+Aa-
    Zalo

    Người mẹ nghi ném con ở Linh Đàm phải đối mặt với án phạt nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia pháp lý cho biết để xác định tội danh nào áp dụng cho người mẹ nghi ném con từ tầng 31 chung cư Linh Đàm cần căn cứ vào thời điểm cái chết của cháu bé là trước

    Chuyên gia pháp lý cho biết để xác định tội danh nào áp dụng cho người mẹ nghi ném con từ tầng 31 chung cư Linh Đàm cần căn cứ vào thời điểm cái chết của cháu bé là trước hay sau hành vi tàn nhẫn của người mẹ. 

    "Hổ dữ còn không ăn thịt con"

    Mới đây, người dân vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước việc một bé sơ sinh bị ném từ tầng 31 của chung cư Linh Đàm (Hà Nội) xuống đất.

    Cơ quan chức năng nhanh chóng xác định mẹ bé sơ sinh là Đinh Thị V.A (SN 1997, quê tại xã Yên Hòa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Quá trình đấu tranh tại cơ quan công an, Đinh Thị V.A thừa nhận vừa sinh con, tuy nhiên cháu bé sau khi sinh bị tử vong nên V.A đã vứt con xuống đất qua cửa sổ nhà vệ sinh.

    Luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

    Nhận định về sự việc này, luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Do nạn nhân trong vụ việc này là cháu bé sơ sinh chưa quá 7 ngày tuổi nên chúng ta đối chiếu ngay tới quy định tại Điều 124, BLHS năm 2015 về tội Giết hoặc Vứt bỏ con mới đẻ. Theo đó: “1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

    Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Thành thì: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được hiểu là trường hợp người mẹ phạm tội do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết hoặc vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi. Người phạm tội này thường là những người mẹ ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; Những nhóm người lạc hậu do phong tục, tập quán cổ hủ tin vào ma tà hoặc do rơi vào tình trạng quẫn bách mà không còn cách nào khác buộc phải thực hiện một hành vi ngoài ý chí chủ quan của người mẹ đó.

    “Còn theo tôi, trong trường hợp này, người mẹ vứt bỏ con mới đẻ là một sinh viên, một người có học thức, có văn hóa, lại ở giữa thủ đô, không bị bất cứ phong tục tập quán hay hoàn cảnh khách quan nào can thiệp đến mức phải vứt bỏ con mình. Bởi vậy, trong vụ việc này rất khó có thể áp dụng tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124, BLHS 2015 đối với đối tượng V.A. Thay vào đó, người mẹ này có thể phải đối mặt với tội danh Giết người theo quy định tại Điều 123, BLHS. Khi đó, mức hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Thành nêu quan điểm.

    Xác định thời điểm nạn nhân tử vong để áp dụng tội danh

    Một câu hỏi tiếp theo được đặt ra, trường hợp đứa trẻ chết sau khi bị ném xuống đất hay chết trước khi bị ném xuống đất thì xử lý người mẹ này về tội danh gì?

    Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp

    Giải đáp câu hỏi này, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Theo lời khai ban đầu của đối tượng V.A khai tại cơ quan công an là đứa trẻ đã chết trước khi bị vứt bỏ. Về nguyên nhân cái chết của cháu bé sẽ được cơ quan chức năng xác minh bằng thủ tục giám định pháp y. Nhưng cho dù đứa trẻ này bị chết trước hay sau khi bị ném xuống sân thì hành vi của người mẹ trẻ này là vô cùng tàn nhẫn và đáng bị lên án.

    Theo quan điểm của luật sư Cường, nếu kết quả giám định pháp y cho thấy đứa trẻ đã chết trước khi bị ném xuống sân thì người mẹ trẻ này có thể bị xử lý về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, theo quy định tại Điều 319, BLHS năm 2015. Mức hình phạt cao nhất của tội này có thể lên tới 07 năm tù.

    Còn trong trường hợp, kết luận giám định pháp y xác định đứa trẻ bị vứt xuống mới chết thì người mẹ “hổ dữ” có thể bị xử lý về tội Giết người theo Điều 123, BLHS năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

    Luật sư Cường nói thêm, trong quá trình điều tra, xác minh nếu phát hiện người mẹ trong vụ án này có biểu hiện trầm cảm sau sinh, tâm lý bất thường, không tỉnh táo, minh mẫn thì có thể đi giám định tâm thần để xác định mức độ, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi trước trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội để có hình thức xử lý phù hợp.

    Trong trường hợp kết luận giám định tâm thần xác định người mẹ trẻ này vì bệnh lý mà mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi nên mới ném con qua cửa sổ thì người phụ nữ này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh. Còn trong trường hợp, kết luận giám định tâm thần cho thấy người phụ nữ này vẫn còn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình, hoặc trong trường hợp bị hạn chế điều khiển hành vi do bệnh lý thì người mẹ trẻ này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh nêu trên.

    Người liên quan bị coi là có tội khi nào?

    Đối với những người liên quan đến vụ án, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lấy lời khai của đối tượng, của người làm chứng, tiếp tục thu thập các chứng cứ, tình tiết của vụ án và thực hiện việc giám định pháp y để xác định nguyên nhân chết làm căn cứ để giải quyết vụ án.

    Trong trường hợp xác định những người có mặt tại thời điểm người mẹ trẻ đó vứt bỏ đứa con mà có những hành vi như xúi giục, có những lời nói có tính chất kích động tinh thần hoặc tạo những điều kiện vật chất thuận lợi để người mẹ thực hiện hành vi ném đứa con qua cửa sổ thì những người này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý giống như người mẹ trẻ này. Cụ thể, nếu người mẹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người giúp sức cũng sẽ bị xử lý về cùng một tội danh với vai trò là người đồng phạm.

    Còn trong trường hợp, những người có mặt tại thời điểm người mẹ ném con qua cửa sổ không có tác động cũng như không cùng ý chí thực hiện hành vi ném đứa trẻ qua cửa sổ thì những người này chỉ là những người làm chứng và không phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả mà người mẹ trẻ này đã gây ra. "Tình tiết này cơ quan điều tra cũng cần làm rõ để tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm”, luật sư Cường nhấn mạnh.

    Tư Viễn
    Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-me-nghi-nem-con-o-linh-dam-phai-doi-mat-voi-an-phat-nao-a248301.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan