Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh nói về nghề, về bộ môn cải lương với một tâm trạng cực kỳ hạnh phúc. Dẫu nghề có nhiều gian khổ, long đong nhưng với nữ nghệ sĩ, sân khấu chính là thánh đường mà nếu có kiếp sau vẫn muốn tiếp tục nhả tơ tô điểm cho đời.
Kiếp sau vẫn muốn làm nghệ sĩ cải lương
- Hiện tại, Bình Tinh đang đảm nhận khá nhiều vai trò ở đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Gọi bạn là “bà bầu” của đoàn hát thì có đúng không?
Nói chung, mọi người có thể nói và hiểu như vậy. Hiện tại, Bình Tinh đứng ra thành lập lại và quản lý đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Ngoài ra, bên cạnh tôi còn có anh Hoàng Đăng Khoa và anh Thái Vinh. Hai anh đều là con nuôi của mẹ tôi, nghệ sĩ Bạch Mai. Cả ba cùng hợp sức để duy trì đoàn hát.
Các thành viên của đoàn Huỳnh Long có tinh thần xây dựng và đoàn kết. Tất cả đều chung tay không phân biệt trên dưới, nắm chặt tay nhau. Cho nên, đoàn hát có tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng lắm.
- Công việc quản lý của một đoàn cải lương hết sức vất vả. Tại sao bạn lại chọn làm một việc sẽ khiến bản thân mệt mỏi?
Tuổi thơ của tôi là cải lương, bây giờ vẫn cải lương, sau này vẫn cải lương. Khi bước lên sân khấu, với tôi, đó là thánh đường, cảm thấy rất trân trọng, hạnh phúc. Mỗi lần nói đến nghề, đó là điều cực kỳ tuyệt vời. Kiếp này tôi rất đội ơn ông bà cha mẹ cho tôi vóc dáng, giọng hát để tôi có thể trụ được trên sân khấu và làm một nghệ sĩ cải lương.
Cuộc đời của tôi là sân khấu, mãi mãi là sân khấu, thậm chí nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn làm nghệ sĩ Cải lương. Cực khổ, gian khó, long đong như thế nào, tôi cũng không ngại. Tôi biết công việc quản lý đoàn hát rất vất vả, thậm chí khi đứng ra “ôm” đoàn Huỳnh Long, tôi bị mất công việc riêng rất nhiều.
Thế nhưng, khi mọi người tập tành, tôi không thể vắng mặt, bất cứ ngày tập nào cũng phải có mặt Bình Tinh. Với lại, Huỳnh Long là đoàn hát truyền thống của gia đình và cũng là niềm vui của mẹ. Mẹ muốn duy trì đoàn Huỳnh Long. Bản năng của tôi là chỉ cần thấy mẹ vui thì làm thôi.
Có thể, tôi mất đi một số nguồn lợi của bản thân nhưng bù lại, anh em trong đoàn có thêm chén cơm, những cô bác nghèo trong đoàn có nơi nương tựa. Nếu như đoàn Huỳnh Long không gầy dựng được thì sẽ không có đất để làm nghề. Từ ngày, đoàn Huỳnh Long gầy dựng lại mỗi tháng các thành viên có thêm tiền trang trải cuộc sống, dù không thể nuôi sống nhưng có thể đỡ đần được phần nào.
Ngoài ra, tôi có thể nhận cái này cái kia, giống như cúng đình... cho đoàn. Làm gì được cho anh em, Tinh cũng thấy vui. Kệ! Mình cũng nghèo nhiều rồi chứ không phải mới nghèo đâu, cho nên cứ giữ nghĩa tình thì ơn trên sẽ phù hộ. Tôi chỉ cầu mong sau mỗi một đêm diễn khán giả đến đông, anh em đồng lòng chung tay thì sân khấu cải lương Hồ Quảng sẽ luôn sáng đèn. Đó là điều hạnh phúc của riêng Bình Tinh, cũng như các nghệ sĩ khác.
- Mặc dù, tuổi nghề của Bình Tinh cũng lâu năm nhưng tuổi đời vẫn còn nhỏ so với các anh chị em, cô bác trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Vậy trong quá trình điều hành công việc, Bình Tinh có ngại việc các cô bác sẽ phật lòng?
Ở đoàn hát Huỳnh Long, các cô chú rất thương và tôn trọng những ý tưởng mới của người trẻ. Khi làm việc, tôi cũng cân đong đo đếm trong từng lời nói, cử chỉ. Mẹ tôi dạy rất kỹ về vấn đề đạo đức và cách cư xử với người lớn. Cho nên, Tinh luôn tôn trọng ý kiến và xin các cô bác chỉ dạy thêm. Thấy tôi làm không tốt, cô chú có thể góp ý chỉ dạy. Tùy theo cách cư xử của mình, người lớn sẽ không phải tủi, không buồn mà vui vẻ hòa nhập trong công việc.
Bảo tồn bảng hiệu Huỳnh Long để mẹ vui lòng
- Có phải do Bình Tinh chứng kiến nhiều mảnh đời nghệ sĩ khó khăn nên mới cố gắng gầy dựng lại đoàn cải lương của gia đình?
Các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều nhưng tôi thấy được một điều, các cô bác sống chết với đoàn Huỳnh Long từ trẻ cho đến khi lớn tuổi.
Thanh xuân của các cô bác yêu thương, ủng hộ cho đoàn Huỳnh Long. Đến những ngày cuối đời, người ta vẫn đam mê nghề và chỉ mong được đứng trên sân khấu nhưng tránh sao được luật đào thải, sóng sau xô sóng trước.
