+Aa-
    Zalo

    "Người từ 75 tuổi được miễn án tử hình" gây tranh cãi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo nhiều ý kiến, đã phạm tội là phải chịu hình phạt kể cả người từ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng làm thế đi ngược truyền thống nhân đạo của dân tộc

    Theo nhiều ý kiến, đã phạm tội là phải chịu hình phạt kể cả người từ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng làm thế đi ngược truyền thống nhân đạo của dân tộc

    Quy định về không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi. Nhiều người đồng tình với quy định này vì cho rằng, đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời nó mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là một đặc ân của Nhà nước đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

    Không tử hình người trên 75 tuổi vì tính nhân đạo

    Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, những người trên 75 tuổi có những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đứng đầu các băng nhóm tội phạm, buôn lậu ma túy… nhưng thực tế không ai bị tử hình.

    Dẫn xu hướng hiện nay ở các nước là bỏ dần án tử hình, đặc biệt đối với người cao tuổi, ông Nguyễn Quốc Việt lấy dẫn chứng ở những nước vẫn còn giữ án tử hình như Nga là một ví dụ. Khi Việt Nam soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1985 có tham khảo Bộ luật hình sự năm 1960 của Nga thì có rất nhiều tội tử hình, nhưng bây giờ họ chỉ tử hình có 3 loại tội là diệt chủng, giết người có dự mưu, khủng bố. Và chính sách nhân đạo của Nga là không phạt tù chung thân và tử hình đối với những người từ 65 tuổi trở lên, không tử hình và chung thân đối với phụ nữ. “Dẫn ra như vậy để nói rằng xu hướng hiện nay là giảm án tử hình, đặc biệt là đối với người cao tuổi”.

    Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu quan điểm không nên tử hình những người từ 75 trở lên tuổi phạm tội. “Tuổi thọ của người Việt Nam trung bình là 74 tuổi. Những người trên 75 mà bị án tù thì chắc chắn ở trong nhà tù cũng không có điều kiện để sống thể thêm được nhiều. Ở tuổi ấy, người ta tính thời gian sống theo tháng chứ không phải theo năm nữa”.

    Cùng quan điểm này, GS.TS Thái Vĩnh Thắng cũng cho rằng, xu hướng chung của thế giới là giảm bớt án tử hình, nhiều nước đã bỏ hẳn án tử hình. Vì thế sửa đổi như dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, vừa hướng tới việc bảo vệ quyền con người nêu ra trong Hiến pháp 2013.

    Không nên lấy tuổi, công trạng làm yếu tố giảm án

    Trái với các quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng không nên bổ sung quy định như trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vì tuổi thọ trung bình của nước ta đã nâng cao hơn trước rất nhiều. Mặt khác, thực tế trong cho thấy, người từ 75 tuổi trở lên vẫn có thể là người đứng đầu các băng nhóm tội phạm, buôn bán ma túy….

    GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng, không nên có quy định như trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên. Tuổi thọ của con người bây giờ cũng khá cao, đã là phạm tội thì phải chịu án, không nên lấy yếu tố về giới hoặc tuổi vào để làm điều kiện giảm án.

    GS Phạm Thị Trân Châu.

    “Có chăng chỉ quy định hoãn án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai vì liên quan đến tính mạng một đứa trẻ sắp ra đời. Còn khi đứa trẻ đã ra đời, người mẹ bị tử hình thì xã hội sẽ có giải pháp trong việc chăm sóc đứa trẻ, chứ đừng dùng mẹo liên tục chửa đẻ để thoát án tù như vẫn thường xảy ra. Vì thế không nên đưa việc từ 75 tuổi trở lên thì không áp dụng án tử hình vào trong luật, mà quy định này nên để ở các văn bản dưới luật, khi đó muốn sửa chữa gì thì sẽ dễ hơn”- GS Trân Châu nói.

    Ông Nguyễn Viết Chức, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội của MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, trong nhiều luật ở nước ta hay xét đến khía cạnh có công trạng, phụ nữ yếu đuối… để lấy đó làm cơ sở để giảm tội. Tuy nhiên, cần phải xem xét rõ ràng công-tội, có công thì trả công, có tội thì phải chịu tội.

    “Tội tử hình hay tất cả các tội khác phải dựa trên tội danh và tội đó phải chịu mức án nào. Từ thời Lê, kể cả hoàng thân quốc thích người ta tuy có dựa vào nhân thân nhưng cũng quy định khá rõ yếu tố nào được miễn và không được miễn. Đã có tội là phải chịu tội, chứ không thể nói vì anh tuổi già hay là phụ nữ yếu đuối”- ông Chức nói.

    Ông Chức cũng nhấn mạnh không nên quy định bỏ thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên. “Ở nước ta nhiều việc cứ phải phụ thuộc vào tuổi. Như thế không chính xác mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác, sức khỏe, trình độ, đạo đức… Nên bỏ ngay quy định như trong dự thảo, mà khi quy kết nên tính vào tội danh. Tội danh đó gây ra mức độ thiệt hại đến đâu, hậu quả như thế nào. Không phải chỉ căn cứ vào việc gây thiệt hại là bao nhiều tỷ, hay giết bao nhiêu người mà có khi đối tượng chưa giết người nhưng hậu quả làm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Phải tính đến mức độ nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra”.

    Ông Nguyễn Viết Chức.

    Ông Chức cũng đồng tình với xu hướng chung là giảm án tử hình, thậm chí không còn án tử hình nhưng phải căn cứ vào tình hình xã hội, căn cứ vào thực tiễn. “Với những tội phạm ra tay tàn bạo như thời gian vừa qua, sát hại một lúc 4-5 người thì không thể nào tha thứ được. Nhưng quan trọng phải xử nghiêm, đúng người đúng tội. Ta nên học hỏi quốc tế, nhưng phải xét trong điều kiện xã hội của nước ta để quy định một cách phù hợp”.

    Theo VOV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-tu-75-tuoi-duoc-mien-an-tu-hinh-gay-tranh-cai-a111388.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.