Một ngày trước vụ tai nạn máy bay kinh hoàng khiến 189 người thiệt mạng, phi cơ của Lion Air từng bị rơi trong vòng 27 giây do gặp trục trặc về độ cao và tốc độ bay.
Reuters ngày 30/10 dẫn lời ông Haryo Satmiko, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia Haryo Satmiko cho biết, máy bay của hãng Lion Air đã gặp trục trặc kỹ thuật trong chuyến bay trước đó.
Cụ thể, trong hành trình từ thành phố Denpasar trên đảo nghỉ dưỡng Bali tới Jarkata tối 28/10, một ngày trước vụ tai nạn, chiếc Boeing 737 MAX đã gặp một số vấn đề về độ cao và tốc độ bay khi mới cất cánh, trong đó có việc mất độ cao khoảng 267 m trong vòng 27 giây trong quá trình nâng độ cao.
Sau đó, phi công duy trì độ cao 28.000 feet (hơn 8,5 km) thay vì đạt độ cao 36.000 feet như chuyến bay trước đó trên cùng lộ trình.
Chiếc máy bay Boeing 737 MAX của Lion Air từng gặp trục trặc trước ngày gặp nạn. |
Cô Caroline - một hành khách trên chuyến bay cho biết, mọi người phải chịu nóng suốt 30 phút vì hệ thống điều hòa của nó không hoạt động. Ngoài ra, suốt quãng thời gian này, họ còn phải nghe tiếng động cơ nổ "bất thường". Cũng theo cô Caroline, một vài trẻ nhỏ bị nôn vì quá nóng.
"Khoảng 3 đến 8 phút sau thời điểm cất cánh, tôi thấy dường như máy bay mất dần năng lượng và không thể lên cao. Điều này xảy ra nhiều lần trong suốt chuyến bay. Chúng tôi có cảm giác như đang đi tàu lượn siêu tốc. Vài người hoảng loạn và nôn", hành khách Alon Soetanto chia sẻ với kênh TVOne.
Lời kể của Soetanto phù hợp với dữ liệu từ các trang web theo dõi chuyến bay, cho thấy phi cơ của Lion Air liên tục thay đổi vận tốc, độ cao và phương hướng ở những phút đầu. Đặc biệt, theo AP, tình trạng trên cũng giống với những gì xảy ra trên chuyến bay gặp nạn ngày 29/10.
Trước sự giận dữ của hàng khách, nhân viên hàng không buộc phải cho họ xuống máy bay.
Sau khi chờ đợi khoảng 30 phút trên đường băng, hành khách được yêu cầu lên máy bay trở lại trong khi bộ phận kỹ thuật kiểm tra một động cơ.
Boeing 737 MAX 8 bị rơi xuống biển khiến 189 người thiệt mạng. |
Được biết, chuyến bay đêm 28/10 hạ cánh xuống Jakarta lúc 22h55, tức các kỹ sư có tối đa 6 tiếng rưỡi để kiểm tra máy bay trước khi nó cất cánh lúc 6h20 sáng 29/10.
Chiếc Boeing 737 MAX 8 nói trên đã rơi xuống biển Java vào sáng sớm 29/10 trong lúc chở 189 người đi từ Jakarta đến đảo Sumatra. Theo giới chức Indonesia, phi công xin quay đầu sau khi bay được khoảng 2-3 phút và máy bay mất liên lạc vào phút thứ 13 của hành trình.
Giới chuyên gia hàng không khẳng định điều này cho thấy máy bay dường như gặp sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự vẫn chưa được xác định.
Nguyễn Phượng (T/h)