Tinh nghĩ, nếu như không có các cô chú tiền bối sẽ không có các hậu bối ngày hôm nay. Từ đó, tôi cứ muốn gầy dựng lại đoàn để lúc tập tuồng chung trên sân khấu, các bạn trẻ có thể học hỏi ở các bậc tiền bối và các cô bác cũng vui khi cùng làm việc với các hậu bối. Họ không còn suy nghĩ bản thân bị đào thải, hết giá trị lợi dụng.
- Không biết thời điểm hoàng kim của đoàn Huỳnh Long, Bình Tinh đã đủ lớn để nhận thức và quan sát hoạt động của nơi đây?
Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm, bé tí tẹo và cũng không có mặt ở đoàn Huỳnh Long mà tham gia nhóm đồng ấu Bạch Long. Cho nên, tôi cũng không nhận định được nhưng khi đi hát, trải nghiệm nhiều, tôi cũng hiểu được sự vất vả của ông bà, cha mẹ, cô chú. Đến thời điểm hiện tại, nghệ sĩ cải lương còn vất vả hơn ngày trước. Hồi trước, một vở tuồng mình có thể tập và hát liên tục năm này qua năm nọ, mỗi đêm mỗi hát.
Bây giờ, chúng tôi tập rất cực khổ nhưng chỉ hát đúng một suất thôi, không có suất thứ hai. Đoàn Huỳnh Long phải luôn cố gắng mỗi tháng ra một kịch bản mới. Chúng tôi tập luyện rất cực khổ, gian nan mà đồng tiền có bao nhiêu hết trơn.
- Tại sao Bình Tinh không chọn một bảng hiệu, một thương hiệu mới có nhắc đến tên Bình Tinh mà vẫn giữ nguyên bảng hiệu đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long?
Không, Huỳnh Long mãi mãi là Huỳnh Long. Đây là đoàn hát gắn bó với dòng họ 4 đời của nhà tôi. Bình Tinh làm tất cả mọi chuyện với mong muốn ông bà tổ tiên và mẹ vui lòng, chứ không làm cho bản thân.
Nếu sống cho bản thân, tôi sẽ không “ôm” hết đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long vào cuộc sống của mình. Ông Tổ cũng thương dòng họ Huỳnh Long nên bảng hiệu Huỳnh Long đã lưu truyền bao đời. Bây giờ, Huỳnh Long là niềm vui duy nhất của mẹ.
Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh và cha nuôi - NSƯT Kim Tử Long. |
- Nghệ sĩ Bảy Huỳnh - Ngọc Hương, tức là ông bà ngoại của tôi, thành lập ra đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và con cháu phải có trách nhiệm bảo tồn. Trên bước đường sân khấu của bạn không thể thiếu bóng dáng của 2 người ba nuôi – NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long. Cơ duyên nào đưa đến để Bình Tinh được 2 nghệ sĩ tên tuổi nhận làm con?
Tôi có 2 người ba nuôi là NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long. Đối với ba Long, tôi nhận làm ba nuôi đã hơn 20 năm, từ năm 1998 cho đến bây giờ. Từ bé, ba đã nhận tôi làm con. Ba Vũ Linh, ba Kim Tử Long đều xuất phát từ đoàn Huỳnh Long cho nên đều có tình thân hữu với ba mẹ, với gia đình tôi.
Từ lúc chưa vợ chưa con, ba Long đã hát cho đoàn Huỳnh Long. Lúc ba Lợi, ba ruột của tôi chưa mất thì ba Long đã nhận Tinh làm con. Sau khi lúc ba Lợi mất, ba Linh thấy tôi cực khổ bôn ba, yêu nghề và chăm sóc mẹ, hiếu thảo nên ba thương. Lúc tôi làm liveshow năm 2009, ba Linh chính thức nhận tôi làm con.
Tôi may mắn có được 2 người ba yêu thương, mỗi người yêu thương mỗi cách nhưng cùng một thiên hướng dạy dỗ và nâng đỡ tôi trong nghề nghiệp rất nhiều. Còn ba ruột giống như đã hòa quyện vào 2 người ba này để nhờ 2 người che chở và bảo vệ Bình Tinh trong nghề nghiệp.
Lúc còn sống, Tinh còn nhỏ, ba không dạy dỗ được cho Tinh. Lúc mất, ba lại xui khiến cho 2 người ba nuôi dạy dỗ tôi. Trong tiềm thức của tôi, ba đang hòa quyện vào 2 người ba này để tiếp bước dạy dỗ, giúp Tinh ngày càng đứng vững trên sân khấu cải lương.
Cả hai người ba đều rất yêu thương tôi. Ba Long trẻ trung hơn, hay đùa giỡn với tôi, còn ba Linh nghiêm khắc hơn. Lúc nào, ba Linh cũng chững chạc nghiêm nghị. Hai người ba có hai tính cách khác nhau nhưng dễ thương lắm.
- Bình Tinh nhận thấy đoàn cải lương của mình hiện tại có gì khác biệt hơn so với các đoàn khác?
Tôi không so sánh với ai, với bất kỳ đoàn nào khác. Tôi chỉ biết tập trung vào đoàn hát của mình. Hễ mà, mỗi một đoàn nào biểu diễn, tôi đều vui mừng hết. Tất cả nghệ sĩ cải lương đều tự nhủ, phải chung tay duy trì sân khấu để khán giả đến với cải lương. Cho nên, đoàn của cô chú, anh chị, bạn bè sáng đèn, tổ chức đêm hát thì tôi vui lắm.
Một đoàn Huỳnh Long hát hoài thì khán giả cũng nhàm chán, đoàn này đoàn kia ra nhiều, sân khấu cải lương sẽ càng ngày càng mạnh lên và khán giả không bao giờ quên cải lương.
Ngọc Lài
Bài đăng ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật số 207