Tờ Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, khoảng 4 tiếng sau khi ăn 1/2 con so biển vào bữa tối, nam bệnh nhân N.V.H. (50 tuổi, trú tại Giếng Đáy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng tê miệng, tê chân tay, đi lại khó khăn. Sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.
Theo lời kể của người bệnh, ông làm nghề chài lưới trên biển, đã nhiều lần ăn so biển với số lượng lớn hàng chục con cùng 3-4 người.
Qua khai thác thông tin, thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ xác định nam bệnh nhân bị ngộ độc so biển, nhanh chóng xử trí thải độc theo phác đồ. Sau 24 tiếng điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, còn cảm giác tê tay, yếu chân và đau đầu.
Liên quan đến ca bệnh, VietNamNet dẫn lời bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, so biển chứa tetrodotoxin – chất có độc tính rất mạnh, bền vững với nhiệt, không bị tiêu hủy khi chế biến.
Độc tố gây ảnh hưởng chủ yếu trên thần kinh, đặc biệt gây là liệt, ngoài ra còn tác động đến tim mạch và tiêu hóa.
Liều độc rất thấp đã có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Việc này khiến bệnh nhân nhanh chóng bị suy hô hấp, thieeys oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo nghiên cứu y khoa, độc tố tetrodotoxin có trong so biển tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ cao hơn.
Ngoài so biển, cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển… cũng chứa độc tố tetrodotoxin.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo mọi người cần thận trọng phân biệt giữa so và sam khi sử dụng để chế biến món ăn, tuyệt đối không ăn các món từ con so. Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu với loại chất này, vì thế người có các triệu chứng bất thường sau ăn so biển cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Đinh Kim(T/h)