(ĐSPL) -Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu giúp bà vượt qua tất cả sự trắc trở của cuộc sống để đến với ông. Ngày bà già 60 tuổi dắt người yêu về nhà kết duyên vợ chồng, khiến mọi người vừa cảm động vừa thán phục.
Gần 20 năm kiên trì nhẫn nại theo đuổi chăm sóc, bà mới nhận được cái gật đầu đồng ý của ông. Vì trong thâm tâm ông luôn sợ mình trở thành gánh nặng đối với người phụ nữ vốn đã chịu muôn vàn cực khổ ấy: "Tui đau ốm, em chăm sóc được, còn lúc em đau ốm tui có làm được chi mô".
Bà Thương nguyện dắt ông đi hết cuộc đời. |
Những phận đời bất hạnh
Khi nói về cuộc đời mình, ông Nguyễn Trai (SN 1951, ngụ xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) không giấu nổi những nét u buồn trong đôi mắt mình. Sinh ra trong một gia đình có đến bốn anh em ở vùng đồi núi Bình Thành.
Nhưng ông không được may mắn như những người anh em của mình bởi từ nhỏ đã mắc bệnh hiểm nghèo khiến đôi mắt ngày càng yếu đi và mù hẳn. Mỗi lần nhắc lại chuyện này, giọng người đàn ông bất hạnh ấy chùng xuống. Hàng ngày, để giúp cha mẹ già lo cái ăn cho cả gia đình, ông nhận trông con giúp cho hàng xóm. Sợ con phải sống lủi thủi một mình khi về già, cha mẹ nhiều lần nhờ người mai mối cho ông.
Thế nhưng mỗi lần cha mẹ xúc tiến chuyện cưới xin thì ông Trai một mực từ chối với lý do không thể thuận theo lời cha mẹ để suốt cả một đời làm khổ người ta được. "Bởi, phận tui như một cái vung méo mó", ông Trai lý giải. Đến khi cha mẹ qua đời, một mình ông sống lầm lũi vì không muốn làm khổ ba người anh em nghèo khổ của mình.
Năm 1992, khi hội Người mù huyện Hương Trà (nay là thị xã Hương Trà - PV) được thành lập, ông xin tham gia làm chổi đót, tăm tre tự nuôi sống bản thân. Cũng tại đây, ông gặp và nên duyên với người vợ cả của mình. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi cậu con trai mới chập chững những bước đầu đời thì vợ ông ra đi vì bạo bệnh.
Ngồi cạnh bên, bà Nguyễn Thị Thương mắt ngân ngấn lệ kể về cuộc đời mình: "Bố tui mất sớm, một mình mẹ làm lụng vất vả nuôi hai con. Học đến lớp 6, thằng Sinh (em trai tui) vào Đắk Lắk học nghề thợ mộc khi nào thành nghề thì về quê mở tiệm. Nào ngờ, nghề chẳng học được, còn hắn thì mắc chứng điên điên khùng khùng. Lúc bình thường thì không răng hết, lúc hắn lên cơn thì dữ dằn lắm, chửi bới chẳng trừ một ai".
"Hết em rồi đến mẹ tui mắc bạo bệnh. Cơn bạo bệnh không chỉ quật ngã khiến mẹ tui nằm liệt giường mà còn cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của bà. Hàng ngày bà ra chợ Bao Vinh bán hành, tỏi kiếm lời. Cứ thế, cuộc sống cơ cực của gia đình, khiến tui chẳng dám nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân, bỏ mặc tuổi xuân xanh trôi theo thời gian. Thấy con gái buôn bán cực khổ ở chợ, người mẹ bệnh tật của tui không đành tâm ngồi im một chỗ, xin vào làm thêm tại một cơ sở từ thiện do hội Người mù huyện Hương Trà đứng ra thành lập. Ngày ngày, những câu chuyện của mẹ tui đều nhắc đến hoàn cảnh của một người đàn ông mù tên Trai rất chăm chỉ làm việc, dắt theo một cậu con nhỏ vừa chăm con vừa cố gắng làm thật nhiều tăm, nhiều chổi để lo cho cuộc sống hai cha con", bà Thương kể tiếp.
“Em chỉ có một trên đời”
Đến bây giờ, dù đã ở chung với nhau, thế nhưng những ấn tượng về lần gặp đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà Thương. Một người mắt không thấy gì mà vót tăm nhanh thoăn thoắt, lại chăm con từng li từng tí, coi con như báu vật. Mãi sau này, bà Thương mới biết người vợ trước của ông mất cách đó vài năm, vì thế ngoài tình yêu với ông Trai, bà còn có thêm tình yêu của người mẹ dành cho con.
Bỏ mặc những lời tán tỉnh của những người đàn ông khác, bà một mực chỉ quan tâm đến cha con ông Trai. Mỗi lần nhận gạo, giao hàng cho trung tâm giúp mẹ, bà đều tranh thủ lại gần trò chuyện với ông. Sau gần năm năm gần gũi, được sự vun vén của mọi người xung quanh bà đã vượt qua định kiến "cọc đi tìm trâu", mở lời đề nghị được về sống chung để tiện chăm sóc cho hai cha con.
Bà Thương ân cần chăm sóc cho ông Trai sau mỗi ngày lao động vất vả. |
Lúc nghe bà Thương mở lời cầu hôn, ông Trai không tin vào tai mình vì quá bất ngờ. ông bảo: "Nghe bà nói rứa thật sự tui quá bất ngờ và sợ. Suốt một ngày, tui nghĩ đúng một chuyện lúc tui đau ốm, em chăm sóc được, còn ngược lại thì tui có làm chi được mô. Đến với nhau, tui chỉ làm khổ em thêm". Nghĩ đến đây, ông nhất quyết từ chối lời cầu hôn của bà, với lý do trên đời này còn có nhiều người đàn ông khỏe mạnh tốt bụng hơn ông.
Tưởng sự từ chối dứt khoát của ông, khiến bà nhụt chí, nhưng hàng ngày với chiếc xe đạp cọc cạch bà vẫn đều đặn lui tới chăm sóc cậu con trai, dọn dẹp căn phòng nhỏ cho ngăn nắp, nấu cho hai cha con bữa cơm tươm tất rồi lại tất tả quay về. Lần nào bà đến, cậu con trai nhỏ của ông Trai là Nguyễn Minh lại quấn lấy bà không cho về. Công việc đó cứ lặp đi lặp lại đều đặn suốt gần hai mươi năm, quãng thời gian quá đủ để chứng minh tình yêu của bà.
“Tôi có sáng mắt cũng không tìm được ai như bà ấy”
Mãi đến năm 2011, sự kiên trì nhẫn nại của bà mới có kết quả, khi ông Trai dám mở lòng, nói lời xin lỗi và cầu hôn bà Thương. Nhận được cái gật đầu đồng ý của bà, ông liền dẫn người phụ nữ của mình về quê ở xã Bình Thành (thị xã Hương Trà) làm lễ ra mắt: "Tui dẫn vợ về làm mâm cơm ra mắt họ hàng, ai cũng vui, cũng dành nhiều lời chúc mừng cho vợ chồng tui. Tui thấy hạnh phúc!".
Không có một đám cưới đúng nghĩa, không có người đưa cau trầu, không có tiếng chúc tụng, nhưng bà Thương vô cùng hạnh phúc với vị trí là người mẹ chính thức trong mâm cơm với cha con ông Trai. Điều đáng nói con ông Trai cũng có hiện tượng loà mắt nên thị lực rất kém.
Dù mỗi ngày số tiền công ít ỏi kiếm được từ bán vé số, cùng chiếc xe đẩy chỉ từ 50- 60 ngàn đồng, nhưng nó ấp ủ rất nhiều kế hoạch lớn của vợ chồng ông bà. Trước tiên trả hết số nợ vé số bị cướp giữa đường. Lúc đang đi bán ở phố cổ Bao Vinh, một phụ nữ đi xe tay ga mua một tờ vé số và đưa tờ 500 ngàn đồng. Trong khi bà Thương đi đổi tiền để thối, người phụ nữ này tráo đổi vé số cũ lấy đi 300 tờ vé số chưa mở thưởng rồi bỏ đi. Lần khác, bà Thương bỏ quên vé số giữa đường, bị mất hơn 350 tờ. Hai lần đó, ông bà phải đền cho đại lý hơn 3 triệu đồng. Đến giờ ông bà vẫn chưa trả hết nợ.
Có tiền, vợ chồng ông dự định sửa lại căn nhà, xây lại cái bếp để có chỗ nấu ăn. Nghe chuyện, những người hàng xóm của ông chọc vui: "Sợ ông Trai có tiền làm nhà, có tiền sẽ đi ưng mấy em trẻ đẹp nên không trúng số". ông cười sảng khoái bảo: "Nhà thì mấy cái mình cũng mơ, chứ em thì chỉ có một thôi. Có sáng mắt mình cũng chẳng tìm ra người thứ hai". Cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn, thế nhưng chúng tôi tin rằng tình nghĩa vợ chồng, tình yêu đích thực sẽ đem đến những ngày hạnh phúc cuối đời cho họ.
Khát vọng bình yên Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết: "Tình yêu mà bà Thương, ông Trai dành cho nhau là điều hiếm thấy trong xã hội hiện nay. Dù gia đình bà Thương thuộc diện khó khăn khi bản thân bà sức khỏe yếu, còn em trai (tức ông Sinh - PV) thường xuyên đau ốm, nhưng vẫn quyết tâm đón cha con ông Trai về ở với gia đình mình. Hiện nay ngoài việc được hưởng các chế độ chính sách dành cho người nghèo, người tàn tật thì chính quyền địa phương cũng đang cố gắng tìm nguồn vốn để hỗ trợ nhằm hoàn thiện việc sửa chữa căn nhà cho vợ chồng bà Thương, trước mùa mưa bão năm nay". |