Trào lưu "anti vaccin" của một số bà mẹ trên mạng đang là nguyên nhân khiến dịch sở gia tăng nguy hiểm ở trẻ nhỏ.
Bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng tại các tỉnh trong cả nước. Theo đánh giá, hầu hết những trường hợp bị sởi đểu chưa tiêm phòng bệnh. Bộ Y tế cảnh báo, dịch sởi có nguy cơ trở lại như năm 2014 nếu người dân không tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn xã hội, nhiều một số phụ huynh lại lên tiếng cho rằng không nên tiêm phòng vaccine mà để cơ thể miễn dịch tự nhiên.
Riêng tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM hiện có khoảng gần 20 trẻ bị sởi đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ bị nặng, đã biến chứng viêm phổi, tiêu chảy...
Bé Nguyễn Phát Đ. (28 tháng tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) do sốt cao ba ngày rồi nổi ban nên mẹ bé cho nhập viện hai ngày qua. Chị Trần Tú L., mẹ bé chia sẻ từ khi bé được bốn tháng tuổi đến nay, nghe theo phong trào “anti vắc xin”, chị đã không cho bé tiêm phòng vì sợ con về ốm nhiều hơn.
“Từ hồi bốn tháng tới giờ, thấy con cứ nóng, bệnh hoài nên tôi chưa cho bé đi tiêm phòng vì sợ tiêm xong bé bệnh nặng hơn. Đến khi tôi muốn quay lại tiêm cho bé thì hết thuốc. Hiện giờ bé cũng chưa được tiêm mũi sởi nào cả. Tôi cũng không cho bé đi đâu, ở nhà tôi giữ bé, vẫn cho bé ăn uống đầy đủ bình thường nhưng không hiểu sao bé vẫn bệnh”, chị L. kể.
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất phòng bệnh sởi - Ảnh minh họa |
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM lo ngại việc các phụ huynh “anti vaccine”, không cho con tiêm ngừa ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ tiêm chủng. Một khi theo trào lưu anti vaccine, các phụ huynh sẽ không tiêm ngừa cho con, đồng thời làm ảnh hưởng đến những người đang lừng chừng giữa chuyện tiêm ngừa hay không. Hoặc khi con cái ốm vặt, phụ huynh sẽ không cho con tiêm tất cả các loại vaccine, không phân biệt được vaccine nào có tác động mạnh tới bé, vaccine nào an toàn và không có biến chứng nào sau khi tiêm...
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết: “Nếu không tiêm chủng, cơ thể vẫn có miễn dịch tự nhiên với bệnh sởi sau khi bị mắc bệnh. Tuy nhiên, để có được miễn dịch tự nhiên như vậy, chúng ta phải chấp nhận nguy cơ tử vong không hề thấp khi mắc bệnh. Vì vậy, tiêm phòng vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu”.
Sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do virus gây ra. Khả năng lây nhiễm của virus sởi rất mạnh. Những người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc sởi nếu nhiễm phải virus thì 90% sẽ mắc bệnh sởi.
Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm vaccine sở sẽ khiến dịch bùng phát - Ảnh minh họa. |
Theo bác sĩ Cấp, khi mắc bệnh sởi, bệnh nhân ban đầu có tình trạng viêm kết mạc: mắt đỏ, nhìn chói, chảy nước mắt. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ ho khan. Sau đó vài ngày, bệnh nhân có sốt cao, phát ban lan từ chân tóc xuống toàn thân, khi ban mọc đến chân thì ban trên mặt bắt đầu bay. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sẽ có các biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa… Các biến chứng này thường rất trầm trọng ở những người bệnh suy dinh dưỡng hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Lịch sử đã ghi nhận vào năm 1875, trong vòng 6 tháng bị dịch sởi ở quần đảo Fiji, trong số 135.000 người dân ở đây, đã có 36.000 người tử vong. Sở dĩ bệnh sởi lây lan mạnh và tử vong cao như vậy vì cộng đồng dân cư ở đây thời đó chưa có miễn dịch và virus sởi có thể lây lan tự do từ người mắc bệnh sang người lành chưa có miễn dịch.
Theo đánh giá, nếu tiêm 1 mũi thì chỉ 85% trẻ có miễn dịch và nếu tiêm đủ 2 mũi, 95% trẻ có miễn dịch đầy đủ. Nhưng khi 93% số cá thể trong cộng đồng đã có miễn dịch thì xác suất một người bệnh làm lây sang một người lành không có miễn dịch khó xảy ra nên sẽ chỉ có những ca bệnh lẻ tẻ mà không bùng phát thành dịch.
Trong dịp Tết vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại khoa vẫn từ 15 – 20 ca mỗi ngày, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa vẫn chưa được nhiều người thực hiện. Các bác sĩ đã phải điều trị rất vất vả cho bệnh nhi mắc sởi vì phải cách ly, có những bệnh nhi mang bệnh lý mãn tính, việc điều trị khó khăn hơn nhiều.
Bác sĩ Khanh nhận định, tỉ lệ tiêm chủng nếu tiêm sót mỗi năm 5% thì nhiều năm dồn lại sẽ có nhiều trẻ không được chích ngừa, việc mắc bệnh và lây lan sẽ nhanh chóng hơn, vì vậy sẽ dồn lại thành từng đợt và có thể thành dịch.
Minh Minh(T/h)