Những năm gần đây, Việt Nam luôn là thị trường có số lượng người hâm mộ K-pop lớn hàng đầu tại khu vực châu Á. Các ca khúc "hit" của những nhóm nhạc thần tượng K-pop thế hệ đầu như H.O.T, Shinhwa, tới gen 2 như Big Bang, SNSD, DBSK... đều được yêu thích cuồng nhiệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các nhóm nhạc này tại Việt Nam vẫn còn rất ít.
Trong khi đó, các concert của các nghệ sĩ Hàn Quốc thường xuyên được tổ chức tại các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Singapore... Chỉ có vỏn vẹn một số concert của những thần tượng K-pop diễn ra tại Việt Nam thời điểm trước năm 2020 như ca sĩ Bi Rain với Rain's Coming World Tour 2007, nhóm nhạc Super Junior với Super Junior Super Show 3 in Vietnam 2011, JYJ với JYJ concert in Vietnam 2014...
Theo Dân Trí, nhận định về tình hình trên, bà Đặng Thiếu Ngân - Giám đốc đối ngoại của Naver Việt Nam cho hay: "Từ năm 2018, Vlive thuộc Tập đoàn Naver đã thực hiện chuỗi chương trình V Heartbeat, đưa rất nhiều nhóm nhạc, ca sĩ K-pop như BTS, T-ara, Super Junior, NCT… sang Việt Nam biểu diễn, không sử dụng bất cứ nguồn tài trợ nào và luôn miễn phí toàn bộ vé cho khán giả.
Tuy nhiên, rất nhiều quan chức và ông chủ các công ty âm nhạc lớn của Hàn Quốc nhận định: Việt Nam là thị trường "giới thiệu và lấy tiếng" chứ không phải thị trường "kiếm tiền".
Vì thế, trong suốt gần 3 thập niên qua, rất nhiều Đại nhạc hội có các ngôi sao K-pop xuất hiện nhưng cũng chỉ là các chương trình có tài trợ, diễn ra trong khuôn khổ giao lưu văn hóa hai nước Việt - Hàn".
Bà Ngân đưa ra quan điểm rằng hầu hết các nhóm nhạc K-pop khi debut và công ty quản lý của họ thường nhắm đến khán giả Việt Nam để đánh giá sự nổi tiếng của mình. Bởi người hâm mộ Việt Nam đã không ít lần đứng đầu trong các bảng xếp hạng cổ vũ và không ngần ngại "cày view" cho thần tượng của mình. Đối với những người kinh doanh, Việt Nam có thể không phải là một thị trường có tiềm năng lớn, nhưng đối với các nghệ sĩ K-pop, họ rất thích fan Việt Nam vì sự văn minh và nhiệt tình.
Đã có rất nhiều đoàn khảo sát và các công ty giải trí lớn đã đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường, nhưng họ đã nhận thấy rằng chưa đủ điều kiện để tổ chức các show và concert thương mại tại đây. Lý do chủ yếu không phải do cơ sở hạ tầng, vấn đề an ninh hay hệ thống cung cấp các dịch vụ...mà do khả năng chi tiêu và khả năng chịu đựng giá vé để cân bằng chi phí cho các nhà tổ chức tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Giám đốc đối ngoại của Naver Việt Nam nhận xét thêm: "Vài năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực khiến K-pop phải thay đổi cách nhìn về fan Việt Nam. Dù concert tổ chức ở quốc gia nào cũng có fan Việt tham dự trực tiếp. Album, sách ảnh, các sản phẩm khác liên quan đến thần tượng đều được fan Việt Nam mua nhiều".
Bà Ngân đánh giá, sự thay đổi này mang nhiều yếu tố tích cực: "Đã thích là phải nhích" - quan điểm này giúp người hâm mộ Việt có vị thế tăng dần đều, độ "chịu chi" cũng không cách biệt nhiều với các cộng đồng người hâm mộ nước khác. Đây là tín hiệu rất vui, vì như thế, người hâm mộ Việt Nam sẽ chẳng thiệt thòi khi cứ phải qua hàng xóm "xem nhờ". Họ sẽ trở thành chủ nhà. Và nếu có nhiều show của nghệ sĩ quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, thì nhiều ngành nghề, lĩnh vực liên quan như tổ chức sự kiện, du lịch...của chúng ta cũng có thêm cơ hội", Dân Việt thông tin.
Chính vì vậy, sự xuất hiện của BLACKPINK tại Việt Nam vào cuối tháng 7 một lần nữa khẳng định Việt Nam đang dần trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ quốc tế và khu vực. Đây chính là tin vui cho cộng đồng người hâm mộ K-pop cũng như khán giả Việt, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh hấp dẫn cho nền giải trí đang phát triển tại nước ta.
Phương Linh(T/h)