Công việc nghe có vẻ kỳ quặc, khó tin này thực ra đang trở thành một ngành nghề hot ở đất nước tỉ dân, khi thú cưng dần trở thành một người bạn thân thiết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhiều người.
Giờ đây, các "con sen" cũng chấp nhận chi mạnh tay hơn cho các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ thú cưng để đem lại môi trường sống tốt nhất cho người bạn đặc biệt.
Sự gắn kết tình cảm mà chủ dành cho thú cưng là lý do nghề thám tử đặc biệt này ra đời, đây là những người sẽ dành "toàn tâm toàn lực" để nhanh chóng đưa người bạn bốn chân về nhà khi chúng không may đi lạc. Những người làm công việc này sẽ phải dốc sức để nhanh chóng đưa thú cưng bị lạc về nhà.
Họ tự quảng bá dịch vụ của mình trên mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử để thu hút khách hàng. Với mỗi trường hợp, thông thường họ hưởng thù lao từ 420 - 4.200 USD (khoảng 10 triệu đồng đến hơn 106 triệu đồng) tùy vào việc tìm kiếm khó khăn hay dễ dàng.
Các thám tử cần hiểu rõ đặc điểm của từng loài, cũng như có kết nối tốt với các mạng lưới tìm kiếm thú cưng tại nhiều khu vực, sử dụng thành thạo và ứng dụng công nghệ hiện đại như camera ảnh nhiệt, máy dò tìm... Thông thường hướng tiếp cận của các thám tử sẽ khác nhau theo từng loài, từng độ tuổi của con vật mất tích.
Anh Sun Jinrong, người đàn ông được truyền thông Trung Quốc mệnh danh là thám tử thú cưng đầu tiên của nước này là một người yêu động vật.
Tính đến nay, Sun đã giúp đoàn tụ cho khoảng 1 ngàn vật nuôi bị mất tích kể từ khi anh mở dịch vụ tìm thú cưng thất lạc cách đây 7 năm về trước.
Thông thường khách hàng phải trả khoảng khoảng 1.100 USD (khoảng 28 triệu đồng) cho dịch vụ tìm thú cưng do công ty của Sun cung cấp. Công ty của anh hiện có 10 nhân viên và có trụ sở tại Thượng Hải.
Giờ giấc làm việc của anh Sun rất thất thường vì anh thường nhận các cuộc gọi từ những chủ thú cưng vào ban đêm, thậm chí ở những địa điểm rất xa trụ sở, anh Sun cũng sẵn sàng di chuyển tới để giúp khách hàng vì sự đồng cảm với họ.
Anh Sun cho biết, thú cưng đôi khi mất vì bị đánh cắp chứ không phải chúng đi lạc hoặc bị mất vì lý do khác. Anh chia sẻ: "Hầu hết người nuôi thú cưng rất bối rối. Họ thậm chí còn không có đèn pin mà chỉ tìm mèo trong bóng tối và ánh sáng của điện thoại. Chúng tôi có thiết bị tiên tiến và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phân tích tình huống. Chúng tôi có thể nghĩ ra 10 điều cần làm ngay lúc đó để tìm ra thú cưng, trong khi chủ nhân của chúng chỉ có thể nghĩ được một hoặc hai điều".
Sun tự hào nhờ kinh nghiệm đã có nên tỷ lệ tìm thấy thú cưng của anh khá cao, từ 60-70%.
Anh cho biết thêm, ngành nghề của anh gần như chưa từng có trong ngành công nghiệp. Tất cả mọi kiến thức và kinh nghiệm đều do anh tự học hỏi và chiêm nghiệm từ những người thợ săn. Ví dụ như việc phải cẩn thận khi bắt thú cưng. Không nên dùng lưới để bắt những con chó nhỏ như Pomeranian vì sự hoảng sợ có thể giết chết chúng.
Đội của anh Sun thường làm việc chủ yếu vào đêm khuya khi không gian tĩnh mịch hơn, nhờ đó làm tăng cơ hội tìm thấy những con vật bị mất tích vì chúng sẽ rời khỏi nơi ẩn náu.
Một thám tử thú cưng khác tên là Yan Zhiyon (trú tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) cho biết quá trình tìm kiếm thú cưng rất thú vị, công việc cũng giống như một thám tử bình thường nhưng cần phải chú ý nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ.
Nhóm thường sẽ mang theo đèn pha, đèn pin, kính nhìn ban đêm, lưới và lồng để đi tìm kiếm những con vật cưng mất tích, thông thường là mèo và chó.
"Theo dấu vết do con mèo để lại, chẳng hạn như dấu chân trên hành lang và lông để lại ở các góc, chúng tôi khoanh vùng được vị trí chú mèo đang bị lạc và bắt đầu đi tìm nó", Yan giải thích.
Trong một trường hợp khác, nhóm của thám tử Yan đã tìm thấy một con mèo ba tháng tuổi bị mắc kẹt trong khu vực thông gió. Để tiếp cận con mèo, một thành viên trong đội đã phải buộc dây thừng quanh eo và chui vào bế mèo ra từ lỗ thông gió.
Theo SCMP, thông thường hướng tiếp cận của các thám tử sẽ khác nhau theo từng loài, từng độ tuổi của con vật mất tích.
Công việc này tuy dựa trên kinh nghiệm của một thám tử bình thường, nhưng quan trọng nhất là những người làm nghề này phải hiểu rõ thói quen và đặc điểm của từng loài động vật mà họ đang tìm kiếm. Niềm vui của họ là khoản thù lao hậu hĩnh và niềm vui của những người chủ và cả thú cưng khi gặp lại được nhau.
Theo trang web Pet Pet Asia và trang web thú cưng Goumin.com tiết lộ, hiện Trung Quốc có hơn 91,5 triệu con chó và mèo.