(ĐSPL) – Gần 1.000 người phải thôi việc theo quyết định 14/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An. Họ cảm thấy băn khoăn lo lắng rằng sẽ phải làm việc gì, đặc biệt với những người tuổi cao đã công tác nhiều năm.
Ngày 27/1/2014, Sở Nội vụ Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh. Quyết định này bãi bỏ Quyết định số 58/2010/QĐ-UBND ngày 11/8/2010 của UBND tỉnh.
Quyết định số 58/2010/QĐ-UBND có quy định một số chức danh với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã như thủ quỹ, văn thư, lưu trữ, tạp vụ (thuộc nhóm 3), theo quyết định số 14/2014/QĐ-UBND không bố trí chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã làm nhiệm vụ thủ quỹ, văn thư, lưu trữ, tạp vụ.
Ngày 29/4/2014, Sở Nội vụ đã có công văn số 606/NSV-XDCQ yêu cầu UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chọn một trong số những công chức đang công tác tại UBND cấp xã, phường để thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm những chức danh trên. Sau khi tiếp nhận công văn số 606/SNV-XDCQ có rất nhiều ý kiến không đồng tình từ các cơ sở xã, phường và những cán bộ không chuyên trách, nhất là các xã, phường ở thành phố Vinh.
Chị Nguyễn thị Huấn công tác văn thư lưu trữ nhiều năm ở phường Hưng Bình rất hoang mang khi biết mình phải nghỉ việc |
Buồn vì mất việc
Chị Nguyễn Thị Huấn đảm nhận công việc văn thư tại UBND phường Hưng Bình đến nay đã 32 năm. Nhưng theo quyết định số 14/2014/QĐ–UBND của UBND tỉnh, chị buộc phải nghỉ việc. Không giấu được dòng nước mắt, chị nghẹn ngào chia sẻ: “Hơn 30 năm qua, dù mức phụ cấp không chuyên trách rất thấp, các chế độ thiệt thòi nhưng tôi đã phấn đấu và hy vọng rất nhiều. Đến nay, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của tôi chưa đủ để hưởng chế độ nghỉ hưu, giờ nghỉ việc, tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Cũng thuộc đối tượng phải nghỉ việc theo Quyết định số 14/QĐ-UBND tỉnh, chị Nguyễn Thị Thao, cán bộ thủ quỹ của UBND xã Nghi Phú buồn rầu tâm sự: “Những ngày qua, tôi rất hoang mang và lo lắng, theo quyết định đó, tôi buộc phải nghỉ việc và hưởng hỗ trợ một lần. Tôi về xã làm thủ quỹ từ năm 1996, sau bao nhiêu năm cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, giờ phải nghỉ việc, tôi chưa biết phải làm gì”. Chị Huấn, chị Thao là hai trong số gần 1000 người phải thôi việc theo quyết định 14, họ cảm thấy băn khoăn lo lắng rằng sẽ phải làm việc gì, đặc biệt với những người tuổi cao đã công tác nhiều năm.
Ý Kiến không đồng tình
Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: “Theo Quyết định 14, xã Hưng Lộc sẽ có 3 cán bộ không chuyên trách giữ các chức danh: văn thư, lưu trữ, tạp vụ phải nghỉ việc. Cả 3 người này đã làm việc tại xã từ 7 đến 12 năm, họ có trình độ chuyên môn, giờ buộc phải nghỉ việc, họ đều có những phản ứng nhất định. Cũng theo quyết định, nhiệm vụ thủ quỹ, xã sẽ chỉ định một công chức kiêm nhiệm. Rõ ràng, ở chính quyền cấp xã, càng gần dân thì công việc càng nhiều, nếu phải kiêm nhiệm thì khối lượng công việc sẽ quá tải. Hàng ngày, cán bộ văn thư, lưu trữ phải trực nhận, gửi công văn đi đến, đóng dấu, đánh máy, photocoppy và rất nhiều việc đi kèm khác. Cán bộ thủ quỹ cũng gắn với công việc của kế toán về công tác thu, chi, trả lương hưu, phụ cấp, trợ cấp xã hội… cho các đối tượng trên địa bàn toàn xã. Nếu đưa một cán bộ công chức làm kiêm nhiệm thì họ không có thời gian để làm việc chuyên môn, chưa kể, còn gặp khó khăn trong công tác tiếp dân. Tôi muốn kiến nghị, Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại vị trí công việc tại các phường, xã; các quyết định cần phải có lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của từng đơn vị, đảm bảo giải quyết việc