+Aa-
    Zalo

    Nhân chứng kể lại giây phút hãi hùng khi con tàu lật úp trên biển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nạn nhân may mắn sống sót vụ lật tàu trên biển Gành Hào khi tham gia lễ hội Nghinh Ông (Bạc Liêu) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ tai nạn này.

    Nạn nhân may mắn sống sót trong vụ lật tàu trên biển Gành Hào khi tham gia lễ hội Nghinh Ông (Bạc Liêu) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ tai nạn này.

    Liên quan đến vụ lật tàu ở Gành Hào, báo Tiền Phong dẫn lời của ông Trần Minh Phúc (40 tuổi, ở ấp 2, thị trấn Gành Hào, người may mắn thoát nạn) cho biết: “Lượng người xuống tàu BL-93322 rất đông. Vì có cảm giác không an toàn nên vài chục người kêu đò dọc sang các tàu khác. Khi tàu BL-93322 rời bến, ra cửa biển Gành Hào, tàu lắc lư do sóng lớn, tôi cảm giác khó chịu nên vào ca- bin, đứng sau lưng tài công Doãn Thanh Nam. Chạy được khoảng 300 m thì tàu lật úp”. Khi tàu bị lật, mạnh ai nấy bơi để thoát chết. “Tôi vịn be tàu, tay vẫy, cầu cứu. Chiếc đò dọc chạy đến vớt tôi với khoảng 5-6 người, chạy vô bờ. Tôi ngồi đó, khoảng nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa hết hoảng hồn, nhờ người chở về nhà mà không biết ai sống, ai chết”- ông Phúc kể.

    Đến cuối ngày, tại Bệnh viện đa khoa Đông Hải vẫn còn nhiều người thân trông ngóng sức khỏe của những người bị nạn. Bà Âu Ngọc Diễm, mẹ của nạn nhân Lâm Thảo Ngân nói: “Con gái tôi may mắn thoát chết, chưa ăn uống gì được vì uống nước mặn nhiều. Trên giường bệnh, con gái cứ hỏi mấy đứa bạn cùng đi, không biết sống chết ra sao?”.

    Tại khu nhà phố chợ thị trấn Gành Hào, gia đình ông Lê Văn Tài đang lo hậu sự con gái Lê Ngọc H (17 tuổi). H là nận nhân vừa thiệt mạng trên chiếc tàu lật. Bà Kim Chi, mẹ của Ngọc H. nói về con gái đầu lòng xấu số: “Ngọc H. nghỉ học khi đang học lớp 8, ở nhà phụ giúp cha mẹ mua bán nhỏ để nuôi ông bà ngoại già và 3 đứa em nhỏ”.

    Chiếc tàu chở hàng chục người bị lật úp - Ảnh: báo VnExpress

    Không xa thị trấn Gành Hào, gia đình nạn nhân ở ấp Cây Giang, xã Long Điền (Đông Hải) cũng lo hậu sự cho nạn nhân Trần Tú T (15 tuổi), bị chết trên chiếc tàu cá xấu số trên cửa biển Gành Hào.

    Trong con hẻm nhỏ, gia đình ông Trương Văn Gương (69 tuổi, ở số 92, ấp 1, thị trấn Gành Hào) cho lập bàn thờ ngoài trời để cầu mong cháu ngoại là Lưu Thị Mỹ D (17 tuổi) còn đang mất tích. Mỹ D. mồ côi cả cha lẫn mẹ và ở với ngoại. Bà Nguyễn Thị Kiểng, bà ngoại của Mỹ D, nói trong nước mắt: “Bạn bè đi chung còn sống sót, chúng nói Mỹ D. chắc chắn đã chết rồi. Tôi cầu mong ông bà phù hộ cho cháu ngoại về nhà, ở dưới nước lạnh lẽo lắm!”.

    Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Bùi Minh Túy cho biết, Huyện đã cử đoàn đến thăm viếng gia đình nạn nhân, hỗ trợ để bà con qua cơn hoạn nạn.

    Như báo VietNamNet đưa tin trước đó, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 10h sáng 6/4. Chiếc tàu mang biển số BL 93.322 do bà Nguyễn Thị Lời làm chủ, tài công Doãn Thanh Nam (SN 1982, ngụ ấp 2, thị trấn Gành Hào, con bà Lời) điều khiển, chở 39 người tham gia lễ hội Nghinh Ông.

    Khi tàu chạy ra cách cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải khoảng 2km thì gặp phải sóng to, gió lớn nên bị chìm. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã triển khai ngay công tác cứu hộ cứu nạn.

    Theo thống kê ban đầu, thời điểm xảy ra tai nạn trên tàu có 39 người, 2 trong số 39 người đã tử vong, 1 người hiện mất tích.

    Hai nạn nhân tử vong được xác định là nữ sinh Trần Tú T. (ngụ ấp Cây Giang, xã Long Điền) và nữ sinh Lê Ngọc H. (ngụ ấp 1, thị trấn Gành Hào). Nạn nhân mất tích là Lưu Thị Mỹ D (ở số 92, ấp 1, thị trấn Gành Hào).

    Theo báo Chính Phủ, ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 476/CĐ-TTg về việc tổ chức cứu nạn vụ chìm tàu trên sông Ghềnh Hào, tỉnh Bạc Liêu.

    Điều 4, Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy về Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy

    1. Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ phải được báo kịp thời, chính xác cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác quy định tại Điều 5 Quyết định này, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và Công an nơi gần nhất.

    2. Việc cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người.

    3. Khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-chung-ke-lai-giay-phut-hai-hung-khi-con-tau-lat-up-tren-bien-a186542.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan