Đoạn đường làm dang dở rồi bỗng dừng thi công nhiều năm nay khiến hàng chục hộ dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi các căn nhà bắt đầu mục nát nhưng không được xây mới.
Căn nhà cấp 4 của ông Thắng xuống cấp nghiêm trọng. |
Sống "treo" hàng chục năm
Đầu năm 2020, gia đình ông Nguyễn Kế Thắng (SN 1976), trú xóm 4, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bắt đầu tiến hành xây dựng ngôi nhà 2 tầng bên cạnh ngôi nhà cũ mục nát. Thế nhưng, vừa làm thì cả gia đình ông Thắng lại vừa lo các cơ quan chức năng sẽ đến bắt dừng lại. “Nhìn nhà to đẹp xây lên thì trong lòng tôi rất vui mừng, bởi mùa mưa bão mọi người có nơi chui ra chui vào an toàn. Nhưng tôi cũng rất lo lắng bởi sau này nếu như công trình đường N5 thi công thì họ sẽ bắt đập nhà, lúc đó gia đình tôi biết sống như thế nào”, ông Thắng nói.
Ngôi nhà cấp 4 cũ của gia đình ông Thắng được xây vào năm 1983. Ngôi nhà hiện là nơi ở của đại gia đình 7 người với 3 thế hệ trong một thời gian dài. Thế nhưng, sau hơn 35 năm đưa vào sử dụng, ngôi nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Mái ngói dột nát, mọt ăn sâu khiến những thanh xà chống đỡ ngôi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng. Thậm chí, sau cơn bão năm 2019, ngôi nhà có dấu hiệu muốn sập đổ, vì vậy ông Thắng phải dùng thanh tre làm cột để chống lên.
“Nhà thì thấp nên tối tăm và ẩm ướt quanh năm. Do điều kiện khó khăn nên gia đình vẫn chưa sửa được, sau này chúng tôi nghĩ là xây luôn nhà mới nên để vậy sống tạm. Hơn chục năm trước, gia đình bàn tính việc xây nhà thì công trình đường N5 triển khai, họ yêu cầu chúng tôi giữ nguyên hiện trạng. Ai cũng nghĩ công trình này chỉ khoảng 1 đến 2 năm thì sẽ xây xong nên cố gắng chờ đợi, không ngờ rằng đến thời điểm hiện nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Trong khi đó nhà tôi sắp sập đến nơi rồi, mấy lần tôi lên UBND xã “ăn vạ”, xin phép đủ kiểu để cho sửa chữa”, ông Thắng kể.
Trước nguy cơ sập nhà, quá bí bức, gia đình ông Thắng đã chụp ảnh nhà bị sập sệ và làm đơn lên chính quyền để xây nhà mới. Không những thế, ông Thắng phải cam kết xây nhà là để ở chứ không phải xây nhà để lấy tiền đền bù của Nhà nước. Cho đến nay ngôi nhà đã được hoàn thiện phần thô, chỉ hơn nửa tháng hoàn thiện nữa là cả gia đình sẽ được vào ở ngôi nhà mới.
Gia đình ông Nguyễn Kế Thắng là một trong những hộ nằm trong dự án xây dựng đường N5 do Ban quản lý các dự án khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 582 ngày 23/12/2008. Công trình quy mô dài gần 7km, rộng 56m. Tuyến đường thiết kế đi qua các xã: Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá và Nghi Hợp của huyện Nghi Lộc, với tổng mức đầu tư 760 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án đã thi công xong 4,3km qua các xã Nghi Thuận và Nghi Long. Tuy nhiên, cuối năm 2009, dự án thi công đến khu nghĩa trang Đồng Vông, thuộc xã Nghi Xá thì bất ngờ tạm dừng cho đến thời điểm hiện nay.
“Xây dựng nhà mới sẽ ảnh hưởng đến dự án”
Có mặt tại khu vực đường N5 thuộc xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, chúng tôi ghi nhận công trình đang dở dang nhưng không hề có sự xuất hiện của máy móc hay công nhân nào. Từ QL1 vào thì đã có khoảng 2km hoàn thành với hệ thống đèn điện, tuy nhiên từ khu vực ngay giữa đồng vào khu dân cư thì không thấy tiếp tục triển khai.
Nhiều đoạn đường trở thành nơi để rác của người dân. Ngoài ra, hai chiếc cầu cũng dần xuống cấp, các thanh lan can trên thành cầu hoen gỉ. Đường làm dang dở khiến các hộ dân tự mở nhiều lối mòn để đi, cứ mưa xuống là bùn đặc quánh không thể di chuyển được.
Ông Phùng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã Nghi Xá thông tin, dự án N5 ảnh hưởng tới 14 hộ dân và hơn 50ha đất nông nghiệp. Khi biết dự án được xây dựng sẽ có đoạn đường nối từ QL1 đến cảng Cửa Lò thì người dân ai cũng mừng. Lúc đó, họ sẵn sàng nhường đất, nhà để con đường được khởi công. Thế nhưng nhiều năm nay con đường bị bỏ dở.
“Người dân đã đề nghị UBND xã giải quyết để họ xây nhà nhưng chúng tôi không biết xử lý thế nào. Nếu cho dân xây dựng thì sai quy định, không cho làm thì dân không có nhà ở. Xã đã nhiều lần có ý kiến lên các cấp nhưng con đường vẫn chưa được tiếp tục thi công”, ông Hồng nói.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc xác nhận: “Dự án tạm dừng nhiều năm khiến cho người dân không thể xây nhà, không thể tách thửa. UBND huyện cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Khu kinh tế Đông Nam và UBND tỉnh tìm phương hướng giải quyết nhưng vẫn chưa được. Chúng tôi cũng mong muốn làm đường N5 càng sớm càng tốt để tạo điều kiện cho dân có chỗ ở ổn định”.
Về việc này, ông Đinh Đăng Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án khu kinh tế Đông Nam cho biết, nguyên nhân đường N5 phải tạm dừng là do chưa có kinh phí. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đoạn từ Km 4 + 300 đến Km 6 + 937 qua các xã Nghi Xá và Nghi Hợp đang tạm dừng.
“Ban quản lý các dự án khu kinh tế Đông Nam đã có công văn gửi UBND xã Nghi Xá để trả lời kiến nghị các hộ dân. Nếu nhà dân bị xuống cấp thì mọi người có quyền sửa chữa để ở, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc các hộ dân kiến nghị được xây dựng nhà mới trong phạm vi dự án, sẽ gây ảnh hưởng đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư xây dựng dự án cũng như tài sản của người dân”, ông Khánh nói.
Phía Ban quản lý các dự án khu kinh tế Đông Nam cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn trung hạn cho dự án là 430 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 2021 - 2026 và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, Ban quản lý các dự án khu kinh tế Đông Nam đề nghị UBND xã Nghi Xá tuyên truyền, vận động các hộ dân được biết và có phương án khắc phục phù hợp.
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật số 40