(ĐSPL) - Hơn ba năm, kể từ khi xảy ra vụ Thượng úy CSGT kêu giang hồ hại chết người vi phạm giao thông, nhưng vụ án này vẫn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Còn vợ nạn nhân, người đã phải một mình nuôi con từ khi chồng bị đánh chết vẫn chưa thể nguôi ngoai. Chị cũng không giấu nổi sự bức xúc, bởi bị cáo khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội.
“Ra khỏi nhà lúc chiều tối và không bao giờ quay về nữa”
Đã hơn hai năm kể từ ngày nhận hung tin chồng chết vì bị đánh, chị N.T.T vẫn chưa một ngày được thanh thản. Càng đau khổ hơn, khi kẻ cầm đầu vụ đánh chồng chị phải nhập viện và tử vong lại không thừa nhận hành vi phạm tội. Cứ mỗi lần ra tòa, chị lại khóc, bởi nỗi đau lại bị khơi lại. Trong phiên tòa vào một ngày cuối tháng Chín cũng thế, chị đã không ít lần khóc, bởi thương chồng, thương con và thương chính bản thân mình khi chị phải một mình vất vả mưu sinh để nuôi con.
Hơn hai năm trước, khi trên đường về nhà, chồng chị T. bị một tổ CSGT đang làm nhiệm vụ yêu cầu dừng xe để kiểm tra, đo nồng độ cồn. Trong lúc làm việc, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Phạm Sỹ Hoài Như (SN 1980, nguyên Thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình) là tổ trưởng tổ tuần tra thay vì gọi cho chính quyền địa phương đến hỗ trợ, lại gọi cho côn đồ đến đánh dằn mặt chồng chị. Hậu quả là chồng chị phải nhập viện, mổ gấp để bảo toàn tính mạng nhưng đã tử vong sau đó.
Các bị cáo tại tòa |
Từ ngày chồng mất, chị vừa là cha, lại vừa là mẹ của hai cậu con trai còn đang tuổi ăn, tuổi học. "Hơn hai năm rồi kể từ khi vụ án xảy ra, tôi vẫn chưa thể quên được nỗi đau trong ngày nhận hung tin chồng chết. Tôi hận kẻ đã giết chồng tôi, khiến hai con nhỏ chịu cảnh mồ côi cha. Đáng lẽ, gia đình tôi phải được hạnh phúc, vậy mà vì sự côn đồ của một số người đã khiến gia đình tôi không còn trọn vẹn". Anh ấy ra khỏi nhà lúc chiều tối và không bao giờ quay về nữa”, chị T. chia sẻ.
Nguyên Thượng úy CSGT khăng khăng chối tội
Với hành vi gọi giang hồ đến đánh người vi phạm, cơ quan chức năng xác định, Như đã có sai phạm cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 11/9/2014, Công an TP.HCM quyết định tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với Phạm Sỹ Hoài Như. Đến ngày 7/11/2014, bắt tạm giam Như để điều tra về tội Cố ý gây thương tích, nhưng sau đó Như được cho tại ngoại.
Ngày 23/9 vừa qua, Phạm Sỹ Hoài Như cùng các đồng phạm, gồm: Nguyễn Minh Chung (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), Ngô Thành Vương (SN 1996, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM), Trần Đức Vững (SN 1996, quê Quảng Ngãi) và Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997, ngụ Đắk Nông) bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử cùng về tội Cố ý gây thương tích.
Ngày ra tòa, Như mặc áo sơ mi trắng, quần jean đen và vẫn được cho tại ngoại. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, Như đều cúi đầu xuống để tránh bị chụp hình. Ngay cả khi trả lời thẩm vấn, Như cũng không nhìn lên HĐXX. Thời gian nghỉ giải lao hay nghị án, Như lại nhanh chân đi ra ngoài.
