Phi công Sultan bị căng thẳng và "rối loạn cảm xúc" vì một nữ đồng nghiệp trước đó nghi ngờ ông ta không phải cơ trưởng giỏi, khiến máy bay bị chệch đường băng.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Nepal. Ảnh: AP |
Giới chức Nepal hôm 28/1 ra kết luận về thảm họa hàng không tồi tệ nhất đất nước trong vòng 26 năm, khi chuyến bay chở 71 người của hãng US-Bangla Airline đi từ Dhaka tới thủ đô Nepal bốc cháy lúc hạ cánh ở Kathmandu hồi tháng 3/2018, theo Reuters.
"Phi công tưởng rằng anh ta có thể điều khiển máy bay hạ cánh, nhưng không thể", Buddhisagar Lamichhane, quan chức Ủy ban Điều tra Tai nạn Nepal, nhắc tới cơ trưởng Abid Sultan.
Ủy ban Điều tra tai nạn Nepal (NAIC) cho hay cơ trưởng đã bị căng thẳng và "rối loạn cảm xúc" vì bị một nữ đồng nghiệp (không có mặt trên chuyến bay định mệnh) nghi ngờ về khả năng huấn luyện bay.
"Điều này, cộng với việc phi hành đoàn không tuân thủ quy trình vận hành tiêu chuẩn khi máy bay đang ở thời khắc quan trọng đã khiến phi công mất nhận thức tình huống" – báo cáo của NAIC viết.
Do phi công không nhận ra máy bay bị lệch so với hành trình ban đầu, chiếc Bombardier Q400 đã bay rất thấp về phía Bắc gần khu vực đồi núi. Cuối cùng, máy bay trượt khỏi đường băng và lao vào bãi cỏ gần đó rồi bốc cháy.
Abid Sultan, 52 tuổi, giải ngũ từ Lực lượng Không quân Bangladesh năm 1993 vì trầm cảm nhưng sau đó được xác định sức khỏe đủ điều kiện để lái máy bay dân sự. Ghi âm buồng lái và nhân chứng cho hay ông đã hút thuốc trong buồng lái suốt chuyến bay, vi phạm quy định giữ sạch buồng lái, cũng như "nói chuyện không ngừng vào những tình huống quan trọng".
Ông điều khiển cùng cơ phó là Prithula Rashid, nữ phi công 25 tuổi, người chỉ có 390 giờ kinh nghiệm bay, chưa từng hạ cánh tại Kathmandu. Chi tiết này mâu thuẫn với lời tuyên bố của phát ngôn viên hãng US-Bangla năm ngoái. Hãng hàng không này khẳng định nữ phi công từng hạ cánh xuống Kathmandu.
Hạ cánh xuống sân bay Kathmandu luôn là một thử thách với các phi công bởi nó bị địa hình đồi núi vây quanh. Năm 1992, 162 người trên một máy bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan đã thiệt mạng khi phi cơ lao vào một ngọn đồi lúc hạ cánh.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)