Tại hội nghị giao ban của cục Xuất bản, in và phát hành cuối tháng 3 vừa qua, có nhiều vấn đề được đặt ra đã khiến nhiều nhà xuất bản (NXB)... đau đầu. Bởi đã từ lâu, nhiều NXB lâm vào cảnh không tự nuôi nổi mình, sống thoi thóp nằm chờ chết, có NXB không có nổi chức danh Giám đốc, Tổng biên tập, có NXB chỉ đủ vốn làm 5 - 10 đầu sách, có NXB phải đi thuê trụ sở... Nhiều cơ quan chủ quản đã bỏ mặc NXB tự tung tự tác, sống dở chết dở... Vậy tại sao nhiều NXB vẫn thoi thóp sống? Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu khi nhiều NXB ra nhiều cuốn sách có những lỗi... không thể chấp nhận được?
Thực trạng NXB thuê trụ sở từ... quán cơm, quán nhậu
Năm 2014, có thể xem là một năm nhiều “sự cố” đối với ngành xuất bản, khi mà cả nước có tới 306 xuất bản phẩm bị xử lý, trong đó có 120 xuất bản phẩm có nội dung sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc cho cộng đồng. Ngoài “thủ phạm” chính là việc các NXB phó mặc cho đối tác liên kết, hoặc bị đối tác liên kết qua mặt dẫn đến sai phạm tràn lan thì nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu đầu tư, quan tâm của cơ quan chủ quản các NXB cũng chính là một trong những tác nhân khiến nhiều NXB rơi vào tình trạng... bi đát.
Tầng 1 của NXB là quán bán cơm. |
Tại hội nghị cơ quan chủ quản các NXB vừa qua, ông Chu Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản, in và phát hành thẳng thắn đặt vấn đề: “Với những sai phạm của lĩnh vực xuất bản trong thời gian qua, các NXB, đối tác liên kết và cục Xuất bản, in và phát hành bị lên án. Nhưng đã đến lúc chúng ta cũng phải nói thẳng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản NXB. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật, các cơ quan chủ quản có phần trách nhiệm rất lớn đối với hoạt động của các NXB, từ việc đầu tư cơ sở vật chất đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ quản lý cho NXB, chịu trách nhiệm khi để NXB có hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích”.
Cũng theo chia sẻ của ông Chu Hòa, mặc dù là “cha đẻ, mẹ đẻ” của các NXB, song nhiều cơ quan chủ quản lại phó mặc “con của mình” với một số vốn đầu tư rất ít. Và để tồn tại, nhiều NXB phải bắt tay hoặc giao quyền cho các đối tác tư nhân, dẫn đến việc không kiểm soát được nội dung, chất lượng các xuất bản phẩm do mình xuất bản.
Thạc sỹ Lê Cẩm Hà – Trưởng phòng biên tập một NXB cho biết: “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Về tình trạng chung của nhiều NXB hiện nay, tôi biết nhiều NXB bị các đơn vị chủ quản bỏ quên, giao cho các đơn vị liên kết của tư nhân nên có hiện tượng những tác phẩm chỉ soát có một lần bản bông là đã đem đi in, vì thế tình trạng lỗi phông, lỗi chính tả và sự kiểm duyệt về nội dung rất sơ sài, qua loa. Nhiều NXB thoi thóp, không có trụ sở làm việc, phải đi thuê văn phòng ở các quán cơm, quán nhậu... Thậm chí, có NXB chỉ ngồi trông chờ vào việc bán thương hiệu, giấy phép. Vì thế, chất lượng không đảm bảo là điều... đương nhiên”.
Ông Chu Hòa đã dẫn chứng về trường hợp của NXB Văn hóa - Thông tin: “Đã 2 năm nay, NXB Văn hóa - Thông tin rơi vào thảm cảnh không nuôi nổi mình, phải nợ lương và phải cho anh em ở nhà, còn mỗi Giám đốc ngồi trực, chờ khách hàng và thậm chí chờ bán... giấy phép. Hệ quả là với một loạt sai phạm trong hoạt động xuất bản trong năm 2014, NXB này đã gây cho ngành xuất bản, bộ TT&TT nhiều tai tiếng. Thế nên, không khó hiểu khi những cuốn sách bị coi là thảm họa của ngành xuất bản vẫn được đưa ra ngoài thị trường một cách đàng hoàng với giấy phép của NXB này. Chỉ riêng năm ngoái, cơ quan quản lý đã xử lý vi phạm từ đình chỉ phát hành cho đến thu hồi 60 cuốn sách gắn mác NXB Văn hóa - Thông tin”.
Thảm cảnh không tự nuôi nổi mình dẫn đến chuyện dễ dàng bán giấy phép như NXB Văn hóa - Thông tin không phải là chuyện hi hữu. Đó là nguyên nhân lớn dẫn tới hậu quả là hàng loạt thảm họa xuất bản xuất hiện trên thị trường. Chỉ trong vòng một năm, dư luận đã bức xúc với nhiều cuốn sách có nội dung sai lệch, nhảm nhí, phản cảm như cuốn “Chuyện cổ tích loài chim và muông thú” (có nội dung người lớn), “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử” (hình ảnh các danh nhân được minh họa như các nhân vật trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình, phim chưởng), “Từ điển tiếng Việt” của tác giả Vũ Chất (cuốn từ điển với cách giải thích ngô nghê, sai lệch)... Năm ngoái, cục Xuất bản, in và phát hành đã phải xử lý tới 358 vụ việc, trong đó có 129 vụ liên quan đến xuất bản phẩm vi phạm về nội dung.
Trao đổi với PV, nhà văn Nguyễn Khắc Nam cho biết: “Chưa bao giờ độc giả hoang mang như thời gian này, bởi việc cho xuất bản và in tràn lan nhiều loại sách và không thẩm định được nội dung nên không biết đâu là sách “sạch” để mua. Nhiều NXB cả năm không tổ chức được quyển sách nào, chỉ “nhăm nhăm” ngồi “chờ sung rụng” bằng tiền phần trăm bán giấy phép, liên kết với tư nhân. Tôi nghĩ, thực trạng này cần được khắc phục, nếu không độc giả sẽ quay lưng với văn hóa đọc, nhất là khi công nghệ thông tin đã được trang bị đến từng người dân như điện thoại lướt internet, wifi, máy tính...”.
Vẫn nằm chờ...
Cũng phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng vụ Báo chí - Xuất bản, ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh thêm: “Việc thiếu vốn, thiếu nguồn lực đầu tư từ cơ quan chủ quản đã khiến nhiều NXB rơi vào tình trạng “ăn đong” trong nhiều năm qua. Nhiều NXB phải đi thuê trụ sở hoặc chung trụ sở với các đơn vị khác của cơ quan chủ quản mà diện tích rất nhỏ hẹp. Ðiển hình là NXB Tri Thức, NXB đại học Kinh tế Quốc dân chỉ có một phòng làm việc khoảng 20m2...”.
Hai cuốn sách của NXB Lao động Xã hội bị thu hồi năm 2014. |
Tiến sỹ Ngôn ngữ Lê Hùng chia sẻ, tình trạng thiếu vốn, nhất là vốn lưu động không chỉ khiến năng lực của các NXB suy giảm, mà còn dẫn đến sự phụ thuộc của các NXB vào đối tác liên kết ngày càng lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều NXB vẫn chỉ nhận được số vốn đầu tư ít ỏi từ ngày đầu thành lập, chưa được bổ sung vốn đúng theo quy định của Luật Xuất bản. Đơn cử như NXB Thanh Niên nhận được 650 triệu đồng, NXB Đại học Thái Nguyên 200 triệu đồng, NXB Đại học Hàng hải 250 triệu đồng... Vì thiếu vốn, mua bán giấy phép xuất bản từ sân sau nên lỗi xuất bản là không thể tránh khỏi vì tình trạng cha chung không ai khóc.
Dù tình trạng nhiều NXB sống lay lắt, chỉ biết dựa hơi vào việc bán giấy phép đã kéo dài trong suốt nhiều năm, nhưng đáng nói là đến giờ những NXB như vậy vẫn chưa bị... khai tử. Năm ngoái, cục Xuất bản, in và phát hành đã phải đề xuất với bộ Thông tin - Truyền thông gửi văn bản đề nghị hội Xuất bản Việt Nam và bộ VH,TT&DL là cơ quan chủ quản của NXB Văn hóa - Thông tin và NXB Thời đại tạm dừng hoạt động của hai NXB này, để kiện toàn lại hoạt động. Có lẽ đây là lần đầu tiên có NXB bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản, in và phát hành vừa cho biết: “Đúng là có thực trạng nhiều NXB sống thoi thóp nhưng vẫn chưa bị... khai tử. Đây là lý do khách quan, chúng tôi muốn đình chỉ luôn hoạt động của những NXB này nhưng chưa biết làm cách nào vì với những lỗi của NXB, cơ quan quản lý chỉ có thể xử lý hành chính mà thôi... Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ cấp đổi giấy phép cho các NXB. Theo Luật Xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xuất bản, các NXB không đủ tiêu chuẩn sẽ đứng trước nguy cơ không được cấp giấy phép. Vì thế, những NXB làm ăn “lởm khởm” sẽ khó hoạt động tiếp được...”.
Nhiều NXB đồng loạt... kêu cứu Theo báo cáo của cục Xuất bản, bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có đến 63 NXB, nhưng chỉ... 4 “nhà” báo cáo lãi, phát triển ổn định và nộp đủ các nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, sự kiện 7 NXB đồng loạt viết đơn kêu cứu vào cuối năm 2014 cũng đã cho thấy thực trạng xuống dốc và bế tắc rõ rệt của ngành xuất bản, bởi chịu tác động nặng nề từ sự khó khăn của nền kinh tế. Ngoài ra, không thể không nhắc tới tình trạng sách điện tử, nhất là sách lậu đã góp tay “bóp” luôn một số đơn vị làm sách đang... thoi thóp sống. |
LẠC THÀNH
Xem thêm clip: Video: Đột kích “xưởng” sản xuất đĩa phim đen cực khủng ở Hải Phòng