(ĐSPL) - Nổi tiếng và được liệt vào hạng "không phải dạng vừa", các thi nhân thường xuyên bị các mỹ nhân "truy nã". Trong cuộc đời mình, nhà thơ "bác sỹ hoa súng" Hoàng Nhuận Cầm cũng nhiều lúc phải nếm trải cô đơn, khi các người tình lần lượt bỏ anh đi "như những dòng sông nhỏ", vứt lại lời hẹn thề là những bài thơ tình chan chứa yêu thương và cảm xúc.
Xin đa tạ rất nhiều em gái/Nếu còn tiền mua rượu cho tôi
Có một thời gian, không hiểu vì nguyên cớ gì, “bác sỹ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm rơi vào tâm thế chán nản, u uất. Anh suốt ngày rượu bia và lảm nhảm nói về “cái chết của thi ca”, “cái chết của các nhà thơ” và “cái chết của những người lao lực vì phải viết để kiếm sống”. Lúc ấy, tôi có cảm tưởng anh đang như một kẻ bị thất tình, nên chán thơ, chán bạn bè văn chương và chán đời, chán tất cả.
Một tối đến chơi nhà anh, tôi thấy “bác sỹ hoa súng” đang bị “thơ hành”. Người sặc sụa mùi rượu và mùi thuốc lào, anh ngồi cạnh chai rượu gần cạn đáy, mồm lảm nhảm bài thơ mới viết: “Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Trời xanh như tất cả còn xanh/ Xin đa tạ rất nhiều em gái/ Cho mấy lần tôi được làm anh./ Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Một trưa nào như trưa mùa Thu/ Chiến hào năm thằng lăn ra ngủ/ Tôi giật mình - tiếng đại bác ru./ Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Một tối nào như tối mùa Đông/ Chiều thứ bảy quán cà phê vắng/ Chủ quán buồn, hỏi: Có buồn không?/ Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Nghĩa trang mang tên xóm bụi đời/ Giấu mẹ nhé không thì mẹ mắng/Nếu còn tiền mua rượu cho tôi”.
Rồi “bác sỹ hoa súng” bỗng dưng gào tướng lên: “Nếu tôi chết/Tốt hơn, đừng chết!/ Ai sẽ phục sinh Em...trong những tối không chồng” và cười ha hả như một kẻ bị tâm thần, nói như hét vào tai tôi: “ Cậu thấy chưa, tớ kết bài thơ bằng câu “Ai sẽ phục sinh Em trong những tối không chồng” có nhiều ý nghĩa, có đắt giá không, các nàng thơ phen này sẽ đổ la liệt dưới những câu thơ này”.
Tôi chọc Cầm: “Theo tớ, cậu nên thêm vào một câu thơ cuối nữa, thì bài sẽ hoàn chỉnh hơn: “Ai sẽ phục sinh Anh trong những tối thất tình”, hoặc “Ai sẽ phục sinh Thơ trong những đêm vợ bỏ” thì hợp với hoàn cảnh của cậu hơn vì hiện tại nàng thơ đã bỏ đi, để bố con cậu bơ vơ, tội nghiệp trong căn phòng “Gió em vào nếu chán gió lại ra” giống câu thơ định mệnh của cậu!”.
Nghe tôi nói, “bác sỹ hoa súng” hằm hè. Tôi xoa dịu bạn: “Tớ hiểu rồi, ai sẽ phục sinh thơ trong những tối rượu không còn, tớ sẽ đi kiếm cho cậu một chai nút lá chuối chính cống nữa nhá!”. Một lúc sau, tôi cầm chai rượu về, đã thấy Hoàng Nhuận Cầm bày la liệt cả chục tập thơ ra nền nhà. Tôi xua tay: “Thôi, không nhắm thơ với rượu nữa, tớ mua mấy cái nem và lạc rang đây rồi”. Cầm trợn mắt quát: “ Tối hôm nay, tôi hẹn ông đến đây có việc rất quan trọng đối với thi ca, chứ không phải chỉ có chuyện rượu chè lươn khươn, ông hiểu không? Tôi cảm ơn ông vì chai rượu và món đồ nhắm, nhưng bây giờ ta phải vào cuộc ngay”.
Tập thơ "Xúc xắc mùa thu" và chiêu trò "trấn yểm"
Nói xong Cầm rót rượu ra chén, chúng tôi cụng chén chúc cho tập thơ và giải thưởng vì “bác sỹ hoa súng” nghèo quá, phải vay nợ lung tung để lấy tiền in thơ, nếu không có tiền giải thưởng, sẽ lỗ to. Nhâm nhi được vài chén, chợt nhớ ra điều gì không ổn, tôi vỗ vai bạn đánh độp: “Nhưng tập thơ của cậu nghe chừng xái lắm, u ám lắm, có đến gần chục bài thơ toàn viết về chết chóc với giọng chì chiết, bất cần đời. Phải tính cho kỹ đi”.
Cầm ngó trước, nhìn sau như buôn hàng cấm, cười thì thầm: “Tớ có cách giải mã rồi, tên tập thơ là viên “Xúc xắc mùa thu” mà viên xúc xắc dùng để chơi bài, chơi bạc, cậu biết rồi. Vậy đây là một “canh bạc thơ” dành cho độc giả, mà tớ là nhà cái, tớ cầm trương, nên tớ luôn ở thế thắng. Không những thế, ở bìa cuối tập thơ tớ còn một chiêu “trấn yểm” có một không hai, cậu xem đây, tớ sẽ in tấm ảnh chụp lúc tớ vừa mới ra đời, thằng bé Cầm chưa đầy một tuổi, nằm trần truồng, mồm cười toét, chân tay khua khoắng lung tung, chim cò tơ hơ. Tấm ảnh “ngày sinh” này sẽ xua tan mọi u ám, chết chóc, mọi điều không hay về tập thơ này”.
Sau đó, “bác sỹ hoa súng” ghé tai thân mật, đề nghị tôi với tư cách bạn bè viết mấy bài giới thiệu tập thơ “Xúc xắc mùa thu” in trên các báo, nhằm “định hướng dư luận văn chương” ở Hà Nội. Tôi cười: “Điều quan trọng là thơ cậu có hay không, có chinh phục được độc giả không? còn viết giới thiệu các tập thơ là chuyện thường ngày tớ vẫn viết cho các báo. Tớ sẽ ủng hộ cậu, nhưng xem ra trong chuyện thi ca, cậu không điên chút nào cả, cậu tỉnh táo và tinh quái lắm!”.
Hôm sau, tôi nói lại chuyện này với nhà thơ Hữu Việt, người cũng chơi khá thân với “bác sỹ hoa súng”. Hữu Việt cười khì: “Ông này không điên thật đâu, ông ấy điên theo kiểu ăn người thôi!”. Năm đó, tập thơ “Xúc xắc mùa thu” được trao giải thưởng Hội nhà văn VN và người ủng hộ Hoàng Nhuận Cầm nhiều nhất trong Ban chấp hành Hội Nhà văn VN chính là nhà văn Hữu Mai (bố nhà thơ Hữu Việt).
Không chỉ gặp may mắn và thành đạt trong thi ca, trong tình duyên, dù có phải trải qua nhiều trắc trở, “bác sỹ hoa súng” vẫn là người gặt hái nhiều hạnh phúc khi các nàng thơ cứ bỗng nhiên xuất hiện như nữ “cứu tinh” trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời anh. Hoàng Nhuận Cầm kể cho tôi nghe câu chuyện rất thú vị, về cuộc gặp gỡ “định mệnh” với một người đẹp.
Dạo ấy, sau khi vợ bỏ, Cầm sống cô đơn thui thủi một mình với nhiều bức xúc. Sáng sáng, anh thường bế đứa con trai nhỏ ra quán cháo sườn cuối phố, mua tô cháo, bón cho con ăn. Đàn ông vụng về, đứa con nhỏ chán ăn cứ khóc quầy quậy, vậy là hai thìa cháo bón vào mồm thì có một thìa bón lên mũi. Thằng bé khóc ngằn ngặt, Cầm bực mình quát tháo.
Lúc ấy, có một cô gái trẻ rất xinh xắn đến ăn cháo sườn, thấy vậy, bảo Cầm để cô ta bón cháo hộ cho đứa bé. Cầm quắc mắt: “Cô trẻ ranh thế này, đã biết nuôi con bao giờ mà chả bón với mớm, thôi để yên tôi cho nó ăn!”. Cô gái trẻ vẫn tươi cười giành lấy bát cháo, bón cho đứa nhỏ ăn. “Thằng cu lớn” là Cầm đành ngồi sang bên xem cô gái trẻ dỗ dành thằng bé, không hiểu sao nó nín bặt và ăn thun thút. Cầm cáu sườn, rút tập bản thảo trong túi xách, kề lên đùi hí hoáy tranh thủ viết.
Sau khi cho thằng bé ăn xong bát cháo sườn, cô gái trẻ tò mò nhìn vào tập bản thảo của bố đứa bé và hỏi: “Thế anh là nhà văn à?”. Cầm gật đầu, nổ một tràng như liên thanh: “Anh là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, là đạo diễn điện ảnh, anh đang viết kịch bản phim, thế em có hay xem truyền hình không, anh thường đóng vai “bác sỹ hoa súng”. Lý lịch trích ngang như vậy được chưa, có cần kiểm tra gì nữa không. Thôi trả cho anh thằng bé, cảm ơn em, anh phải đưa nó sang nhà trẻ rồi lên xưởng phim truyện làm việc đây!”.
Cầm định đứng dậy thì cô gái trẻ cứ níu lại, mắt tròn xoe ngưỡng mộ: “Thế ra anh là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” nổi tiếng đúng không, thơ của anh, em chép đầy sổ tay học trò. Anh lại còn là “bác sỹ hoa súng” nữa à! Thật bất ngờ và hạnh phúc cho em hôm nay được gặp anh...”. Rồi cô gái cứ ríu rít thân mật khiến nhà thơ “đi cũng dở ở không xong”.
Hóa ra, cô gái trẻ là một sinh viên lên Hà Nội trọ học. Mấy hôm sau, bà bán cháo sườn ngạc nhiên khi thấy sáng nào cô gái cũng tới bón cháo sườn cho con giai “bác sỹ hoa súng”. Rồi mùa hè năm ấy, hai bố con “bác sỹ hoa súng” bế nhau về quê cô gái chơi. Và điều đặc biệt, cả nhà cô gái đều rất quý mến Hoàng Nhuận Cầm và dành thời gian chăm sóc thằng bé để cho “bác sỹ hoa súng” rảnh tay, ngồi chễm chệ ngoài vườn, viết nốt kịch bản cho bộ phim truyện nhiều tập mà anh đang viết dở...
NGUYỄN VIỆt CHIẾN
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]JZF3KHlqOD[/mecloud]