025 với niềm tin giá sẽ đạt 2.900 USD vào cuối năm 2025. Ngân hàng này cũng lưu ý các cơ hội dài hạn hơn đối với đồng và các kim loại chuyển tiếp khác khi nhu cầu tăng cùng với việc đầu tư vào sản xuất điện, lưu trữ và vận tải điện tăng.
UBS cho biết: “Với cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn và tình hình ở Trung Đông cũng không kém phần phức tạp, chúng tôi cho rằng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các biện pháp phòng ngừa rủi ro sẽ tiếp tục tăng, thúc đẩy dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch vàng”.
UBS cũng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tích lũy vàng trong quá trình đa dạng hóa dự trữ.
Dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất hàng tháng trong năm nay.
Hiện tại, UBS dự kiến các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ mua 982 tấn vàng trong năm nay, tăng so với dự đoán trước đây là 900 tấn.
State Street Global Advisors mới đây đưa ra dự báo 50% khả năng giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.600 đến 2.900 USD, 30% khả năng giá sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.900 đến 3.100 USD/ounce và chỉ có 20% khả năng giá vàng sẽ giảm liên tục xuống dưới 2.600 USD/ounce trong năm tới. Trưởng nhóm chiến lược vàng George Milling-Stanley của State Street nói rằng, ông hoàn toàn không quan tâm đến chính sách của Fed và cũng không mong đợi sẽ chứng kiến một đợt giảm giá kéo dài nào của giá vàng.
Thị trường hiện dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản (1%) năm 2025. Mức giảm ở châu Âu cũng tương tự. Lãi suất thấp sẽ có lợi cho giá vàng. Đồng USD cũng được kỳ vọng đi ngang hoặc giảm nhẹ khi lãi suất hạ xuống. Việc này sẽ kéo kim loại quý lên cao.
Ngược lại, nếu các ngân hàng trung ương dừng điều chỉnh lãi suất trong thời gian dài hoặc tăng trở lại, sức ép lên kim loại quý sẽ lớn. Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự báo tung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách này được dự báo gây ra lạm phát và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc chuyện giảm lãi.
"Tất cả đang chờ nhiệm kỳ 2 của ông Trump, để xem kinh tế toàn cầu sẽ ra sao", báo cáo của WGC viết.