Gần 10 năm nay, một số người dân đã cắm chốt, dựng lều tại khu vực Km34 Quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, để kiếm sống bằng cách... nhặt tiền.
Lái xe thả tiền vì sợ "dớp"
Đoạn đường có ngôi miếu tưởng niệm vụ tai nạn giao thông năm 2009 thường được cánh lái xe thả tiền lẻ - Ảnh: VOV. |
Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy xác nhận hiện tượng trên đã diễn ra trên địa bàn từ nhiều năm nay. Nguyên do là năm 2009, có một ngôi miếu được lập cạnh đường sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thế rồi từ đó, nhiều lái xe mê tín khi qua đoạn đường này thường thả những đồng tiền lẻ với tâm lý cầu an. Phần lớn là tiền mệnh giá thấp 1-2 nghìn đồng, tuy nhiên cũng có lúc tới 50-100 nghìn đồng, tùy theo "tâm thành" của lái xe.
Hiện tượng này thường xuyên xảy ra tại những khu vực thường có tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người. Mà đoạn đường này đúng là một "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Do lưu lượng xe di chuyển qua đoạn đường này quá lớn nên số lượng tiền được thả ra nhiều hơn bất cứ đâu.
Và thế là nơi đây đã hình thành một đội quân bao gồm những cụ ông, cụ bà lớn tuổi chuyên túc trực từ sáng đến tối để nhặt tiền. Cứ mỗi khi có một tờ tiền lẻ bay qua cửa sổ xe là ngay lập tức có người chờ sẵn cạnh miếu băng ra đường để nhặt tờ tiền lên.
Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn luôn dày đặc phương tiện qua lại - Ảnh: VOV. |
Thu nhập khá khẩm từ việc nhặt tiền lẻ
Xe vừa qua là có người lao ra đường nhặt tiền - Ảnh: VOV. |
Theo quan sát của PV thì chỉ trong vài chục phút, trên Quốc lộ 1, đoạn qua thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, đã có hơn 10 lái xe thả tiền xuống đường và tất cả số tiền này đều ngay lập tức có người đón sẵn để nhặt.
Ông Kiềng Văn Việt, 64 tuổi, một "nhân viên" nhặt tiền 'chuyên nghiệp' cho biết: “Nhà tôi ngay đây này... Mỗi ngày bình quân cứ 100 nghìn, đấy là còn nhiều người, chứ mỗi mình nhặt thì ngày phải 300-400 nghìn. Cứ vào Rằm, ngày 30, ngày mùng 1, nhà xe người ta đỗ lại thả quà, tiền nhiều lắm”.
Như vậy tính ra, mỗi tháng một người cũng nhặt được ít nhất là 3 triệu đồng, đây quả là thu nhập không nhỏ cho những người lớn tuổi vốn không còn làm được việc nặng nữa. Do vậy, có người đã dựng cả lều sát đường để che mưa che nắng, chia ca trực từ 5 giờ sáng tới 7 giờ tối nghiêm chỉnh.
Thậm chí dựng cả lều, chia ca từ sáng tới tối - Ảnh: VOV. |
Hậu quả của việc nhặt tiền
Tuy nhiên mọi vấn đề đều có hai mặt của nó. Việc lao ra đường nhặt tiền trong khi các loại ôtô tải, xe container, xe máy... di chuyển dày đặc với tốc độ nhanh khiến nhiều người đã bị xe đâm phải.
Chị Mã Ngọc Dung, người dân sinh sống gần đó cho biết: “Ở đây xe khách với các loại xe nhiều lắm, từ lúc cái miếu này lập lên, mấy người nhặt tiền ở đây bị tai nạn mấy lần rồi, bị gãy chân”.
Còn ông Kiềng thì thanh minh: "Mình nhặt mình nhìn xe chứ, không nhặt thì tiền người ta vứt xuống phí đi. Cái ông già kia, ông ấy nhặt tiền bị ôtô tông 3 lần mà không chết."
Chính quyền địa phương cũng ý thức được sự nguy hại của tình trạng này. Việc các phương tiện phải ngừng lại khi có người nhặt tiền hay tai nạn đã gây cản trở giao thông cho đoạn đường đông đúc này.
Ông Hoàng Văn Phách cho biết: “Xã đã làm công tác tuyên truyền, trước đây sinh hoạt thôn đã có định hướng, phối hợp với công an để tuyên truyền bà con không ra nhặt tiền, nó nguy hiểm quá chứ xã cũng không bố trí được lực lượng túc trực để xử lý”.
Liệu rải tiền có thật "linh nghiệm" không?
Theo TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), trước đó không hề có chuyện rải tiền thật trong đám tang hay tai nạn trên đường. Mãi về sau này, một số người nhiều tiền mới làm ra việc này rồi có người học theo và lầm tưởng đó là phong tục tập quán.
Mong muốn những điều tốt đẹp hơn cho người đã khuất của nhiều người là hoàn toàn chính đáng, nhưng mọi người không biết rằng, việc rải tiền là việc không nên làm. Nó không chỉ gây lãng phí mà còn khiến người đi đường gặp nguy hiểm, gây mất mỹ quan đô thị.
“Thực tế đây chỉ là một biện pháp trấn an về mặt tâm lý chứ không có một ý nghĩa nào. Việc rải tiền thật hay tiền vàng mã chỉ là nghi thức tín ngưỡng của nhân dân. Đối với thế giới người âm cho dù chúng ta đưa tiền thật thì với thế giới đó cũng là tiền giả.
Đồng tiền thật vứt cho người chết tuy có mệnh giá nhỏ nhưng cũng không nên ném đi ở đường như vậy. Chúng có thể gây ra những hậu quả không lường được trước như gây tai nạn cho người nhặt.
Trên thực tế, vì mải nhặt những đồng tiền thả ra từ các vụ tai nạn, đám tang mà đã có người tử vong. Chúng ta nên tôn trọng đồng tiền quốc gia, vận động mọi người không nên vứt bỏ tiền”, TS Vũ Thế Khanh nhấn mạnh.
Theo Hòa thượng Thích Nguyên Quang (Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa), đạo Phật không chủ trương rải tiền vàng. Trong đám tang, các gia đình thường mời các sư thầy về hành lễ, nhưng việc hành lễ đó không hề nói tới chuyện vàng mã cũng như bày vẽ lễ lạt tốn kém. Việc rải vàng mã thực sự là một hủ tục, gây phung phí, ô nhiễm môi trường. Mọi người thay vì tốn kém vào việc rải vàng mã, tiền nên nghĩ đến chuyện làm những việc thiện, có ích cho người khác.
Việc thả tiền ở đám tang hay những nơi xảy ra tai nạn có người chết đôi khi lại tạo “nghiệp” vì gây họa cho người khác. Người nhặt tiền không biết có bị xui xẻo hay không nhưng việc cố chạy ra nhặt tiền bất chấp mất an toàn giao thông có thể xảy ra dù mệnh giá tiền rất nhỏ.
Ở góc độ pháp luật tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc nghiêm cấm hủy hoại đồng tiền Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có Thông tư quy định cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền nước ngoài trên đường đi đưa tang.
Chính vì vậy, hành vi thả tiền xuống đường của không ít lái xe cần được chấn chỉnh, vừa đảm bảo tuân thủ luật pháp, vừa thể hiện ý thức văn hóa và quan trọng nhất là không gián tiếp đẩy người dân vào các tình huống dễ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.
Minh Minh(T/h)