(ĐSPL) - Người lao động đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập-xê-út không hề mất chi phí, tiền đặt cọc nhưng khi sang lao động bị ngược đãi, bỏ đói nơi xứ người.
Mới đây, chúng tôi nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị, tại Long Xuyên, An Giang với nội dung vợ ông là bà Nguyễn Thị Hòa đi xuất khẩu lao động tại Ả - rập - xê- út nhưng bị ngược đãi về thể xác lẫn tinh thần. Trước tình hình đó, gia đình đã nhiều lần lên làm việc và đóng tiền cho phía công ty môi giới xuất khẩu để bà Hòa được về nước trước hạn nhưng đến nay vẫn vô vọng.
Ông Nguyễn Mạnh Trị (bên phải) kêu cứu với mong muốn sớm đưa vợ về nước - Ảnh: PV |
Theo đó, trong đơn cầu cứu ông Nguyễn Mạnh Trị cho biết vợ ông là bà Nguyễn Thị Hòa được công ty Tân Hoàng Minh, địa chỉ: 118 Nguyễn Hồng Đào, P.14, Q. Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh đưa đi xuất khẩu lao động tại Ả - Rập - xê - út từ ngày 11/06/2016, nhưng trên mặt giấy tờ là công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt. Tuy nhiên, khi sang bên đó, vợ ông bị đối xử tệ bạc, vi phạm nghiêm trọng hợp đồng lao động.
Trong đơn cầu cứu ông viết: "Vợ nói ở đây khổ lắm, làm việc vất vả từ 05h30 sáng đến 12h00 khuya, có khi tới 2h-3h sáng mới được nghỉ mà chủ nhà không cho ăn, chỉ được ăn mì gói. Do vợi tôi có tiền sử bệnh trĩ với hạ huyết áp nên đã tái phát, ngày thêm nặng. Có hôm đang làm việc, chủ nhà cũng lấy cớ đánh vợ tôi ngất xỉu rồi đem vào nhà vệ sinh đổ nước vào mũi rồi đánh tiếp bằng dây điện..."
Nhận được thông tin trên, gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị đã tới làm việc với ông Cù Cao Cường – giám đốc công ty Tân Hoàng Minh và được yêu cầu viết đơn tự nguyện xin cho người lao động về nước trước thời hạn, đồng thời nộp 33 triệu tiền làm thủ tục, mua vé máy bay cho bà Hòa trở về nước trong vòng 15 ngày.
Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Mạnh Trị - Ảnh: PV |
Mặc dù gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị đã nộp đủ số tiền 33 triệu đồng cho công ty Tân Hoàng Minh từ ngày 26/09/2016 nhưng đến nay đã hơn 60 ngày mà bà Hòa chưa được về nước. “Phía công ty thì hẹn hết lần này tới lần khác với lý do còn phải phụ thuộc vào môi giới bên kia” – trích đơn kêu cứu của ông Nguyễn Mạnh Trị.
PV đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Cù Cao Cường - GĐ công ty du lịch và dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh để xác minh thông tin và nhận được câu trả lời: "Công ty Tân Hoàng Minh chỉ tuyển và giới thiệu lao động chứ không trực tiếp đưa bà Nguyễn Thị Hòa đi xuất khẩu lao động. Hợp đồng xuất khẩu của bà Hòa là hợp đồng với công ty Cổ phần đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt chứ công ty Tân Hoàng Minh không ký hợp đồng".
Về khoản tiền 33 triệu đã nhận từ phía gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị, ông Cù Cao Cường cho biết: "Trong phiếu thu, tôi cũng đã ghi rõ là giữ hộ tiền để làm thủ tục và mua vé máy bay vì phía công ty Tân Hoàng Minh không có chức năng thu và không phải là công ty đưa đi". Ông Cù Cao Cường nói ông đã nhiều lần gọi gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị lên nhận lại tiền nhưng gia đình không lên.
Trao đổi với PV, phía gia đình ông Nguyễn Mạnh Trị xác nhận có được ông Cù Cao Cường gọi lên nhận lại tiền nhưng khi đúng hẹn đến công ty thì đều không gặp được ông Cù Cao Cường với lý do ông đi công tác.
Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh và cập nhật thông tin về vụ việc!
Điều 44. Quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền sau đây: 1. Yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài; 2. Hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật này; 3. Được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập; 4. Chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động; 5. Hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật; 6. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Tuấn Dũng