Việc Trung Quốc gia tăng các hành động phá hoại tàu cá Việt Nam không làm ngư dân chùn bước. Họ khẳng định quyết tâm bám biển đến cùng để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Các ngư trường miền Trung đang vào vụ cá chính trong năm. Khác hẳn với không khí thu hoạch tất bật mọi năm, những ngày này, liên tục các tàu cá hư hỏng cập bờ sửa chữa.
Cướp biển kiểu mới
Sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ trong tháng 5, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có 11 tàu cá bị tàu Trung Quốc đuổi đánh, đâm va, cướp bóc…
Gần 20 năm bám biển Hoàng Sa, đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc gây rối nhưng ông Dương Văn Giàu, ngụ thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 96417 TS - chưa bao giờ thấy tàu Trung Quốc hung hăng, ngang ngược đến thế.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ còn trơ khung sau khi bị Trung Quốc phá hoại. Ảnh: V.M |
“Chúng cầm hung khí là dùi cui, tuýp sắt, dao búa nhảy sang tàu cá, không nói không rằng đánh đập ngư dân, lấy đi một số ngư cụ rồi bỏ đi. Phiên biển đó tôi thiệt hại trên 100 triệu đồng”, thuyền trưởng Giàu kể.
Để có tiền trả nợ, sau chuyến biển đó, vợ chồng ông tiếp tục vay mượn bạn bè, người thân mua sắm lại ngư cụ để giong tàu vươn khơi. Nhưng chuyến biển tiếp theo của ông còn bị tàu Trung Quốc cướp phá nặng nề hơn. Ông lại mất trắng trên 400 triệu đồng...
Trở về từ Hoàng Sa, chủ tàu QNg 96284 Nguyễn Chí Thạnh, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn không giấu nỗi ưu tư khi chuyến đi biển bị tàu Trung Quốc liên tục dồn ép, tấn công. Tổng chi phí cho chuyến đi biển vừa rồi hết hơn 210 triệu đồng nhưng khi ra Hoàng Sa đánh bắt chưa được bao lâu thì tàu anh Thạnh đụng tàu Trung Quốc.
Sau hơn 20 ngày đánh bắt không thành công, sáng 20/5, tàu phải quay về đất liền vì nhiên liệu cạn kiệt. Bán hết số cá trên tàu cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng. Chuyến biển này, anh Thạnh lỗ nặng.
“Làm ngư dân như tụi tôi, dù có bị đánh đập, bị tàu Trung Quốc phá hoại tài sản đến đâu cũng phải tiếp tục ra khơi đánh bắt. Sức lực có thừa nhưng Trung Quốc cứ bắt bớ, phá hoại tài sản hoài như thế thì lấy đâu tiền bạc bù vào. Chúng tôi không sợ Trung Quốc, chỉ sợ không có tiền để sửa tàu, mua sắm ngư cụ để tiếp tục ra khơi bám biển”, anh Thạnh nói.
Dù thiệt hại vẫn ra khơi
Theo phản ánh của các chủ tàu cá, phía tàu Trung Quốc không chỉ cướp hết hải sản, phá hỏng máy móc trên tàu rồi đòi tiền chuộc mà còn đánh đập ngư dân Việt Nam hòng làm cho ngư dân không dám ra Hoàng Sa đánh bắt. Tuy nhiên, trong những ngày biển Đông dậy sóng này, ngư dân vẫn vượt qua hiểm nguy để thu về những khoang cá đầy. Họ liên kết, đồng lòng hướng về Hoàng Sa đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong căn nhà xập xệ, tuềnh toàng ở xóm chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ngư dân Đặng Tằm kể ông đã hơn 10 lần bị tàu Trung Quốc tấn công. Đầu năm 2014, tàu của ông Tằm đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc bắt, đập phá. Thậm chí, có lần còn bị tàu Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh bắt, sau đó cả nhà chạy vay tiền nộp phạt hơn 200 triệu đồng mới quay về nhà được. Nợ cũ dồn nợ mới, bây giờ, gia đình ông đang gánh nợ 400 triệu đồng.
Thế nhưng, “dù gì cũng phải đi biển, kiếm tiền lo gia đình. Cũng may nhờ bà con thương tình, sau mỗi chuyến biển bị Trung Quốc bắt bớ, đánh đập vô cớ như vậy nên cho mượn tiền mới tiếp tục sửa tàu, mua sắm ngư cụ”, ông Tằm nói.
Sáng 4/6, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90152 TS Đặng Văn Nhân, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đang tất bật cùng với chủ tàu hoàn thiện hồ sơ để tiến hành khởi kiện phía Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm tàu hôm 26/5.
Anh Nhân là lao động chính trong gia đình, tiền chi tiêu hằng ngày đều dựa vào tiền công đi biển của anh. Vợ anh Nhân làm công nhân may, thu nhập tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng.
“Tiền học cho 2 con, tiền ăn đều dựa vào lương của tôi. Nếu nghỉ đi biển, lên bờ tôi cũng chẳng biết làm chi khác. Sau khi nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ xin đi bạn ra Hoàng Sa cho các tàu cá khác. Chúng tôi mà nghỉ đi biển thì chẳng khác nào sợ Trung Quốc. Khi nào chủ tàu đóng xong tàu mới, cần chúng tôi trở lại làm việc thì tất cả đều sẵn sàng”, anh Nhân nói.
Thiệt hại nặng nề Sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc gia tăng sức ép, liên tục phá hoại tàu cá Việt Nam. - 16h ngày 26/5, tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị tàu vỏ sắt giả danh tàu cá số 11209 của Trung Quốc đâm chìm cách giàn khoan 981 khoảng 17 hải lý. Thiệt hại ước tính 5 tỉ đồng. - 19h ngày 17/5, tàu cá QNg 96011 TS do ông Huỳnh Tấn Được (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 21102 đập phá tài sản, cướp trang thiết bị. - Ngày 16/5, 3 tàu cá của Quảng Ngãi là tàu QNg 90205 TS của ông Nguyễn Văn Quang (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), tàu QNg 90045 TS của ông Võ Bá Nha (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), tàu cá QNg 95431 TS của ông Nguyễn Văn Tấn (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đã bị tàu Trung Quốc gây hấn. Đáng chú ý, tàu cá QNg 90205 TS đã bị một tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 306 khống chế, đánh 2 ngư dân bị thương nặng và đập phá toàn bộ tài sản. - Tối 8/5, tàu cá QNg 96345 TS của ngư dân Nguyễn Chí (thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc đập phá tài sản, lấy đi thiết bị và hải sản. |