+Aa-
    Zalo

    Nhạc Việt: “Báo động đỏ” về ca từ

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, các sản phẩm âm nhạc kém chất lượng gây ra những tranh cãi trái chiều, báo động về một thị trường âm nhạc không còn “sạch”.

    Danh xưng tự phong khiến nhạc Việt “lệch chuẩn”

    Thời kỳ hội nhập, các nghệ sĩ trẻ cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc đưa tác phẩm của mình đến công chúng thông qua các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến việc một số sản phẩm có tựa đề phản cảm với ca từ sáo rỗng, thô tục... lại đang được phát tán một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Những cái tên như Phí Phương Anh, Bình Gold, Chị Cả... cùng với các sản phẩm âm nhạc của họ được nhắc đến như những ví dụ điển hình.

    nhac viet bao dong do ve ca tu spl
    Những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

    Ca khúc Censored của Chị Cả (thí sinh King of Rap) thu hút gần 1 triệu lượt xem từ các video trên mạng xã hội, có lời ca: “Mua cho con chiếc còng tay/ Nâng con dâu vào phòng bay...”. Bài rap đã gây phẫn nộ vì nội dung phản cảm, dung tục.

    Hay sản phẩm của nhóm Rap Nhà Làm gây sốc khi cắt ghép tên Đức Phật với tên một người khác đặt nhan đề. Sản phẩm trên còn có nội dung xúc phạm đến tín ngưỡng tôn giáo gây bức xúc trong dư luận xã hội.

    Thậm chí, có những nghệ sĩ hoạt động lâu năm như BigDaddy và Emily cũng cho ra đời những sản phẩm với ca từ gây tranh cãi như: "mẩy thật mẩy”, "hâm nóng”,...

    Chia sẻ về hiện trạng trên, ca sĩ, người mẫu Hàn Minh Tú cho rằng: “Một số người nổi lên với danh xưng ca sĩ tự phong, không trải qua quá trình đào tạo, dẫn đến việc thiếu đầu tư “chất xám”, chạy theo trào lưu biến một số sản phẩm thành “tạp kỹ”.

    Cần chiến dịch dọn “rác”

    Từ thực trạng trên có thể thấy ranh giới giữa “cá tính” và “phản cảm” là vô cùng mong manh trong một thị trường âm nhạc mở như hiện nay. Cá tính của người nghệ sĩ có rất nhiều cách để thể hiện, từ trong cách triển khai chủ đề câu chuyện, ca từ, vần, giai điệu, tiết tấu, phối khí, nhịp điệu, cách truyền tải ấn tượng... và những kỹ thuật khác. Nhưng “không phải cứ viết vô tội vạ, khác người, gây sốc, là sẽ chất, cá tính", ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tài khẳng định.

    Vấn đề về ca từ nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng khi xuất hiện 2 cuộc thi Rap năm 2020. Đây được coi là bước đột phá khi đưa thể loại Rap đến gần hơn với công chúng, số lượng nghệ sĩ “underground” bước ra ánh sáng ngày càng nhiều. Nhưng khi dần tiếp cận một lượng lớn khán giả hơn, họ bắt buộc phải cẩn trọng hơn về nội dung trong sản phẩm.

    Rapper Slick - Top 60 King of rap mùa 1 cho rằng: “Đặc biệt ở Việt Nam - một đất nước có bản sắc thuần phong mỹ tục, nên rap hay bất kỳ hình thức âm nhạc nào cũng cần phải nhập gia tùy tục”. Những sản phẩm “rác” vẫn còn đang tràn lan trên thị trường âm nhạc là do người ta thèm sự nổi tiếng đến mức độ làm ra những việc phản cảm hay cố tình làm những việc khác người để gây chú ý. Bên cạnh đó, việc thị hiếu âm nhạc của một bộ phận khán giả đã trở nên dễ dãi, thiếu chọn lọc khiến cho những sản phẩm kém chất lượng được cổ xúy, lưu hành tràn lan.

    “Đôi khi, một số sản phẩm có những lời lẽ rất khó nghe nhưng khán giả vẫn cổ vũ, có những bạn trẻ nghe nhiều các bài hát chứa những ca từ đó và cảm thấy chất, ngầu”, người mẫu, ca sĩ Hàn Minh Tú chia sẻ.

    Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động về ca từ trong âm nhạc Việt xuất phát từ chính những người sản xuất và thị hiếu người nghe. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng đã đang và sẽ để lại những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến nhận thức của bộ phận người trẻ. Sự sáng tạo luôn là điều cần thiết trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Thế nhưng, trong nghệ thuật chân chính không bao giờ có chỗ cho những nội dung “lệch chuẩn”.

    “Cái dung tục và phản cảm không bao giờ phù hợp, cho dù là ở một thời đại nào đi chăng nữa. Ngay cả bây giờ - trong thời đại thế giới “phẳng”, những gì được cho là tự do ngôn luận, tự do âm nhạc, tự do ca hát vẫn phải đảm bảo về mặt đạo đức và thuần phong mỹ tục”, NSƯT Kim Tiến nhấn mạnh.

    Đi cùng sự phát triển của xã hội, quá trình phát hành và đưa sản phẩm đến với công chúng cũng trở nên thuận tiện và cởi mở hơn. Thế nhưng không phải ai cũng biết tận dụng chúng đúng cách.

    Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, người có danh xưng “Chị Cả” đã phải gỡ toàn bộ sản phẩm trên các nền tảng số và chịu phạt đến 35 triệu đồng. Còn chủ nhân của bản ghi âm Thích Ca Mâu Chí, cũng đã phải chịu phạt hành chính 45 triệu đồng vì nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Đây không chỉ là cái giá họ phải trả cho sự tự do quá trớn của họ trong âm nhạc, mà còn là lời cảnh tỉnh cho nhiều nghệ sĩ trẻ khác.

    “Tận dụng sự cởi mở như thế nào là quyền của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể nói những lời tục tĩu thì không ai tiến gần đến chúng ta cả, nhưng nếu chúng ta nói những lời tử tế thì chắc chắn sẽ có người nghe. Tôi rất ủng hộ cái mới cái lạ, nhưng lạ thôi, đừng độc”, ca sĩ/ nhà báo/ MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nhắn nhủ.

    Trước “báo động đỏ” của ca từ nhạc Việt hiện nay, để mang lại cho khán giả những bài hát hay và có ý nghĩa, điều cấp thiết nhất chính là các nghệ sĩ cần phải hiểu đúng về các chuẩn mực văn hóa dân tộc, đồng thời phải có trách nhiệm với sản phẩm của bản thân. Sự tự do sẽ mang đến cho người làm nhạc nhiều cảm hứng sáng tác, nhưng để một tác phẩm mới được công nhận và phát hành chính thức, trong phạm vi rộng thì vẫn cần sự kiểm duyệt nghiêm túc, khách quan của các cơ quan quản lý văn hóa, dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước.

    Diệu Minh

    Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (36)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-viet-bao-dong-do-ve-ca-tu-a517032.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan