+Aa-
    Zalo

    Nghẹt thở phút mổ cấp cứu giành giật sự sống cho thanh niên bị thương ở tim

    (ĐS&PL) - Sau khi tiếp nhận cấp cứu, ê kíp bệnh viện đã ngay lập tức kích hoạt hệ thống báo động đỏ toàn viện, chạy đua với thời gian để cứu sống người bệnh đang nguy kịch.

    Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk), khoảng 22h ngày 7/10, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam, 23 tuổi (trú tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt, vết thương khoang liên sườn 4, sát bờ trái xương ức, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tiếng tim mờ. Được biết trước đó, người bệnh bị vật sắc nhọn đâm vào ngực trái, sau đó choáng và ngã.

    Nhận định đây là trường hợp choáng mất máu do vết thương thấu ngực thủng tim, rất nguy kịch, hệ thống báo động đỏ toàn viện ngay lập tức được kích hoạt.

    Người bệnh được theo dõi tích cực sau ca mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh

    Người bệnh được theo dõi tích cực sau ca mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh

    Nhiều chuyên khoa khác nhau như Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Ngoại Tổng hợp, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng… được huy động, nỗ lực sơ cứu, hồi sức, chuẩn bị sẵn sàng 6 đơn vị máu và khẩn trương chuyển người bệnh lên phòng mổ, tiến hành phẫu thuật tối khẩn.

    Tại phòng mổ, sau khi tiến hành mở ngực, các bác sĩ nhận thấy vùng tâm nhĩ phải có nhiều máu tụ. Ngay lập tức, các bác sĩ đã khâu vết thủng tại tâm nhĩ phải, cầm máu, đồng thời truyền bổ sung 2 đơn vị máu. Huyết áp người bệnh dần ổn định trở lại. Sau đó, bệnh nhân được làm sạch khoang màng phổi và đặt dẫn lưu màng phổi.

    Phẫu thuật thành công, người bệnh được cứu sống, qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ để kiểm soát tình trạng chảy máu ở tim cũng như ở màng phổi. 1 ngày sau phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân dần ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể ăn uống được, tiếp tục được theo dõi tích cực tại khoa Ngoại Tổng hợp.

    ThS.BS Phạm Phú Cường đang thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh

    ThS.BS Phạm Phú Cường đang thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh

    Theo ThS.BS Phạm Phú Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Thiện Hạnh, cũng là bác sĩ trực tiếp thực hiện ca mổ cho hay, thủng tim là một tổn thương rất nặng và ít gặp. Phẫu thuật cấp cứu vết thương thủng tim có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm và kỹ năng phán đoán. Đặc biệt, mấu chốt quyết định việc có cứu sống được bệnh nhân hay không nằm ở thời gian xử trí nhanh và sự phối hợp đa chuyên khoa.

    Bệnh nhân thủng tim có tỷ lệ sống sót thấp, có thể tử vong trong thời gian ngắn. Phần lớn người bệnh sẽ tử vong trước khi đến viện do tình trạng mất máu cấp và chèn ép tim cấp. Thời gian vàng để cứu sống người bệnh tuỳ theo mức độ tổn thương, nhưng thường không nhiều. Do vậy, nếu tận dụng được thời gian vàng để cấp cứu kịp thời thì cơ hội sống của bệnh nhân càng cao.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nghet-tho-phut-mo-cap-cuu-gianh-giat-su-song-cho-thanh-nien-bi-am-thung-tim-a472131.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan