Theo tin tức cổ phiếu trên chuyên trang Đầu tư tài chính, bảng điện phiên giao dịch chứng khoán ngày 22/9 tràn ngập sắc đỏ với 455 mã giảm (29 mã giảm sàn) so với 70 mã tăng (4 mã tăng trần).
Trong làn sóng bán tháo ồ ạt, 3 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn là VCB, BID, GAS được kéo xanh, nhưng cũng không thể giúp VN Index giữ được mốc tâm lý 1.200 điểm. Kết phiên hôm nay, VN Index giảm 19,69 điểm (tương đương 1,62%) xuống còn 1.193 điểm.
Bị bán tháo mạnh nhất thị trường, nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng dẫn đầu về giá trị giao dịch. Cụ thể, Top 5 mã cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường có đến 3 mã CK là SSI (2.290 tỷ đồng), VND (1.284 tỷ đồng) và VIX (1.157 tỷ đồng).
Trước đó, cuối giờ chiều 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo về việc phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày kể từ ngày 21/09/2023, lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá là một lần đầu kỳ. Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá vào 19/10/2023.
Theo kết quả đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 9,995 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất trúng thầu đạt 0,69%/năm. Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng được công bố mới nhất vào ngày 19/9là 0,15%.
Đây là đợt phát hành tín phiếu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 3/2023 và động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa.
Thông tin này đã được lan truyền từ sáng và được cho là có ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý lên nhóm cổ phiếu “nhạy” với diễn biến thanh khoản và lãi suất, bao gồm chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.
Điều này đã được thực tế chứng minh trong phiên giao dịch 22/9, khi các nhóm ngành chứng khoán, bất động sản… có mức giảm khá mạnh, nhiều mã rớt kịch sàn với áp lực bán lớn.
Báo Người lao động dẫn lời ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) đưa ra lời khuyên nhà đầu tư chứng khoán cần bình tĩnh, vì việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về là một hoạt động bình thường của thị trường khi nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đang dư thừa. Đồng thời, việc hút tiền về sẽ làm cho cung tiền trên thị trường giảm dần, giá trị VNĐ có thể tăng lên làm hạ nhiệt tỷ giá đang nóng lên trong các ngày gần đây.
Đồng quan điểm, theo đánh giá của FIDT, việc này của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa, lãi suất liên ngân hàng đang về 0,15%/năm. Việc này cũng giúp giảm áp lực tỷ giá và hạn chế bớt đầu cơ tỷ giá.
Do đó, tin này trong ngắn hạn tác động chính về mặt tâm lý thêm yếu tố bán ròng của khối ngoại sẽ khiến thị trường điều chỉnh nhưng không quá đáng ngại. Đối với các cổ phiếu nhà đầu tư đang đợi mua có thể mua khi thị trường phản ánh tâm lý.
Trung hạn, xu hướng vĩ mô và thị trường chứng khoán vẫn tốt, việc hút thanh khoản giúp ổn định tỷ giá tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên trung hạn của thị trường chứng khoán, theo tạp chí VnEconomy.
Vân Anh (T/h)