Chịu không nổi tình trạng ô nhiễm không khí từ nhà máy thép, người dân lại tiếp tục dựng lều, barie để phản đối. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, rất nhiều lần người dân tổ chức phản đối vì không chịu nổi ô nhiễm.
Từ ngày 5/12 đến tận chiều ngày 6/12, hàng trăm người dân của thôn 7A, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) tập trung dựng lều, lập barie ngay trước cổng nhà máy thép Việt – Pháp để phản đối việc công ty đã xả khói độc từ việc nấu thép ra môi trường.
Theo người dân địa phương, rất nhiều lần họ yêu cầu nhà máy cải thiện mùi hôi, khói và tiếng ồn nhưng được một thời gian rồi đâu lại vào đó khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, sức khỏe của người dân sống xung quanh bị giảm sút...
Người dân tập trung dựng lều trước cổng nhà máy thép không cho xe chở thép đi vào bên trong |
Bà Trần Thị Anh, nhà ở cách hàng rào nhà máy thép này khoảng 50m bức xúc: “Dân chúng tôi ở đây phải hít những mùi hôi rất khó chịu ngày này qua ngày khác. Ngoài ra, ban đêm khi đóng cửa đi ngủ, khói từ nhà máy xộc vào nhà ai cũng nghẹt thở, tức ngực...”
Người dân cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay, họ đã phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường này. Sau mỗi đợt người dân bao vây, ngành chức năng có xuống giải quyết, nhưng sau một thời gian thì đâu lại vào đấy, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Ông Bình, một người dân ở gần nhà máy đã tập trung trước cổng nhà máy phản đối ô nhiễm, bức xúc cho biết: “Chúng tôi phản đối nhiều lần, lãnh đạo nhà máy có hứa sẽ giảm thời gian nấu để giảm ô nhiễm nhưng gần đây, nhà máy hoạt động hết công suất, chúng tôi chịu không nổi”.
Do người dân tập trung dựng lều và chứng ngại vật ngay trước cổng nhà máy thép nên hai ngày nay, hoàng loạt xe tải chở thép phế liệu không thể vào bên trong nhà máy nên khoảng 200 công nhân buộc phải nghỉ việc.
Trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Đào, Trưởng Công an xã Điện Nam Đông cho biết, sau khi người dân tập trung phản đối nhà máy thép, công an xã có cử lực lượng đến để đảm bảo công tác an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Đào cũng cho hay, lãnh đạo xã và ngành chức năng của huyện Điện Bàn cũng đã xuống nhà máy làm việc, còn hướng giải quyết như thế nào thì chưa biết.
Về việc nhà máy thép Việt – Pháp gây ô nhiễm, báo Dân trí có nhiều bài phản ánh “Người dân vẫn bao vây nhà máy thép ô nhiễm”, “Sau đối thoại, người dân vẫn không cho nhà máy thép hoạt động”... Người dân cho rằng, việc nhà máy gây ô nhiễm cũng không hoàn toàn do đơn vị này, mà do chính quyền huyện Điện Bàn trước đây không cân nhắc kỹ khi cho xây dựng nhà máy thép gần khu dân cư.
Nếu nhà máy xây dựng trong khu công nghiệp tập trung và xa khu dân cư thì người dân sẽ không phản ứng, đằng này nhà máy thép Việt – Pháp vừa gần khu dân cư, vừa gây ô nhiễm thì người dân buộc phải phản ứng. Theo người dân, một là nhà máy di dời, hai là người dân phải di dời đi nơi khác chứ không thể “sống chung” như hiện nay được.