Theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 6/2, Công an Hà Nội cho biết, Công an quận Đống Đa đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng liên quan đến vụ việc một người phụ nữ nhận cuộc gọi thông báo cập nhật dữ liệu dân cư.
Theo đó, vào cuối tháng 1, chị N. (trú tại quận Đống Đa) nhận được cuộc gọi của một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an phường Phương Mai thông báo chị chưa làm định danh mức 2, cần cập nhật thông tin trong hệ thống.
Sau đó, thêm một người tự xưng là cán bộ Công an quận Đống Đa hướng dẫn chị cập nhật thông tin mà không cần tới trụ sở và gửi link truy cập tải phần mềm Dichvucong.apk, quét vân tay và nhận diện khuôn mặt.
Thực hiện xong thao tác, chị N. phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 500 triệu đồng. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, ngày 18/1, Công an TP. Hà Nội phát đi cảnh báo về chiêu thức lừa đảo bằng ứng dụng dịch vụ công giả mạo, qua đó chiếm đoạt tiền rất nhiều người, trong đó có người đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Công an TP. Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2024 (tính đến ngày 18/1/2024), Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng. Trong đó, bị hại bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng, ít nhất là 252 triệu đồng.
Tới ngày 24/1, Công an TP. Hà Nội tiếp tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trên. Trong thông báo phát đi, Công an TP. Hà Nội dẫn chứng một bị hại là ông P. (SN 1963, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
“Mới đây, ông P. nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm đề nghị ông tích hợp mã định danh tại nhà. Sau đó, đối tượng yêu cầu ông tải phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Sau khi đăng nhập, ông P. phải quét camera nhận diện trong phần mềm. Đến ngày hôm sau, ông P. phát hiện ra tài khoản chứng khoán bị mất quyền kiểm soát, bị bán và chuyển hết tiền cho tài khoản khác. Tổng số tiền bị mất là 3 tỷ đồng”, Công an TP. Hà Nội thông tin.
XEM THÊM: Xe bán tải biển lao xuống vực sâu, cán bộ biên phòng cùng bạn tử vong trên đường về quê ăn Tết
Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng.
Nếu cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.
“Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật”, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, báo Công Thương thông tin.
Thục Hiền (T/h)