VietNamNet dẫn thông tin từ New York Post cho hay, bác sĩ Thomas J. Shakvovksy bị cáo buộc "nhiều lần mắc lỗi phẫu thuật nghiêm trọng" và "hành vi làm giả hồ sơ y tế" liên quan tới cái chết của ông William Bryan (70 tuổi, ở bang Alabama, Mỹ) vào ngày 21/8.
Trước đó, trong chuyến đến bang Florida cùng vợ, ông Bryan đột ngột bị đau bụng dưới bên trái nên đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ nghi ngờ nam bệnh nhân có vấn đề ở lá lách nên đề nghị ông nhập viện để xét nghiệm thêm. Phim chụp ghi nhận ông có lách to và tụ máu trong phúc mạc.
Bác sĩ Shaknovsky đã liên tục đề nghị ông Bryan nội soi cắt lá lách nhưng bệnh nhân từ chối, muốn quay lại quê nhà Alabama. Tuy nhiên, sau 3 ngày, ông Bryan đã nhượng bộ vì bác sĩ cho hay lượng hemoglobin suy giảm.
"Các bác sĩ liên tục nói rằng việc di chuyển ông ấy là quá nguy hiểm, lá lách có thể bị vỡ gây chảy máu đến tử vong và họ cần phải phẫu thuật ngay", luật sư Joe Zarzaur cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào chiều 21/8. Khi này, các nhân viên y tế bày tỏ lo ngại rằng bác sĩ Shaknovsky không có đủ trình độ kỹ năng để thực hiện thủ thuật này một cách an toàn do vị bác sĩ theo chuyên khoa xương.
Sau khi ca phẫu thuật bắt đầu, bác sĩ Shaknovsky nhanh chóng quyết định chuyển từ nội soi sang phẫu thuật mở bụng do bệnh nhân xuất huyết và ruột già căng phồng.
Sai sót khi xử lý các mạch máu của phẫu thuật viên khiến bệnh nhân bị ngừng tim. Các nhân viên y tế buộc phải truyền máu khẩn cấp và thực hiện hồi sức tim phổi cho ông Bryan. Lúc này, bác sĩ Shaknovsky vẫn tiếp tục ca mổ và cắt bỏ lá gan thay vì lá lách của bệnh nhân.
Các nhân viên y tế đã bị sốc khi bác sĩ Shaknovsky nói với họ rằng lá gan trên bàn mổ là lá lách, thậm chí ông còn yêu cầu dán nhãn gan là “lá lách” và gửi đến khoa bệnh lý. Sau đó, ông Bryan bị tuyên bố đã tử vong do phình động mạch lách.
Được biết, sau ca phẫu thuật, bác sĩ Shaknovsky còn nói với vợ của ông Bryan rằng "lá lách" bị bệnh to gấp bốn lần bình thường và đã "di cư" sang bên kia cơ thể bệnh nhân. Có vẻ như vị bác sĩ này không nhận ra sai lầm của mình ở thời điểm phẫu thuật.
Đến khi nhà nghiên cứu bệnh học kiểm tra mô của ông Bryan, cơ quan bị cắt bỏ mới được xác định là gan chứ không phải lá lách. Gia đình cũng được thông báo rằng lá lách - nguồn gốc của các triệu chứng ban đầu khi đến bệnh viện, vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân và có một u nang nhỏ trên bề mặt.
Qua khám nghiệm tử thi, đó là một u nang đã vỡ và chảy máu xung quanh nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí không cần truyền máu.
“Việc xác định nhầm gan là lá lách của bệnh nhân không phải là một sai lầm nhất thời. Mặc dù đã chuyển sang phẫu thuật mở để tăng khả năng quan sát, người mổ vẫn cắt từng phần bám vào bụng của gan ông Bryan”, bản cáo buộc sai sót của bác sĩ Shaknovsky viết.
Khi nhóm pháp lý của luật sư Zarzaur bắt đầu điều tra cái chết của ông Bryan, họ phát hiện đây không phải lần đầu bác sĩ Shaknovsky phẫu thuật nhầm bộ phận trên cơ thể bệnh nhân.
Năm 2023, bác sĩ này đã cắt nhầm một phần tuyến tụy của bệnh nhân thay vì cắt bỏ tuyến thượng thận như dự kiến tại cùng một bệnh viện. Vụ việc được dàn xếp bí mật và ông Shaknovsky vẫn là bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện này.
Phía luật sư cho hay, sau cái chết của ông Bryan, bác sĩ Shaknovsky vẫn điều trị cho bệnh nhân và vẫn có quyền vào phòng phẫu thuật. Vợ ông Bryan muốn đệ đơn kiện hình sự và dân sự về cái chết của chồng vì không muốn thấy bác sĩ Shaknovsky điều trị cho bất kỳ bệnh nhân nào nữa.
Luật sư Zarzaur cho biết vẫn chưa nộp đơn kiện sơ suất y tế vì luật Florida yêu cầu các bên phải trải qua "giai đoạn trước tố tụng" kéo dài từ 6 - 9 tháng, nhằm xác định xem liệu vấn đề có thể được giải quyết mà không cần nộp đơn kiện hay không.
Trong khi đó, Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Walton cũng đang điều tra cái chết của ông Bryan. Theo luật sư Zarzaur, bác sĩ Shaknovsky có thể phải đối mặt với cáo buộc sơ suất gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện bệnh viện nói rằng đang điều tra kỹ lưỡng về vụ việc, sẽ không bình luận về các trường hợp bệnh nhân cụ thể hoặc các vụ kiện tụng đang diễn ra để đảm bảo riêng tư cho bệnh nhân.