(ĐSPL) - Trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố vẫn tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân, chuyến thăm của Kim Jong-un tới Bắc Kinh xem ra vẫn là điều không thể.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã củng cố quyền lực, nhưng khi nào mới thăm Trung Quốc? |
Giới chuyên gia đặc biệt quan tâm đến tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi thăm Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc không có nghĩa rằng chuyến thăm như vậy sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, thông điệp giật gân về việc chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc đã được chuẩn bị xuất hiện sau bài phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Qiu Guohong. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn phát biểu của ông đại sứ tại diễn đàn ở Seoul: "Tôi cho rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ đi thăm Trung Quốc".
Ngay trong ngày hôm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã từ chối bình luận về việc chuẩn bị cho chuyến đi. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc là láng giềng thân thiện và duy trì các chuyến thăm trao đổi ở tất cả các cấp.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu đảm nhiệm các vị trí cao nhất trong đảng và quân đội vào cuối năm 2011. Hiện thời, quá trình củng cố quyền lực đã được hoàn thành. Bằng chứng là Kim Jong-un đã loại bỏ một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất thuộc ban lãnh đạo trước đây - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng nhà nước Triều Tiên Jang Song-taek. Trước đây, có thể giả định rằng Bắc Kinh chưa vội chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh khi mà công việc chuyển giao quyền lực chưa được hoàn thành. Thế nhưng, việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên trong gần 3 năm qua chưa hề tiếp xúc cá nhân nói lên rằng trong quan hệ giữa Trung Quốc-Triều Tiên có những vấn đề không hề đơn giản.
Trung Quốc không hài lòng với sự phô trương quân sự của Triều Tiên, trong đó có các vụ thử nghiệm tên lửa và chuẩn bị thử hạt nhân mới. Có vẻ như không không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh vào năm 1992, trong chuyến thăm đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo hàng Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Hàn Quốc chứ không phải là CHDCND Triều Tiên.
Như vậy, Bình Nhưỡng được gửi tín hiệu rằng trong vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á, Trung Quốc sẽ không dựa vào ý thức hệ, mà trước hết sẽ hành động vì lợi ích chiến lược của mình. Tuy nhiên, còn sớm để nói rằng quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã trở nên lạnh nhạt.
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Konstantin Asmolov cho biết: “Có thể nói rằng quan hệ Trung-Triều đang di chuyển ra khỏi mô hình ‘anh em ruột thịt’. Nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc không còn hứng thú với CHDCND Triều Tiên và sẵn sàng làm ngơ nước này. Điều đó chỉ có nghĩa là trong chính sách đối với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ có lối tiếp cận mà tính thực dụng sẽ chiếm ưu thế. Nhưng từ quan điểm phương pháp tiếp cận thực tế, rõ ràng là Trung Quốc vẫn cần tới Triều Tiên. Vì vậy, sớm hay muộn, chuyến thăm của Kim Jong-un cũng sẽ diễn ra”.
Bắc Kinh sẽ không muốn làm hỏng sự đồng thuận chính trị đã hình thành trong quan hệ với Hàn Quốc. Do đó, nhiều khả năng, Kim Jong-un sẽ nhận được lời mời đến thăm Bắc Kinh, khi nào mà Bình Nhưỡng thực hiện các bước thực tế nhằm cải thiện quan hệ với Seoul và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên tuyên bố về quyền của nước này trong việc thực hiện các vụ thử hạt nhân và mong muốn khởi động lại lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon, chuyến thăm của Kim Jong-un tới Bắc Kinh xem ra vẫn là điều không thể.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-lanh-dao-kim-jong-un-sap-tham-trung-quoc-a52031.html