Vụ việc bà Vòng Ngọc Huyền yêu cầu được nhận lại tinh trùng của con trai ruột đang lưu giữ tại bệnh viện Từ Dũ để con dâu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đã đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý: Tinh trùng có được xem là tài sản hay không? có thuộc về quyền nhân thân? có trở thành di sản thừa kế không?
Luật sư Lê Quang Vy |
Thực tế trên thế giới
Trên thế giới việc người vợ lấy tinh trùng của người chồng đã chết để thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con đã không còn quá xa lạ. Pháp luật của nhiều nước theo đó cũng tạo ra một thiết chế chặt chẽ để điều chỉnh vấn đề này.
Nếu như Mỹ cho phép người vợ được lấy tinh trùng của chồng đã chết để mang thai thì Anh quốc lại không cho phép được thực hiện việc này. Hiệp hội Sức khỏe Sinh sản Hoa Kỳ cho rằng việc lấy tinh trùng của người chết chỉ được chấp thuận nếu người yêu cầu là người phối ngẫu hay bạn đời của người đã mất và cần phải có thời gian tưởng niệm trước khi tinh trùng được đưa vào sử dụng. Việc lấy tinh trùng có thể được thực hiện trước hoặc sau khi người chồng chết, trường hợp lấy sau khi người chồng chết, Hiệp hội này còn cho phép rằng nếu một bác sĩ hay bệnh viện không thấy thoải mái trong việc thực hiện quy trình này, họ có thể chuyển xác của người chết cho bệnh viện khác, bác sĩ khác thực hiện. Đối với Anh quốc họ không cho phép việc lấy tinh trùng của người đã chết trừ khi người đàn ông đã viết giấy tờ cho phép trước đó. Đối với trường hợp đã lấy trước khi chết, thì tinh trùng không được giữ lại quá thời hạn 10 năm mà không có giấy đồng ý gia hạn. Ở Queensland, Úc đã có trường hợp một phụ nữ bị từ chối quyền thu giữ và bảo quản tinh trùng sau khi chồng cô qua đời.
Sở dĩ một số nước quan điểm không cho việc lưu giữ và sử dụng tinh trùng của người đã chết để thụ thai là bởi vì họ cho rằng nếu làm như vậy sẽ không đảm bảo được quyền lợi của đứa trẻ khi sinh ra, việc làm này được cho là chỉ hướng đến lợi ích và nhu cầu của “người lớn” mà không quan tâm đúng mực tới việc sẽ tác động đến đứa trẻ như thế nào. Chính điều này đã ảnh hưởng đến quyền con người của đứa trẻ được sinh ra.
Ca sinh con đầu tiên từ tinh trùng người chồng đã chết ở Việt Nam diễn ra vào năm 2013. Cụ thể người chồng đã chết 3 năm trước đó do một tai nạn giao thông, người vợ ngay sau đó đã lấy tinh trùng từ thi thể của người chồng để lưu giữ và sử dụng. Một cái kết viên mãn khi người vợ đã sử dụng tinh trùng lưu giữ và sinh đôi hai bé trai khỏe mạnh.
Bà Vòng Ngọc Huyền mong mỏi được nhận tinh trùng của con trai để con dâu thụ tinh trong ống nghiệm |
Pháp luật có cần điều chỉnh phù hợp?
Đối với vụ việc của bà Vòng Ngọc Huyền (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) gần đây, bà Huyền có người con trai duy nhất là anh T. đã mất. Trước khi qua đời, người con này có gửi tinh trùng tại bệnh viện Từ Dũ. Hiện, bà Huyền muốn nhận lại tinh trùng của con trai để thụ tinh trong ống nghiệm cho người con dâu (con trai bà và con dâu chỉ mới tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn). Yêu cầu của bà Huyền liệu có phù hợp với luật pháp hiện hành?
Dẫn chiếu tới Nghị định 10/2015/NĐ- CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, “tinh trùng” được định nghĩa là giao tử của nam. Việc lưu giữ tinh trùng phải được thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm để lưu giữ, bảo quản tinh trùng phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Người lưu giữ theo đó sẽ ký một hợp đồng dân sự với cơ sở lưu giữ (trừ trường hợp hiến) và đóng phí lưu giữ.
Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng nhận được thông báo kèm bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi thì phải hủy số tinh trùng của người đó, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản. Người vợ sau đó có thể sử dụng tinh trùng này (được quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định 10/2015/NĐ-CP).
Như vậy, luật pháp Việt Nam đã có những quy định tiến bộ về việc sử dụng tinh trùng của người đã chết. Đối với trường hợp của bà Huyền, mặc dù con trai bà và con dâu đã có đám cưới trên thực tế, tuy nhiên giữa hai người lại chưa đăng ký kết hôn. Do đó, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, họ không được luật pháp công nhận là vợ chồng. Vì thế cô con dâu của bà Huyền sẽ không có tư cách để quyết định việc tiếp tục lưu giữ và sử dụng tinh trùng của người quá cố. Về phía bà Huyền, theo quy định, bà không phải là đối tượng quyết định việc lưu giữ và sử dụng tinh trùng được lưu giữ tại bệnh viện Từ Dũ của con trai bà.
Vấn đề đặt ra, vậy tinh trùng có được xem là tài sản để trở thành di sản của người quá cố? Điều 612 của Bộ luật Dân sự 2015, Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Điều 105 Bộ luật này cũng quy định tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”, là động sản hoặc bất động sản. Cũng như nhiều nước trên thế giới, luật Dân sự Việt Nam phân chia tài sản làm hai loại là động sản và bất động sản.
Như đã đề cập ở trên, Nghị định 10/2015 có định nghĩa tinh trùng là giao tử của nam, vậy tinh trùng có được xem là tài sản như quy định của Bộ luật Dân sự? Nếu như Quyền sản nghiệp của một con người bao gồm các nghĩa vụ và các quyền lợi (quyền đối vật, quyền đối nhân, quyền trí năng) của người đó thì tinh trùng sẽ là một Quyền ngoại sản nghiệp.
Bởi các Quyền ngoại sản nghiệp là những quyền lợi thuộc về bản thể con người, có chủ đích thỏa mãn những nhu cầu tinh thần không có tính cách kinh tế. Tuy nhiên, nếu cho rằng tinh trùng thuộc về quyền nhân thân cũng không chính xác. Bởi quyền nhân thân là một quyền bất khả chuyển nhượng, không được mua bán, tặng cho, thừa kế (ngoại trừ đối với trường hợp các thừa kế có quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và sự toàn vẹn tác phẩm của người quá cố). Trong khi đó luật pháp không cấm người đàn ông được quyền cho tinh trùng của mình, hoặc người đàn ông có quyền để lại chúc thư trao tinh trùng của mình cho người vợ được quyền sử dụng.
Ngày nay, khoa học ngày càng phát triển nhanh chóng, luật pháp chưa theo kịp với thời đại. Để giải quyết những trường hợp đã xảy ra trong thực tiễn như vụ việc của bà Huyền nêu trên, luật pháp không thể đứng ngoài cuộc. Xã hội luôn sống động vì thế luật pháp cần phải sống động để theo kịp nhịp đập của xã hội. Đã đến lúc các nhà lập pháp nghĩ đến “Quyền thừa kế tinh trùng”...
Trước nguyện vọng của bà Huyền, bệnh viện Từ Dũ không đồng tình vì cho rằng chị D. (vợ anh T.) và cả bà Huyền không có quyền theo pháp luật hiện hành. Có ý kiến cho rằng, về vấn đề pháp luật có thể sẽ phải bàn cãi thêm vì chưa có quy định cụ thể về thừa kế tinh trùng, thừa kế ở đây chỉ có thừa kế tài sản. Tuy nhiên, về mặt nhân văn bệnh viện Từ Dũ nên chiều theo yêu cầu của người mẹ và người vợ để thực hiện ý nguyện cho người đã mất.
Luật sư Lê Quang Vy - Nguyễn Thị Hằng
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 57