làm cho những cán bộ đã cống hiến nhiều năm”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi cho rằng, Quyết định 14 của UBND tỉnh đang nảy sinh những bất cập. Công việc của một thủ quỹ tại các phường, xã trong thành phố là rất nhiều, chẳng hạn, tại một phường trung tâm như Lê Lợi. Người phụ trách thủ quỹ đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ quản lý quỹ chặt chẽ, bám sát công việc của kế toán, thực hiện công tác thu, chi…Ví dụ, khi người dân đến nhận lương hưu, phụ cấp, các chế độ trợ cấp xã hội: có người đến nhận buổi sáng, người đến buổi chiều, lúc thì đến một lần rất đông, nếu làm kiêm nhiệm thì có túc trực để chi trả được không? Khi bố trí cán bộ công chức kiêm nhiệm, họ sẽ khó mà hoàn thành được công việc chuyên môn đồng thời khó hoàn thành được công việc kiêm nhiệm. Đối với công việc thủ quỹ, nếu có sơ suất, sai sót thì hậu quả sẽ rất lớn. Cũng theo ông Ngọc, tỉnh cần có sự rà soát để đảm bảo tính phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị trong tỉnh, các phường, xã ở thành phố, hoạt động giao dịch nhiều, nếu kiêm nhiệm thì ảnh hưởng đến công tác hành chính.
Có chung ý kiến, Ông Nguyễn Hữu Đắc, Chủ tịch UBND phường Hưng Bình chia sẻ: "Theo quyết định 14 của UBND tỉnh, phường Hưng Bình sẽ có 2 cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ: văn thư, tạp vụ phải nghỉ việc. Những người này đã được phường hợp đồng công việc từ rất lâu, như trường hợp chị Huấn đã có 32 năm làm việc tại phường.Lâu nay mức phụ cấp của họ rất thấp, không được hưởng các chế độ, chính sách của hợp đồng lao động, nhưng họ đã đóng bảo hiểm tự nguyện còn vài năm nữa mới đủ thời gian. Tại phường Hưng Bình, công việc của văn thư, thủ quỹ, tạp vụ rất nhiều, các cán bộ không chuyên trách đã luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, giờ họ buộc phải nghỉ việc thì các chế độ giải quyết nghỉ việc phải thỏa đáng. Theo tôi, một công sở cần phải có các vị trí công việc sát sườn như văn thư, thủ quỹ, tạp vụ".
Giải quyết những kiến nghị
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Tân, Trưởng phòng Nội vụ, UBND thành phố Vinh cho biết: "Căn cứ vào Công văn số 606/NSV-XDCQ của Sở Nội vụ yêu cầu UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo chủ tịch UBND các xã lựa chọn, quyết định cử một trong số công chức đang công tác tại UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ thủ quỹ, UBND thành phố Vinh đã ban hành công văn số 2113/UBND-NV yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã trên địa bàn triển khai thực hiện và báo cáo kết quả. Sau khi công văn gửi về các phường, xã, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các đơn vị, phần lớn các phường, xã đều cho rằng có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện quyết định. Phòng Nội vụ đã tập hợp các ý kiến và sẽ báo cáo lên Sở Nội Vụ và UBND tỉnh xem xét".
Ông Lê Văn Huệ, phó phòng Nội vụ huyện Nghi Lộc cũng cho biết: "Huyện Nghi Lộc cũng có nhiều ý kiến từ các xã cho rằng khó bố trí cán bộ công chức kiêm nhiệm vì trước tới giờ chỉ bố trí cán bộ bán chuyên trách công việc họ ít, trong khi đó tỉnh cũng không nói rõ về mức phụ cấp cho các cho cán bộ kiêm nhiệm".
Qua những ý kiến thực tế tại các địa phương cho thấy, quyết định số 14/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An còn rất nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng chưa hợp lý, rất khó cho các đơn vị thực hiện. Cần có những rà soát thực tế để áp dụng cho những xã ít dân, công việc ít, khó khăn về ngân sách; có hướng giải quyết việc làm cho các đối tượng thuộc diện phải nghỉ việc này, như vậy việc tinh giản bộ máy cán bộ ở cơ sở xã, phường mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.