Sản phụ T.B.T. (28 tuổi, ngụ tại Phong Điền) được đưa đến Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ rạng sáng 15/3 trong tình trạng chuyển dạ, theo Tri thức trực tuyến.
Chị T. được mổ lấy thai cấp cứu với chẩn đoán suy thai trên cơ địa mẹ thiếu máu. Ngay thời điểm này, các bác sĩ xác định khả năng thai phụ có nguy cơ cao bị băng huyết sau sinh. Vì vậy, trong cuộc phẫu thuật, nhiều bác sĩ chuyên khoa cùng với đầy đủ phương tiện dự phòng băng huyết, ngân hàng máu được triệu tập.
Với sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp bác sĩ Hồi sức tích cực, Sản khoa và Nhi sơ sinh, bé trai nặng 3,2 kg chào đời khỏe mạnh, hồng hào, khóc tốt.
Về tình trạng sản phụ T., ngay sau khi đưa em bé ra ngoài, bác sĩ phẫu thuật đã kiểm tra, nhận thấy tử cung gò kém, nhau bám chảy nhiều máu.
Ngay lập tức, kíp mổ dùng các thuốc tăng gò tử cung tích cực kết hợp khâu thắt động mạch tử cung 2 bên, khâu diện nhau bám đồng thời khâu ép tử cung cầm máu cho sản phụ bằng mũi khâu B-Lynch. Phương pháp này giúp bảo tồn tử cung, duy trì khả năng sinh sản trong tương lai cho sản phụ.
Sau phẫu thuật, sản phụ qua giai đoạn nguy hiểm, không còn tình trạng chảy máu. Hiện tại, sức khỏe mẹ và bé ổn định.
BS.CKII Nguyễn Thái Hoàng - Trưởng khoa Hậu phẫu, đờ tử cung là hiện tượng tử cung không co hồi lại thành khối cầu an toàn dẫn tới tình trạng chảy máu sau sinh. Phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là yếu tố quyết định làm giảm thiểu tối đa hậu quả của băng huyết sau sinh, theo Sức khỏe & Đời sống.
Để dự phòng băng huyết sau sinh, các sản phụ nên đăng ký khám thai và theo dõi thai định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và quản lý thai kỳ cẩn thận.
Cũng theo BS Hoàng, với những sản phụ có nguy cơ như: sinh con rạ, thai to, đa ối, đa thai, tiền căn băng huyết sau sanh, rối loạn đông máu,... cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa lớn có đầy đủ điều kiện và đơn vị hồi sức tích cực để được chăm sóc và hỗ trợ y tế kịp thời.
Linh Chi (T/h)