+Aa-
    Zalo

    Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi cũng có dự cảm trước về ngày chiến thắng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - 40 năm đã trôi qua, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn vang lên rạo rực trong hàng triệu trái tim người Việt Nam.

    (ĐSPL) - 40 năm đã trôi qua, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn vang lên rạo rực trong hàng triệu trái tim người Việt Nam. Bài hát ra đời bằng khả năng dự cảm trước chiến thắng của người nhạc sỹ tài hoa. Ít ai biết rằng, ca khúc còn có sự trùng hợp kỳ lạ với lời sấm truyền của Khổng Minh trước đó hàng nghìn năm.

    Trùng hợp kỳ lạ với lời “sấm” của Khổng Minh

    - Bài hát được ông sáng tác trước ngày giải phóng 30/4. Lời bài hát đã nói lên tiếng lòng vỡ oà của hàng chục triệu người Việt Nam khi non sông thu về một mối. Bài hát bắt nguồn từ khát khao chiến thắng hay là một mối dự cảm của riêng ông?

    - Cuối tháng 4/1975, anh em trong Đài tiếng nói Việt Nam chúng tôi bảo nhau, quân ta giải phóng đến đâu sẽ có bài hát ca ngợi đến đó, giải phóng Huế có bài về Huế, giải phóng Đà Nẵng có bài về Đà Nẵng... Nhưng vì sau đó, sức tấn công của quân ta quá nhanh, quá dồn dập nên các nhạc sỹ viết không kịp nữa.

    Nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác bài hát trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975.

    Đêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin của Đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, người tôi nóng bừng, trong lòng như có tiếng reo vui không kìm nén được. Tôi nghĩ, quân ta tấn công đến Tân Sơn Nhất tức là đến Sài Gòn, mà đến Sài Gòn rồi thì mai kia là giải phóng thôi. Ngay đêm hôm ấy, chỉ sau hai tiếng đồng hồ, tôi đã hoàn thành bài hát. Quả nhiên, 11h trưa ngày 30/4, quân ta đã cắm cờ trên dinh nóc Độc Lập.Trước đó, tôi đã phác thảo một hợp xướng 4 chương (Chương 1: Truyền thống anh hùng. Chương 2: Miền Bắc lũy thép. Chương 3: Miền Nam thành đồng và Chương 4: Chiến thắng). Dựng lên như vậy nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó chưa ưng ý. Tôi băn khoăn, nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả.

    - Trong một cuộc trò chuyện với báo Đời sống và Pháp luật, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho hay, từ  hơn 1.800 năm trước, Khổng Minh đã đưa ra một lời sấm về ngày đoàn viên sau 30 năm của Việt Nam. Sáng tác bài hát này khi có những dự cảm về chiến thắng của đất nước, ông nghĩ sao về sự trùng hợp kỳ lạ giữa lời sấm của Khổng Minh và bài hát của mình?

    - Ông Nguyễn Phúc Giác Hải từng nói với tôi rằng, có một lời sấm truyền đời Đường có ý rằng, đất nước ở dưới phía Nam Trung Quốc (tức nước ta), 30 năm con cháu đoàn kết mà giành được tự do. Ông ấy cứ thắc mắc, tại sao lại có sáng tác của tôi và lời tiên tri ấy có chỗ giống nhau, đặc biệt là con số 30 năm. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, từ 1945 đến 1975 là 30 năm, qua hai cuộc kháng chiến, mình đã giành chiến thắng. Tôi nghĩ đó là một sự trùng hợp. Tuy là sự trùng hợp nhưng gần như đã dự báo đúng. Ông Giác Hải đã in cho tôi lời “sấm” đó. Tôi đã xem qua và thấy đúng là kỳ lạ.

    Hát trong nước mắt

    - Bài hát ngay khi sáng tác đã được mọi người truyền tay nhau hát vang khắp mọi miền. Theo nhạc sỹ, vì sao nó lại tan toả mạnh mẽ đến vậy?

    - Sau 30/4/1975, bài hát chưa in lên báo, chưa được xuất bản nhưng đi đâu tôi cũng gặp mọi người hát. Sáng ngày 1/5/1975, đang đi bộ bên Hồ Gươm để tận hưởng cảm giác tự do trọn vẹn, tôi vô cùng ngạc nhiên rồi sau đó là cảm động khi thấy một đoàn quân nhạc thổi kèn bài hát này, rồi những sinh viên nhạc viện Hà Nội ngồi xe mui trần kéo violon. Cả nước như đang rộn rã trong niềm vui giải phóng và reo vang nức nở “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

    Trước đây, cứ bao giờ kết thúc mít tinh, Bác Hồ hay bắt nhịp bài hát “Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh”. Sau khi Bác mất, nhà thơ Bùi Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng bộ Văn hoá có động viên các nhạc sỹ là nên sáng tác một ca khúc khác thay thế. Hồi ấy, rất đông các nhạc sỹ viết bài hát, rồi đưa lên đài, báo giới thiệu. Tuy nhiên nhân dân không hát. Sau giải phóng, nhà thơ Huy Cận có gặp tôi nói: “Anh Tuyên ơi, mừng cho anh nhé. Dân đã chọn bài hát của anh rồi”.

    - Hiếm có tác phẩm âm nhạc nào đem đến nhiều cảm xúc, nụ cười và nước mắt như bài hát này. Nhạc sỹ có thể chia sẻ về cảm xúc của những người đầu tiên thu âm ca khúc?

    - Hợp xướng của đài tiếng nói Việt Nam và người lĩnh xướng là cô Tuyết Thanh là những người đầu tiên thu âm bài hát này. Mọi người có nói với tôi rằng, chưa bao giờ dự một cuộc thu thanh mà tất cả đều khóc. Khóc vì mừng quá, khóc vì vui quá. Ca sỹ Tuyết Thanh cũng đã hát trong nước mắt. Sức sống của bài hát là nguồn động viên cho những người sáng tác. Bởi lẽ khi tình cảm của mình hoà được với tình cảm của mọi người thì bài hát sẽ có sức lan toả mạnh mẽ và đáng quý vô cùng. Bài hát là kỷ niệm rất đáng quý trong cuộc đời sáng tác của tôi.

    - Được biết, bài hát đã vượt qua biên giới của đất nước ta, đến với nhiều quốc gia khác, giống như hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh được bạn bè năm chấu bốn bể yêu mến. Nhạc sỹ hẳn là vô cùng tự hào?

    - Bài hát đã vượt qua biên giới của Việt Nam chúng ta, đến với nhiều nước khác. Bài hát đã được dịch ra tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật. Tôi thực sự cảm động khi thấy sức mạnh của âm nhạc đã lan truyền rộng rãi như thế.

    Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là tình cảm của một đoàn ca nhạc Nhật Bản trong buổi lễ kết nghĩa của Hội nhạc sỹ Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Khi chúng tôi đang cùng nhau hát lần lượt rất nhiều ca khúc, thì một thành viên của đội Nhật Bản yêu cầu cho họ tham gia cùng nhưng họ chỉ hát hai bài: Bài hát truyền thống của Nhật là “Hoa Anh Đào” và bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của tôi. Tôi rất vui khi thấy bài hát của mình không chỉ được người Việt hay hát mà còn được bạn bè thế giới cùng hát vang. Đó chính là phần thưởng lớn nhất đối với một tác phẩm và một nhạc sỹ như tôi.

    - Xin chân thành cảm ơn nhạc sỹ!

    HẠNH NGUYÊN

    Xem thêm clip Hà Nội: Tổ chức diễu hành và nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-sy-pham-tuyen-toi-cung-co-du-cam-truoc-ve-ngay-chien-thang-a93631.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hà Nội: Tổ chức diễu hành và nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô

    Hà Nội: Tổ chức diễu hành và nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô

    (ĐSPL) - Trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, khắp các quận huyện đã tổ chức rất nhiều hoạt động, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố đã tổ chức diễu hành, chương trình biểu diễn pháo hóa, Hà Nội ngày về... Người dân đã xuống phố rất đông để tham gia vào các sự kiện lớn, khiến Hà Nội đã có một ngày thật ý nghĩa. (Doãn Trung)