Bị cáo Chung khai rằng, chính Như là người gọi Chung đến khi anh C. không chấp hành việc xử phạt. Chung gọi cho đàn em của mình cùng đến giúp Như giải quyết công việc. Khi gặp nhau, Như nói có người kia bị lập biên bản vi phạm nhưng không ký, lại còn chửi bới tổ CSGT và kêu nhóm bị cáo đánh dằn mặt người vi phạm rồi đuổi đi cho tổ công tác làm việc. Lời khai này cũng được Vững, Vương và Hạnh xác nhận.
Trước những lời khai của nhóm bị cáo do mình gọi đến, bị cáo Như cho rằng lời khai của các bị cáo là không đúng vì Như không yêu cầu các bị cáo khác đánh anh C.. Như thừa nhận có gọi cho Chung nhờ ra đưa anh C. về vì anh C. say quá chứ không phải kêu ra để đánh nạn nhân.
Như trình bày, theo điều lệ ngành, khi gặp người vi phạm giao thông, bị xử lý mà chống đối thì báo chính quyền địa phương đến hỗ trợ. “Thế bị cáo báo cho ai khi anh C. không chấp hành”, chủ tọa hỏi. Như trả lời: “Báo cho Chung”. “Chung có phải là cán bộ hay công an phường không?”, chủ tọa hỏi tiếp. Như đáp: “Chung không phải là người của cơ quan chức năng”. Chủ tọa truy: “Vậy Chung có nghĩa vụ gì mà phải đưa anh C. về?”. Như nói: “Lúc đó anh C. đứng bên ngoài chửi dữ quá nên chỉ muốn nhờ Chung thôi”.
“Thế khi dừng xe người tham gia giao thông vi phạm mà người vi phạm chống đối thì thẩm quyền của tổ tuần tra, xử phạt giao thông được làm những gì?”, chủ tọa hỏi tiếp. Như đáp: “Không có quyền gì cả”. Chủ tọa gay gắt: “Sao lại không có. Tổ tuần tra có quyền gọi điện cho chính quyền địa phương hỗ trợ, xử lý nếu có hành vi chống đối người thi hành công vụ, hoặc xử phạt hành chính chứ”. Nghe chủ tọa nói, Như im lặng.
HĐXX cho rằng, 4 bị cáo là đồng phạm của Như đều thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng Như không nhận tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo khác, người làm chứng có đủ cơ sở kết luận Như là người gọi Chung đến đánh nạn nhân. Như là bị cáo cầm đầu vụ án. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, coi thường pháp luật nên cần thiết phải tuyên mức án nghiêm khắc. Từ đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Chung và Như cùng 12 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Vững 11 năm tù; Bị cáo Vương 9 năm tù và bị cáo Hạnh 5 năm tù cùng về tội Cố ý gây thương tích.
Ngoài bản án hình sự, các bị cáo còn phải bồi thường 241 triệu đồng tiền các phí tổn cho gia đình người bị hại. Các bị cáo còn phải trợ cấp cho hai con của nạn nhân 2 triệu đồng/tháng/cháu cho đến khi các cháu đến 18 tuổi.
Các bị cáo tại tòa Theo cáo trạng, tối 25/6/2014, anh Nguyễn Văn C. (chồng chị T.) điều khiển xe máy trong tình trạng có sử dụng rượu bia. Khi đến giao lộ Trường Chinh-Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình) thì bị một tổ CSGT (do Như làm tổ trưởng) yêu cầu dừng xe, đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, anh C. không chấp hành, cự cãi và không ký vào biên bản do CSGT lập. Như đã gọi điện cho Chung đến nơi mình đang làm nhiệm vụ. Như gọi thêm đám đàn em cùng đi. Khi nhóm Chung đến nơi, Như nói anh C. không ký biên bản và cự cãi nên kêu Chung đánh dằn mặt anh C.. Nhận “lệnh” từ Như, Chung cùng đồng phạm đã dụ anh C. ra chỗ vắng người đánh đập khiến anh gục xuống đường. Anh C. sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong. |
Công Thư
Xem thêm video:
[mecloud]WQZWYKrCfU[/mecloud]