Lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, các xe Grab và Uber hoạt động tại Hà Nội phải được quản lý như taxi truyền thống.
Theo báo VnExpress, tại hội thảo “Đổi mới quản lý hoạt động taxi, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” ngày 23/2, ông Phạm Minh Chương, Phó tổng giám đốc taxi Mai Linh cho biết, so với Uber và Grab, taxi truyền thống đang chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi taxi truyền thống thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí thì Uber và Grab không phải chịu nhiều chi phí nên tự do “làm giá” khiến taxi truyền thống không cạnh tranh nổi.
Tại các khu vực như nhà ga, sân bay, taxi truyền thống phải đấu thầu mới được vào đón trả khách thì Uber, Grab tự do ra vào không bị kiểm soát. Trong giờ cao điểm nhiều tuyến đường cấm taxi thì Uber, Grab vẫn tự do đi vào nên khách hàng thích chọn phương tiện này hơn.
Trong việc tính thuế, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch hiệp hội taxi TP. Hồ Chí Minh cho hay cách tính thuế Grab, Uber (3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống chịu (10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập doanh nghiệp). Điều này không chỉ thiếu công bằng mà còn gây thất thu thuế. Năm 2016, chỉ tính riêng các doanh nghiệp taxi tại TP. Hồ Chí Minh đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế phí.
Bộ GTVT đánh giá Uber hoạt động kinh doanh trái với quy định hiện hành. Ảnh: báo VnExpress |
"Trong khi tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống nhưng với cách tính dành cho loại phương tiện này, Nhà nước thu được bao nhiêu tiền?”, ông Hỷ băn khoăn.
Cũng theo ông Hỷ, để có thể quản lý được Grab, Uber, Nhà nước nên khống chế số lượng xe hợp đồng, phân biệt giữa xe kinh doanh với xe của cá nhân hộ gia đình, nhất là với xe dưới 9 chỗ ngồi.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị đối với các xe Grab và Uber hoạt động tại Hà Nội phải được quản lý như taxi truyền thống.
"Uber và Grab cũng phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu chuyến đi và 20% thuế thu nhập giống như mức thuế áp dụng với taxi truyền thống”, ông Bình nói và đề nghị tạm dừng hoạt động của đề án thí điểm Grab và Uber để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Kinh tế Việt Nam cho hay, trước những đề xuất của hai đơn vị này, đại diện Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nộp thuế kê khai hay doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu.
Nếu chỉ nhìn mức thuế 3% hay 10% để nói 3% nhỏ hơn rất nhiều 10% là không đúng. Bởi vì doanh nghiệp nộp thuế VAT 10% còn được khấu trừ thuế VAT từ đầu vào như chi phí nhà xưởng, mua sắm tài sản cố định… 20% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng sau khi đã trừ đi chi phí nhà xưởng, tài sản cố định, giá xăng…
“Doanh nghiệp nộp thuế kê khai 10% VAT và 20% thu nhập doanh nghiệp không khác với doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu 3% và thu nhập cá nhân 1,5%. Nếu các anh đề xuất giảm VAT xuống 5% thì thuế suất ấn định sẽ giảm xuống theo, vì căn cứ tỷ lệ hoạch định chính sách giá trị gia tăng ngành mang lại 30% mà giảm VAT 5% thì tỷ lệ ấn định là 1,5%”, vị này nói.
(Tổng hợp)