+Aa-
    Zalo

    Nghề lạ thời 4.0: Mưu sinh nuôi cả nhà nhờ nghề “vá tiền”

    (ĐS&PL) - Ở Zimbabwe, việc dán vá và bán lại USD rách nát là một nghề kiếm sống của nhiều người.

    Tại Zimbabwe, nghề "vá tiền" trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Chỉ với vài thao tác dán keo đơn giản, những tờ tiền rách nát tưởng chừng như bỏ đi sẽ được phục hồi nguyên vẹn.

    Cuthbert Gudza, một thợ vá tiền lành nghề, cầm tờ 2 USD rách trên tay, tỉ mỉ dùng keo dán lại vết rách. Sau đó, anh cẩn thận đem tờ tiền ra phơi nắng cho keo khô.

    Những tờ tiền được dán tỉ mẩn. Ảnh: Reuters

    Những tờ tiền được dán tỉ mẩn. Ảnh: Reuters

    Những tờ USD rách nát đang được "tái sinh" ngay trên đường phố Harare, thủ đô của Zimbabwe. Chúng được thu mua với giá chỉ bằng một nửa giá trị thực, sau đó được vá lại và bán kiếm lời, trong bối cảnh người dân Zimbabwe đang chật vật mưu sinh giữa cuộc khủng hoảng tài chính.

    Từ khi đồng đô la Zimbabwe mất giá mạnh hồi năm 2009 do lạm phát kỷ lục, người dân nước này đã dựa vào đồng bạc xanh cho các giao dịch hằng ngày. Tuy nhiên, nguồn tiền USD ít ỏi, nên một số tờ tiền bị rách vẫn được dán lại để lưu thông. 

    Mặc dù, các ngân hàng ở Zimbabwe có thể đổi tiền rách lấy các tờ tiền mới, nhưng người dân tỏ ra ngờ vực sau khi mất tiền tiết kiệm do siêu lạm phát ở Zimbabwe. Vì vậy, họ thích giao dịch với người mua tiền USD rách trên thị trường chợ đen hơn là ngân hàng.

    Gudza, 33 tuổi, cha của 3 đứa con cho hay: "Nếu số seri ở cả 2 mặt của tờ tiền có thể nhìn thấy được thì đủ điều kiện bán. Tôi là người bán khoai tây nhưng nhìn thấy thu mua tờ USD rách là cơ hội kinh doanh. Những tờ tiền này không được nhận ở siêu thị nhưng chúng tôi mua chúng để bán lại".

    Gudza cho biết thêm: "Chúng tôi mua 1 USD với giá 600 đô la Zimbabwe. Với những người không muốn nhận tiền mặt, chúng tôi trả bằng khoai tây, cam hoặc táo. Nếu không thể vá lại các tờ tiền, tôi mang đến ngân hàng để đổi".

    Ở Zimbabwe, việc dán vá và bán lại USD rách nát là một nghề kiếm sống của nhiều người. Ảnh: Internet

    Ở Zimbabwe, việc dán vá và bán lại USD rách nát là một nghề kiếm sống của nhiều người. Ảnh: Internet

    Anh Albert Marombe, một người hành nghề “vá tiền” khác cầm tờ 1 đô la đã nhăn nhúm, rách nát. Một cách khéo léo và chuyên nghiệp, anh dán nó lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra.“Tôi không cần biết nó rách thế nào, chỉ cần tôi nhìn được số sê-ri ở cả hai mặt, thì dù cho có bị chuột cắn nát, tôi vẫn có cách sửa lại”, anh Albert Marombe nói. Như Cuthbert Gudza, Albert chỉ chọn nghề sửa lại tiền là nghề tay trái, anh đang làm nghề bán quần áo cũ và đang cần kiếm thêm tiền để nuôi vợ con. Mọi người thường gọi anh bằng biệt danh “người làm sạch tiền”.

    Anh Albert Marombe sẽ bán tờ 1 đô la này với giá 80 xu và nó sẽ được lưu hành trở lại. Nhiều cửa hàng có thể từ chối những tờ tiền được dán lại nhưng ở các khu chợ, người ta sẽ nhận nó. Bị chuột cắn nát hay xé nát, tờ 1 đô la đang là vua ở Zimbabwe giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra liên tiếp. Tờ 1 đô la thường được nhiều người sử dụng để mua bánh mỳ hằng ngày và các món đồ nhỏ khác. Những tờ 1 đô la mới sẽ không được phát hành ở Zimbabwe nữa, vì thế những người nhạy bén với thời cuộc đang mạnh dạn sửa lại chúng cho những khách hàng tuyệt vọng của họ.

    Các doanh nghiệp chính thức từ chối loại tiền này, vì thế buộc người dân phải bán chúng cho những người như Marombe với giá trị nhỏ hơn giá trị thực. Các khu mua bán không chính thức trên đường phố thường sẽ chấp nhận chúng sau một hồi thương lượng.

    Ở nhiều thành phố trên khắp đất nước Zimbabwe, những người buôn bán tiền cũ đứng thành hàng dài trên phố, cầm cả tiền địa phương lẫn tiền đô la Mỹ. Tờ 1 đô la trong tình trạng tốt sẽ được trả thêm 10%. Người bán nói rằng họ mua những tờ tiền đẹp hơn từ các chủ cửa hàng bán lẻ, công nhân và những người bán hàng rong.

    Anh Munengami từng là giáo viên với mức lương tương đương 50 USD. Không nhìn thấy tương lai từ nghề giáo viên, anh đã kiếm sống với nghề buôn tiền. “Tôi mua những tờ tiền rách nát để bán cho khách hàng là các cửa hàng và doanh nhân với lãi 20%”, Munengami cho hay. Tuy nhiên, đây là công việc bất hợp pháp nên những người buôn tiền cũng canh cánh nỗi lo.

    Amina Banda, 34 tuổi bày tỏ: "Tôi lo cảnh sát sẽ bắt mình. Tôi không tin tưởng ai cả. Cho nên khi giao dịch, tôi giữ khoảng cách an toàn để có thể tẩu thoát. Đôi khi, cảnh sát mặc thường phục cải trang sẽ xuất hiện đấy", Amina Banda bày tỏ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-la-thoi-4-0-muu-sinh-nuoi-ca-nha-nho-nghe-va-tien-a490614.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan