+Aa-
    Zalo

    Nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường: Vẫn nồng nàn giấc mơ Hà Nội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường – tác giả của những ca khúc đang được giới trẻ ưa thích như: “Em trong mắt tôi”, “Nồng nàn Hà Nội”, “Nếu như anh đến”... được đánh giá là một nghệ sỹ có chất phiêu rất... đậm đặc.

    (ĐSPL) - Nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường – tác giả của những ca khúc đang được giới trẻ ưa thích như: “Em trong mắt tôi”, “Nồng nàn Hà Nội”, “Nếu như anh đến”... được đánh giá là một nghệ sỹ có chất phiêu rất... đậm đặc. Với nhiều ca khúc mang dấu ấn riêng, trong giới nhạc sỹ đương đại, Nguyễn Đức Cường được đánh giá là một người sáng tác văn minh với nhiều ca khúc tròn trịa và đẹp. Với anh, sáng tác nhạc là để cân bằng cuộc sống và nhìn đời theo cách riêng của mình...

    Nguyễn Đức Cường phiêu trên sân khấu.

    Luôn coi âm nhạc là bức tranh nhiều màu sắc

    Chào nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường, nhiều khán giả cho biết, đã lâu rồi họ không được gặp anh trên các sân khấu nữa?

    Tôi vẫn làm việc chăm chỉ với một số ca sỹ trẻ như Trà My, Khắc Hiếu, Văn Mai Hương... Công việc ở phòng thu thường kéo dài từ chiều đến 5, 6h sáng hôm sau. Chỉ còn một khoảng thời gian ít ỏi dành cho gia đình. Thực tế là tôi không còn thời gian mà đi hát nữa. Vì thế, dạo này khán giả cũng ít gặp tôi trên các sân khấu lớn.

    Không biết có phải vì thế mà nhiều ca sỹ trẻ nhận xét rằng anh là “bà đỡ” mát tay trong âm nhạc?

    Tôi thấy rất vui vì họ hợp với những sản phẩm của mình tương đối, thấy bài hát của mình đến được với công chúng. Nhưng hầu hết mọi người đều biết đến tôi khi tôi đã có một số những thành quả nhất định. Hồi xưa, tôi cũng đi đánh band, đi hát 200.000đồng/tối. Những đầu năm 1999 có 50.000đồng/tối. Tôi nghĩ rằng việc gì cũng là kết quả của một quá trình, chứ chẳng có điều gì tự dưng mà có.

    Nhiều người nhận xét rằng, anh nổi lên bắt đầu từ “Bài hát Việt” nhưng chương trình này bị cho rằng mang hơi hướng âm nhạc phía Bắc nhiều quá. Đó cũng chính là lý do dù ca khúc của anh rất hay nhưng không tiến sâu được vào showbiz phía Nam?

    Tôi nghĩ ý kiến này mang sự đánh giá chủ quan. Tôi cũng đã từng nghe đâu đó ý kiến này trên phương tiện truyền thông nhưng tôi không cho rằng “Bài hát Việt” là nơi dành cho âm nhạc của riêng vùng miền nào cả. Tôi nghĩ với nghệ thuật thì chúng ta nên đánh giá trên khía cạnh tốt hoặc chưa tốt.

    Một số người đến với “Bài hát Việt” với tác phẩm tốt nhất và họ thành công. Số còn lại có thể họ nghĩ thế là tốt nhưng với những người có chuyên môn thì đó lại là một vấn đề khác. Xét cho cùng tôi nghĩ làm âm nhạc thì sự sáng tạo và cái tôi của người nghệ sỹ nên đề cao một chút. Hãy là người định hướng âm nhạc hơn là để những điều khác chi phối bạn trong công việc này.

    Theo anh, hướng sáng tác nào mà người nhạc sỹ có thể chinh phục được cả khán giả hai miền Nam – Bắc, vì tôi thấy, thị hiếu nghe nhạc giữa hai miền cũng khác nhau?

    Thật khó để làm được điều đó, nó tương tự như khi chúng ta nói đến thứ gì đó thật hoàn hảo. Mà anh thấy làm gì có điều đó trong môi trường âm nhạc thế giới cũng như ở Việt Nam. Hãy coi âm nhạc là một bức tranh nhiều màu sắc và khán giả cũng như những người hoạt động nghệ thuật hãy tìm cho mình những mảng màu yêu thích nhất mà thôi.

    Xuất thân từ nhóm nhạc “Nốt nhạc mới”, nhưng có vẻ anh đã phải tìm được hướng đi riêng của mình, tách hẳn ra khỏi những thành viên của ban nhạc? Lúc đầu anh còn bị hiểu lầm là bỏ rơi anh em để lo cho bản thân, anh có buồn vì những hiểu lầm đó không?

    Tôi đã làm điều đó khi tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp tôi và những người bạn của tôi trưởng thành hơn. Cho đến thời điểm này tôi thấy đó là quyết định không tồi, những thành viên trong ban nhạc ít nhiều đã chọn cho mình những hướng đi hợp lý và phần nào đã có những thành công ban đầu.

    Tôi bị hiểu lầm là khó tránh khỏi nhưng anh thấy đấy thời gian vẫn cho thấy chúng tôi là anh em tốt của nhau và khi sự chân thành, thẳng thắn là thước đo của tình bạn thì mọi vấn đề sẽ được hiểu theo đúng nghĩa của nó.

