(ĐSPL) - Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các nhà băng hạn chế tập trung vốn cho một số doanh nghiệp bất động sản lớn cũng như các dự án nhà ở cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng.
Thông tin trên VnExpress cho hay, ngân hàng nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng với bất động sản, đặc biệt là đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó, nhà điều hành yêu cầu các ngân hàng rà soát việc cấp tín dụng với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng được văn bản dẫn lại, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nhà xã hội và thương mại giá rẻ. Dự báo từ nay đến cuối năm, phân khúc này có thể dư thừa. "Do đó, đề nghị ngân hàng hạn chế và thận trọng khi xem xét, thẩm định cho vay các dự án mới, đặc biệt là dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, dự án có khả năng thanh khoản thấp", văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ảnh minh họa. |
Riêng với những dự án đang tài trợ vốn, nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại tình hình cho vay, giám sát chặt việc dùng vốn vay, tiến độ, tình hình tài chính, doanh thu và các nguồn trả nợ khác của khách để có biện pháp tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo thu hồi vay nợ đầy đủ, đúng hạn.
Đến hết tháng 7, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng trên hệ thống đang có mức độ tập trung vốn vào bất động sản khá lớn. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay từ tháng 7 đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động cho vay trong lĩnh vực này của các nhà băng.
Đồng thời với chỉ đạo "siết" vốn đổ dồn dập vào bất động sản cuối năm, Ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị tập trung cho vay đầu tư các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Trong khi các dự án bất động sản cao cấp bị siết chặt nguồn vốn thì các dự án nhà ở xã hội tínhđến hết ngày 31/8, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được trên 28.300 tỷ đồng, đạt 86,3%.
Thông tin này được phản ánh trên Báo Chính phủ, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau khi rà soát lại số tiền đã cam kết cho vay và số tiền đã giải ngân đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội (đối tượng này bị dừng giải ngân từ ngày1/6/2016) nên số tiền cam kết cho vay đối với các đối tượng này chưa được giải ngân và bị cắt bỏ gần 3.000 tỷ đồng.
Do đó, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay tính đến nay đạt 32.842 tỷ đồng và đã giải ngân được 28.344 tỷ đồng, chiếm 86,3% trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Trong đó, đối với hộ gia đình cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.181 hộ với số tiền 27.480 tỷ đồng và đã giải ngân cho 51.253 hộ vay với số tiền 22.983 tỷ đồng.
Đối với tổ chức, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 51 dự án với số tiền là 5.362 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 51 dự án vay 5.361 tỷ đồng.
Các ngân hàng rà soát việc cấp tín dụng với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng là một động thái cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro.