(ĐSPL) - Bình trùm chăn bông lên người bé Dũng rồi chèn chắc hai tay để bé không thể quẫy cựa. Khi thấy bé Dũng nằm im, Bình vớ con dao đầu giường cắt vào cổ tay mình.
Khi màn đêm buông xuống ng là lúc con người phải đối diện với mình nhiều nhất. Ai đó nghĩ rằng bóng tối có thể che đậy mọi thứ xấu xa nhưng với những người phạm tội, bóng tối có thể lấp phủ cả đêm dài nhưng không thể xóa đi mặc cảm về tội lỗi mà họ đã gây ra. Phạm nhân Cao Thị Bình, SN 1985, trú ở thôn 6, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng vậy.
Những đêm dài trong trại giam cũng là lúc quá khứ trỗi dậy mạnh mẽ nhất, đau đớn nhất, dù rằng nỗi đau ấy đã được chôn sâu dưới đáy miền ký ức…
|
Giọt nước mắt hối hận của người mẹ trót sát hại con thơ.(ảnh minh họa) |
Thách nhau ly dị, thách nhau… chết
Tính đến nay, phạm nhân Cao Thị Bình đã thụ án đuợc gần 3 năm tại trại 05 (Yên Định - Thanh Hóa), với cái án 12 năm tù thì Bình chưa đi hết 1/4 chặng đường. Song, với hơn 800 ngày trong trại giam cũng là khoảng thời gian dài đằng đẵng trong lòng người mẹ tội lỗi này.
Dù sinh ra trong gia đình bố mẹ chỉ làm nông nghiệp, nhưng từ nhỏ Bình đã được chiều chuộng nên không phải làm lụng vất vả. Học hết lớp 9, Bình nghỉ ở nhà rồi đi học may. 16 tuổi, Bình như đóa hoa rực rỡ khoe sắc. Chính vì vậy, cô được rất nhiều trai làng để ý, trong số đó anh Lê Vạn Vụ, SN 1977 ở cùng xã. Kết tinh của một tình yêu đẹp giữa Bình và anh Lê Văn Vụ là một đám cưới vào năm 2006. Vậy nhưng, nỗi bất hạnh bất ngờ ập xuống khi đứa con trai đầu lòng của Bình chào đời mắc bệnh đao bẩm sinh. Bình choáng váng khi biết con mình sẽ không được bình thường. Nhưng với tất cả tấm lòng và niềm tin của tình mẫu tử, Bình vẫn hy vọng, một phép màu nào đó sẽ đến với đứa con bé bỏng của mình. Với niềm tin đó, Bình đã đặt tên con là Vạn Hùng. Nhưng qua một thời gian, mặc dù đã được cả gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, nhưng con Bình vẫn đặt đâu nằm đấy. Trong khi đó, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, khiến vợ chồng Bình phát sinh nhiều mâu thuẫn. Vì chăm con nên Bình cũng không còn thời gian để may vá. Bình bàn với chồng vay tiền mua đất, mở quán bán hàng tạp hóa nên cuộc sống có phần đỡ khó khăn hơn. Dù vậy, thu nhập kiếm được cũng chỉ đủ cho sinh hoạt hàng ngày chứ không thể trả được khoản nợ hơn 100 triệu đồng.
Rồi bé Lê Vạn Dũng, đứa con thứ 2 của Bình chào đời khỏe mạnh, nhưng cuộc sống gia đình cũng chẳng được cải thiện. Trong khi đó, những mâu thuẫn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt cứ tích tụ dần dần, kéo dài cộng với nợ nần khiến cuộc sống của họ trở nên mù mịt, tưởng như không có ngày mai…
|
Ngôi nhà xảy ra vụ án kinh hoàng trước đây. |
Khi cuộc sống trở nên bế tắc, con người ta thường hay tin vào tâm linh. Những phán đoán không có căn cứ của thầy bói đôi khi lại tạo thành sức mạnh làm thay đổi tâm thức của một con nguời, và Bình đã rơi vào trường hợp như vậy. Hy vọng như sụp đổ dưới chân Bình khi thầy bói phán rằng, bé Dũng, con của Bình rồi cũng sẽ tật nguyền, bất hạnh như người anh của nó. Đúng lúc giữa 2 vợ chồng đang cãi vã về chuyện tiền bạc thì bố đẻ Bình hỏi đòi tiền nợ (ông không biết vợ chồng Bình đang có chuyện). Không có tiền, Bình gọi điện cho chồng nhưng anh hờ hững bảo “ai vay thì người đó trả”. Nghe chồng nói thế, Bình vô cùng ấm ức, cô cho rằng chồng không có trách nhiệm cùng với mình trong việc giải quyết nợ nần nên vặc lại. Hai vợ chồng thách nhau ly dị rồi thách nhau… chết. Khi ấy Bình chỉ nghĩ cái chết mới là lối thoát của mình nhưng sau khi mình chết thì ai sẽ là người nuôi con ?!
Trong dòng suy nghĩ mông muội ấy, như ma xui quỷ khiến, Bình đã có một quyết định động trời là đưa con… chết theo mình. Nhìn những đứa con thơ ngây chưa biết cuộc đời là gì, Bình càng đau khổ hơn. Đêm hôm đó, Bình thức suốt đêm, hết nhìn ngắm bé Hùng lại quay sang nhìn bé Dũng, lòng cô đau quặn thắt. Suy nghĩ quẩn quanh khiến đầu óc Bình như mê muội. Cô muốn tất cả phải chấm dứt, có như thế thì bản thân và tương lai của các con mới đỡ “mờ mịt”. Nghĩ quẩn, cô quay sang nhìn đứa con trai 6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành. Nhìn đôi má phúng phính của cậu con trai thơm mùi sữa, Bình khóc. Cô thương nó bởi nếu mai cô chết đi, nó sẽ chẳng còn nơi bấu víu. Thế là Bình đi xuống bếp. Cô lấy một con dao dài để tự sát. Rồi cô để dao trên đầu giường, quyết định “đưa” cháu Dũng đi trước.
Trong giây phút điên dại, Bình đã dùng chăn bông trùm lên người bé Dũng rồi chèn chắc hai tay để bé không thể quẫy cựa. Khi thấy bé Dũng nằm im, Bình vớ con dao đầu giường cắt vào cổ tay mình. Không biết số trời định hay do sợ chết mà cả 4 vết cắt vào động mạch không làm Bình chết. Khi sờ thấy con đã tắt thở, Bình choáng váng lấy chăn phủ kín mặt con rồi đóng cửa bỏ đi. Trong cơn vô định, Bình không biết mình đi đâu, không biết đã đi bằng cách nào. Cô chỉ biết mình đi cho đến khi nghe tin có người nói về chuyện cháu bé bị chết ngạt, Bình như sực tỉnh, quay về...
Vẫn mong con sớm quay về
Hình ảnh những đứa trẻ được ôm ấp trong vòng tay mẹ tại nhà trẻ của phân trại 04 (nơi trông giữ con của các nữ phạm nhân) ngày nào cũng ám ảnh Bình. Giờ đây, chỉ cần nghe một tiếng trẻ cười hay khóc cũng như một nhát dao cứa vào tâm can Bình. Bình đã đem con của mình đến với cuộc sống này rồi lại tự tay mình tước đi sự sống của nó. Nỗi đau đó còn để lại cho cha mẹ, chồng và đứa con trai đầu lòng tật nguyền của Bình. Dù họ có tha thứ cho cô hay không thì nỗi đau vẫn còn đó vẫn chất chứa nơi sâu thẳm trái tim…
Vẫn tường rêu phong, mái ngói cũ… đó là ngôi nhà mà bà Nguyễn Thị Khoa, mẹ chồng phạm nhân Cao Thị Bình và cháu Lê Vạn Hùng đang sinh sống. Năm nay, Hùng đã 7 tuổi, lẽ ra ở độ tuổi này, cháu đã có thể cắp sách tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng cậu bé này vẫn như đứa trẻ lên 2.
“Mỗi khi ôm cháu vào lòng, trong bà lại thấm thía nỗi đau. Lòng bà quặn thắt khi nghĩ đến đứa cháu xấu số, xót xa cho gia cảnh tan tác của đứa con trai mình. Con dâu vào tù, cháu trai chết thảm còn đứa cháu tật nguyền này ngày mai cũng chẳng biết ra sao. Nhiều đêm ôm cháu vào lòng mà tôi không cầm được nước mắt, càng nghĩ càng làm tâm can tôi rối bời”, bà Khoa nói trong nước mắt.
Giá như lúc ấy, Bình chia sẻ những khó khăn với người thân, giá như Bình đừng tin vào lời thầy bói, giá như vợ chồng Bình biết chia sẻ với nhau nhiều hơn... giá như… Những “giá như” đó đã là quá muộn màng với người phụ nữ trẻ nhưng cánh cửa tương lai vẫn còn hé mở.
Vừa làm cha, vừa làm mẹ thay con, bà Khoa từ lâu đã tha thứ cho đứa con dâu tội lỗi. Bà kể: “Có nhiều người khuyên thằng Vụ là vợ nó như thế thì bỏ đi mà kiếm đứa khác tử tế hơn nhưng tôi thì khuyên con mình rằng thôi thì con thương lấy thằng Hùng, con hãy cố gắng chờ đợi, chờ cái Bình về, nó gây ra tội như thế nhưng nó biết hối lỗi thì sau này sẽ sống tốt hơn với con. Cái Bình trước giờ về làm dâu thì tôi cũng không có điều tiếng gì, giờ cũng chỉ mong nó sớm về, vợ chồng sum họp nuôi lấy thằng Hùng cho trọn tình, trọn nghĩa”.
Câu chuyện buồn của cuộc đời Cao Thị Bình còn có lời cảnh tỉnh về tệ nạn mê tín dị đoan trong cuộc sống ngày hôm nay. Sức mạnh của những lời nói đó có thể quật đổ lương tâm của một con người, khiến họ gây nên những nghiệp chướng khó tha thứ. Đó là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của Bình. Gần 3 năm suy ngẫm, cô hiểu ra rằng, không có lối thoát nào mang tên cái chết, mọi lối thoát phải được mở bằng chính sự cảm thông và cố gắng của chính những người trong cuộc. Bất chợt đâu đó có tiếng ru con văng vẳng từ xa, Bình bần thần ngẫm nghĩ và hy vọng…
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-me-sat-hai-con-de-roi-tu-van-vi-tin-loi-thay-boi-a31024.html