    Âm nhạc chứ không phải... thị nhạc

    Tất cả những nhạc sỹ tài năng dù muốn hay không họ cũng đều phải tìm showbiz phía Nam để lập nghiệp, điều gì kéo anh ở lại Hà Nội?

    Vì tôi nghĩ khác nhiều người ở vấn đề này. ở đây, tôi có gia đình nhỏ của mình, có những người bạn và một mùa đông mà tôi rất nhớ nếu đi đâu xa. Từng đó lý do đã đủ cho anh có câu trả lời? Hơn nữa, ngay lúc này đây, tôi vẫn nồng nàn giấc mơ với Hà Nội.

    Nhiều ca khúc cũng không hay lắm nhưng lại nổi nhờ danh ca sỹ thể hiện. Liệu có bao giờ ca khúc của anh rơi vào trường hợp này?

    Đó là điều làm cho thẩm thấu âm nhạc đi xuống. Tôi đã có lần nói, âm nhạc chứ không phải thị nhạc. Nếu muốn thứ âm nhạc để đánh lừa thị giác thì có rất nhiều. Tôi không thấy quan trọng với việc ca sỹ hát nhạc của mình phải là người nổi tiếng. Tôi quan niệm đã là ca khúc thì nên gần gũi đời sống. Với khí nhạc, nhạc hàn lâm thì khác. Tôi thích làm việc với môi trường nhạc Pop, vì nó gần gũi và đại chúng.

    Nhưng khán giả chẳng thể thích ngay những sáng tác của anh? Như lần đầu anh hát “Nồng nàn Hà Nội” trong “Bài hát Việt” chẳng hạn?

    Có những loại nhạc “rác” dăm ba nốt, giai điệu luẩn quẩn lặp đi lặp lại, bài nào cũng giống bài nào thì những bài hát như tôi đã làm, người ta sẽ thấy nó khác. Món ăn lạ phải có thời gian mới thích nghi được. Tôi thích sáng tác những bài hát mà nó “ngấm” dần vào khán giả, chứ không phải là những sáng tác “ăn xổi” nghe xong rồi quên và không có ấn tượng gì cả.

    Anh có cho rằng, nhạc sỹ trẻ kiếm tiền tốt hơn thế hệ già?

    Thực tế chưa có thống kê rõ ràng về vấn đề này. Tôi nhận thấy những người làm nhạc trong thế hệ tôi bây giờ năng động hơn, khả năng nắm bắt cơ hội tốt hơn. Nhưng những tác phẩm họ để lại chưa chắc đã tốt bằng thế hệ đi trước. Vì âm nhạc công nghiệp, đáp ứng thời lượng, tiến độ... nên nó mang tính thị trường.

    Vậy nên chăng nhạc sỹ trẻ cũng cần “sống chậm” trong âm nhạc?

    Đó là điều mà những người như tôi đang làm. Chú Dương Thụ nói với tôi: “Từ khi mày bước lên Bài hát Việt 2007 đến nay có hai ca khúc được công chúng biết đến. Chú làm việc 50 năm rồi người ta mới biết đến một số bài”. Nghĩa là cần phải có sự chiêm nghiệm, phải có thời gian mới sáng tác được, giống như cảm nhận cuộc sống, phải qua quá trình lâu dài mới tích luỹ được.

    Sắp tới, anh có dự án nào dành cho riêng mình và khán giả của mình? Với những ca khúc đặt hàng, cứ có yêu cầu, anh lại “sản xuất” được tác phẩm ngay?

    90\% thời gian tôi làm việc cho các bạn khác, chỉ có 10\% còn lại dành cho mình. Để có một tác phẩm ưng ý, cần có thời gian đầu tư về nhạc khí, tác phẩm, ca từ. Tôi cũng đang rất muốn cho ra đời một tác phẩm mới, có thể trong năm nay hoặc là năm sau. Tôi muốn có một tác phẩm hay, cống hiến, mang tính giá trị, tinh thần, thẩm mỹ, khán giả nhớ đến mình hơn và cảm ơn chứ không cần phải ra nhiều, ồ ạt. Hiện tại có quá nhiều đơn đặt hàng nên đành lùi lại việc riêng đã. Các bạn trẻ hiện nay đang thiếu bài. Có nhiều bạn tìm đến mình và muốn thử sức với những bài hát mới, lạ của mình.

    Nhưng tôi cũng sáng tác theo cảm xúc nữa, tôi mình cũng thấy may mắn vì khán giả ít quên mình. Vì sao các bạn vẫn nghe những bài hát cũ hoặc chế lại lời bài hát như “Nồng nặc Hà Nội”. Cũng là một điều đáng mừng và khi sáng tác những bài hát mới, mình càng phải đầu tư hơn nữa.

    Cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Làm nhạc cho số đông sẽ mất cá tính riêng

    Tôi thấy nhiều nhạc sỹ hiện nay hay mở công ty giải trí, làm bầu show nữa. Anh có ý định đó không?

    Âm nhạc của tôi không mang tính chất công nghiệp, mở công ty đào tạo nọ kia không hợp với con người tôi. Tôi muốn đi trên một con đường độc lập, làm những gì mình thích. Trong quá trình mở công ty, thúc đẩy công ty phát triển, làm sao để ca sỹ tiếp cận công chúng nhiều hơn... những vấn đề đó buộc ta phải chiều theo số đông, làm cho sản phẩm âm nhạc ít nhiều mất cá tính riêng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-sy-nguyen-duc-cuong-van-nong-nan-giac-mo-ha-noi-a76400.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan