+Aa-
    Zalo

    Nguồn dầu từ Bắc Phi liệu có lấp đầy khoảng trống năng lượng châu Âu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với mức dự trữ nhiên liệu dao động từ 91-100% công suất, nhiều người châu Âu đã có thể "thở phào" nhẹ nhõm. Nhưng trên thực tế, tình hình năng lượng châu Âu vẫn còn một chút ảm đạm.

    Các chính trị gia châu Âu hiện đang tin rằng tình hình năng lượng của khu vực đã được cải thiện. Mới đây nhất, châu Âu còn tuyên bố đã chính thức thay thế được khí đốt từ Nga. Với lượng nhiên liệu dự trứ dao động trong mức 91-100%, người châu Âu có thể "thở phào" nhẹ nhõm. Viễn cảnh mùa đông sắp tới ở châu Âu cũng không còn quá tệ, đặc biệt là khi các chuyến tàu chở dầu đang tới các cảng châu Âu.

    Dù vậy, tình hình thực tế có phần ảm đạm hơn. Ngay cả khi mức dự trữ dầu của châu Âu ở mức cao nhưng hiện dầu Nga vẫn đang được chuyển tới thị trường này. Theo đó, những vấn đề hạn chế về nguồn cung có thể là một bài toán khó hơn so với tưởng tượng ở châu Âu. Bắt đầu từ ngày 5/12 tới, khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp trừng phạt mới lên Nga, nguồn cung dầu từ Moscow chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

    Trong những tháng qua, các nước khu vực Nam Âu rất tích cực đi tìm những nhà cung cấp nhiên liệu khác thay thế cho Nga. Nhiều phái đoàn từ các quôc gia này đã được cử tới Ai Cập và Algeria để thảo luận về việc gia tăng sản lượng dầu nhập khẩu và ký một hợp đồng mua bán dài hạn. Xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Ai Cập đã "bùng nổ" trong thời gian qua và dự kiến sẽ còn tăng mạnh. Cairo thậm chí còn yêu cầu người dân giảm nhu cầu tiêu thụ điện trong nước để tăng cường sản lượng xuất khẩu.

    nha may nhien lieu algeria
    Nhà máy xử lý khí đốt Krechba, Algeria. Ảnh: Reuters

    Mặt khác, Algeria, nhà sản xuất Bắc Phi lớn nhất của thị trường châu Âu, cũng đang tận dụng lợi thế. Nước này đang thảo luận về một thỏa thuận khí đốt dài hạn khác với Tây Ban Nha, Italy và Slovenia. Dù vậy, vấn đề chính trị nội bộ của Algeria có thể ảnh hưởng tới các thỏa thuận này. Theo trang tin Ả Rập Attaqa, thỏa thuận cung cấp nhiên liệu giữa Algeria và Pháp đã bị chặn do các vấn đề chính trị. Nguồn tin của Attaqa cho biết phía Algeria đã thông báo rằng thỏa thuận giữa họ và Pháp sẽ bị hoãn vô thời hạn.

    Trong khi đó, phía Pháp kỳ vọng có thể sớm đạt được thỏa thuận mua bán nhiên liệu với Algeria trước khi kết thúc năm 2022, thời điểm họ có thể mất nguồn cung khí đốt từ Nga. Với thỏa thuận này, Paris dự kiến ​​sẽ tăng nhập khẩu khí đốt hiện tại của Algeria lên khoảng 50%. Tuy nhiên, Algeria đã chính thức hoãn các cuộc đàm phán cho tới năm 2023.

    Nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu nói chung hiện vẫn chưa có sự chắc chắn. Công ty năng lượng Pháp ENGIE vẫn đang tiếp tục các cuộc đàm phán với Sonatrach thuộc sở hữu của chính phủ Algeria về sản lượng LNG và đường ống bổ sung. Nhưng các cuộc đàm phán đang đi vào bế tắc.

    Không chỉ Pháp, các nước châu Âu khác dường như cũng mong muốn dựa vào nguồn cung từ Algeria để "cai" nhiên liệu Nga. Ngày 18/11, công ty năng lượng chính của Italy ENI cho biết họ dự kiến tăng gấp đôi sản lượng nhập khẩu từ Algeria vào năm 2024. Ông Lucia Calvosa - Chủ tịch Hội đồng quản trị ENI - nhận định: "Sự thay thế đối với nguồn cung khí đốt Nga phần lớn sẽ đến từ Algeria. ENI sẽ tăng gấp đôi sản lượng nhập khẩu nhiên liệu Algeria từ 9 tỷ mét khối mỗi năm lên 18 tỷ mét khổi vào năm 2024".

    Tại Tây Ban Nha, công ty năng lượng ENAGAS cho biết hiện tại Algeria đã cung cấp 21,2% lượng khí đốt thông qua đường ống Medgaz, tức 20% tổng lượng tiêu thụ của Tây Ban Nha.

    Dù vậy, tờ Oilprice cho rằng sự lạc quan của châu Âu với tình hình năng lượng hiện nay chỉ mới dựa trên những kỳ vọng chưa thành hiện thực của họ. Nếu không đảm bảo được nguồn cung bổ sung, châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc duy trì đủ lượng khí đốt vào năm 2023.

    Trong vài tháng qua, rõ ràng là những lời hứa và hợp đồng mới của Algeria không phải là cơ sở vững chắc để đảm bảo nguồn cung cho EU. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Algeria giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 36,2 tỷ đồng. 

    Algeria có thể không mang lại sự ổn định cần thiết cho thị trường khí đốt của EU. Áp lực chính trị trong nước gia tăng và rủi ro kỹ thuật dự kiến là những kịch bản có thể xảy ra với các hợp đồng khí đốt từ Algeria. Một số người thậm chí còn lo lắng hơn về tình hình trong những tháng tới, khi ảnh hưởng của Moscow ở quốc gia Bắc Phi vẫn đang gia tăng.

    Minh Hạnh(Theo Oilprice.com) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguon-dau-tu-bac-phi-lieu-co-lap-day-khoang-trong-o-chau-au-a558394.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan