Hãng taxi công nghệ Grab đang đứng trước cáo buộc phá giá, cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường vận tải taxi Việt Nam.
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin hãng taxi công nghệ Grab để thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Sự thật của thông tin này là gì, PV đã vào cuộc tìm hiểu.
Hãng taxi công nghệ Grab đang đứng trước cáo buộc phá giá |
Theo thông tin công bố của Tổng cục Thuế, năm 2016, Công ty TNHH Grab đạt doanh thu 192 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này lại báo lỗ con số kỉ lục 443 tỷ đồng. Do hoạt động kinh doanh thua lỗ, Công ty TNHH Grab không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong năm 2016, công ty này chỉ đóng thuế GTGT, thuế môn bài cho Ngân sách Nhà nước với số tiền là 5,8 tỷ đồng.
Thông tin này khiến dư luận khá “sốc”, bởi hãng taxi công nghệ này được cho là có thị phần vận tải taxi lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, “người anh em” của Grab là Uber, trong đợt công bố thông tin vào tháng 3 vừa qua, năm 2016, hãng taxi công nghệ này nộp số tiền thuế cho ngân sách Nhà nước là 40 tỷ đồng.
Số liệu thuế của cũng cho thấy, trong năm 2016, hãng đã chi số tiền lớn cho hàng loạt chiến dịch khuyến mại; hỗ trợ cho lái xe, hành khách;… Điều này đã dẫn đến hệ lụy, trong năm 2016, hãng đã để thua lỗ số tiền 443 tỷ đồng. Điều đáng nói là Grab có số vốn đăng ký chỉ 20 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, một cán bộ thuế cho hay: “Grab đăng ký hoạt động theo hình thức doanh nghiệp TNHH, thuế GTGT tính theo hình thức khấu trừ, còn thuế TNDN tỷ lệ theo lợi nhuận. Còn nếu so sánh với nghĩa vụ thuế của các công ty taxi trong nước, số thuế 5,8 tỷ đồng của Grab chỉ bằng 1/30 số thuế mà Vinasun (một doanh nghiệp taxi chỉ hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh) nộp mỗi năm”.
“Năm 2016, Grab không thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân ký hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng Grab. Do vậy, số thuế TNCN năm 2016 của Grab nộp đều bằng không. Điều này có nghĩa sẽ đẩy hơn 100.000 lái xe Grab đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế TNCN của năm 2016”, vị cán bộ này phân tích.
Ông Bùi Chí Cường (chuyên gia kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Có thể thấy, trong năm 2016, Grab chi ra số tiền rất lớn để thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ cho tài xế, hành khách, đặc biệt là các chương trình khuyến mại như giảm giá cước. Thực tế này cho thấy, Grab đang chịu lỗ nặng nề để tồn tại trên thị trường Việt Nam”.
Tuy nhiên, các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh lại nhìn nhận “câu chuyện” lỗ của Grab ở khía cạnh khác. Một đại diện của hãng taxi truyền thống Vinasun cho hay, Vinasun đã làm đơn tố cáo lên Bộ GTVT rằng Grab và Uber đã và đang tùy tiện sử dụng mọi chiêu thức "giảm giá sốc", "giá siêu rẻ", "trợ giá tối đa" cho lái xe, khách hàng, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh, xâm chiếm thị trường, đánh sập các doanh nghiệp taxi trong nước.
Để làm rõ các thông tin liên quan, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với đại diện Grab tại Việt Nam. Tuy nhiên, PV đã nhiều lần liên lạc nhưng đại diện hãng này không lên tiếng trả lời.
Được biết, Công ty TNHH Grab Việt Nam (tên giao dịch là Grabtaxi) được cấp phép vào 14/2/2014 với số vốn đăng ký 20 tỷ đồng. Ngày 7/1/2016, Grabtaxi được cấp phép thí điểm tại 5 thành phố gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Grabtaxi đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vận tải taxi tại hai TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cùng thời gian, hàng loạt công ty taxi trong nước tuyên bố tình trạng khó khăn, thua lỗ, mất việc làm. Gần đây, hơn 10 ngàn lái xe taxi tại TP. Hồ Chí Minh nộp đơn lên Công đoàn TP. Hồ Chí Minh xin đăng ký đình công.
Minh Văn